Site icon Medplus.vn

U DÂY THẦN KINH THÍNH GIÁC LÀ NHƯ THẾ NÀO?

Cùng Medplus tìm hiểu về u dây thần kinh thính giác là như thế nào bạn đọc nhé!

u dây thần kinh thính giác

1. U dây thần kinh thính giác là gì?

U dây thần kinh thính giác còn được gọi là u dây thần kinh số 8. Đây là một khối u lành tính, phát triển chậm, thường bắt đầu từ dây thần kinh sọ thứ 8 của não (dây thần kinh tiền đình). U dây thần kinh thính giác có thể ảnh hưởng tới 1 hoặc cả 2 bên tai, thường là 1 bên, có kích thước bằng đầu ngón tay hoặc quả trứng gà nhưng nằm trong hố não sau của sọ nên có thể gây nhiều rối loạn nghiêm trọng.

U dây thần kinh thính giác chiếm tỷ lệ khoảng 8% trong tổng số các khối u phát triển trong não. Nhóm tuổi thường mắc bệnh là 30 – 60 tuổi. Đến nay, nguyên nhân gây bệnh u dây thần kinh số 8 vẫn chưa được xác định rõ. Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh là do bố mẹ mang rối loạn gen thần kinh tuýp 2 truyền sang con.

2. Nguyên nhân u dây thần kinh thính giác

Sự phát triển của khối u bắt nguồn từ việc xung quanh dây thần kinh thính giác có quá nhiều tế bào Schwann. Nguyên nhân của tình trạng này có thể là do một gen thuộc NST 22 bị hỏng. Thông thường, gen đó có vai trò tạo ra một loại protein ức chế khối u nhằm kiểm soát sự tăng trưởng của các tế bào Schwann. Tuy nhiên, nguyên nhân khiến gen đó bị hỏng vẫn chưa được xác định rõ ràng và đang được tiếp tục nghiên cứu.

Trong đó, u thần kinh hai bên có thể do rối loạn di truyền u sợi thần kinh gây nên; còn u một bên là tình trạng hiếm gặp và không do di truyền. U dây thần kinh thính giác không có khả năng truyền nhiễm hay lây lan từ người này sang người khác.

3. Triệu chứng khi u dây thần kinh thính giác

U dây thần kinh thính giác tiến triển chậm, ở giai đoạn đầu các triệu chứng thường mờ nhạt, khiến người bệnh không phát hiện được bệnh sớm. Triệu chứng của bệnh cũng phụ thuộc vào độ lớn, vị trí xâm nhập và sự lan rộng của khối u.

Một số biểu hiện đặc trưng của bệnh ở giai đoạn đầu gồm:

  • Nghe kém: Tiến triển chậm, có thể từ vài tháng tới vài chục năm, thường là trong khoảng 2 năm. Bệnh nhân có thể bị mất thính giác đột ngột hoặc thoáng qua.
  • Ù tai: Nghe thấy tiếng chuông hoặc âm thanh rít lên trong tai.
  • Mất thăng bằng, hội chứng tiền đình kiểu trung ương (rung giật nhãn cầu);

Triệu chứng ở giai đoạn sau, khi khối u lan vào hố não sau và gây liệt một số dây thần kinh sọ:

  • Liệt dây thần kinh số 5: Mất phản xạ giác mạc, giảm cảm giác ngoài da ở nửa bên mặt có khối u, về sau bị liệt cơ nhai.
  • Liệt dây thần kinh số 6: Mắt của bên có khối u bị lác vào trong, nhức đầu từng cơn hoặc đôi khi bị đau đầu dữ dội.
  • Liệt dây thần kinh số 7: Liệt nhẹ nửa mặt hoặc co thắt cơ mặt ở bên có khối u.
  • Khi khối u lan vào góc tiểu cầu não và thân não: Các chi bị rối loạn, đi đứng loạng choạng, run tay chân, đi hay bị ngã về bên có khối u.
  • Triệu chứng tăng áp lực nội sọ: Đau đầu nặng vùng đỉnh đầu và gáy, nôn mửa,…

Các triệu chứng của bệnh sẽ tăng dần, có thể dẫn tới hôn mê tăng dần hoặc tụt kẹt hạnh nhân tiểu não, gây tử vong.

4. Điều trị  u dây thần kinh thính giác

Các phương pháp điều trị bệnh bao gồm phẫu thuật, xạ trị và theo dõi tình trạng bệnh nhân. Việc lựa chọn phương pháp điều trị nào sẽ phụ thuộc vào kích thước, tốc độ phát triển của khối u, mức độ suy yếu chức năng các cơ quan, độ tuổi, lối sống của bệnh nhân và các nguy cơ tai biến của phẫu thuật. Thông tin chi tiết về các phương pháp điều trị như sau:

Phẫu thuật

Đây là phương pháp điều trị đáng tin cậy nhất, đặc biệt là với trường hợp phát hiện bệnh khi khối u còn nhỏ, có thể phục hồi thính lực và chức năng các cơ quan lân cận của bệnh nhân. Ngoài ra, thay vì phẫu thuật truyền thống, bác sĩ có thể thực hiện phẫu thuật bằng dao Gamma để điều trị u dây thần kinh thính giác cho bệnh nhân. Phương pháp này sử dụng các tia bức xạ gamma năng lượng cao nhắm vào khối u, không gây ảnh hưởng tới khu vực lân cận.

Xạ phẫu có ưu điểm là tính không xâm lấn, ít biến chứng, đặc biệt là đối với các khối u có kích thước nhỏ hoặc nằm ở các vị trí phẫu thuật khó khăn. Với các khối u lớn, khó phẫu thuật triệt để thì bác sĩ có thể kết hợp phẫu thuật một phần rồi thực hiện kết hợp với xạ phẫu phần tồn dư.

Xạ trị

Phương pháp này giúp làm giảm kích thước hoặc hạn chế sự phát triển của khối u dây thần kinh thính giác. Phương pháp này được ưu tiên lựa chọn cho những người bệnh lớn tuổi, có sức khỏe kém, có khối u ảnh hưởng tới cả 2 tai hoặc khối u ảnh hưởng tới bên tai duy nhất còn khả năng nghe.

Theo dõi

Trường hợp bệnh nhân không thể thực hiện phẫu thuật hay xạ trị, bác sĩ sẽ chỉ định theo dõi sự phát triển của khối u và thực hiện chụp MRI não định kỳ để đánh giá khối u.

u dây thần kinh thính giác

Tìm hiểu từ nguồn:Verywell Health 

Như vậy, Medplus đã cung cấp cho bạn đọc đầy đủ thông tin hữu ích về các bệnh u dây thần kinh thính giác, hy vọng bài đọc sẽ cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin bổ ích, giúp bạn nâng cao tầm hiểu biết mà hạnh phúc hơn.

Bên cạnh đó, Medplus cũng cung cấp một số thông tin liên quan :

Exit mobile version