Cùng Medplus tìm hiểu ung thư đường mật là gì bạn đọc nhé!
1. Ung thư đường mật là gì?
Ung thư đường mật (ung thư biểu mô đường mật) xảy ra khi các tế bào trong đường mật phát triển không theo trật tự hoặc kiểm soát. Mật là một chất lỏng do gan sinh ra để giúp tiêu hóa chất béo. Mật chảy từ gan qua nhiều đường mật kết tụ vào đường chính (ống mật chủ trong gan). Túi mật kết nối với ống mật chủ trong gan qua ống túi mật sau đó dẫn vào ống mật chủ và tá tràng (phần đầu tiên của ruột non).
Ung thư đường mật được chia làm 3 loại dựa vào vị trí của khối u:
- Đường mật trong gan nằm trong gan
- Đường mật vùng rốn gan nằm dưới gan
- Đường mật vùng ngoài gan nằm gần vị trí nối tá tràng
Sự phát triển ác tính này có khả năng tăng về kích thước, xâm lấn cấu trúc xung quanh và lan sang các phần khác của cơ thể. Loại ung thư đường mật vùng rốn gan và vùng ngoài gan có xu thướng làm tắc đường mật vì chúng phát triển làm tắc dòng chảy của mật từ gan vào ruột.
2. Nguyên nhân ung thư đường mật là gì?
Những yếu tố có thể được xem là nguyên nhân bệnh ung thư đường mật:
- Các bệnh do viêm đường mật mãn tính như: viêm xơ chai đường mật nguyên phát, sỏi đường mật, nang đường mật
- Tuổi tác (người già hơn có nguy cơ cao hơn)
- Nhiễm sán lá gan (kí sinh trùng)
- Gia đình có tiền sử ung thư đường mật
- Béo phì
3. Triệu chứng ung thư đường mật là gì?
Các triệu chứng thường gặp: Vàng da là triệu chứng phổ biến nhất, xuất hiện ở khoảng 90% các trường hợp. U vùng ống gan chung có triệu chứng sớm hơn u các ống gan phải và trái. Đau bụng xuất hiện ở 30-50% bệnh nhân. Đôi khi bệnh nhân vào viện vì sốt nhiễm trùng đường mật.
Các triệu chứng khác có thể gặp như: ngứa toàn thân, thiếu máu, chán ăn sụt cân. Trong các trường hợp muộn, người bệnh có xuất hiện báng bụng (có dịch trong bụng).
4. Điều trị ung thư đường mật
Phẫu thuật
Phẫu thuật triệt để là phương pháp duy nhất cải thiện thời gian sống còn của bệnh nhân. Tuy nhiên, có trên nửa số trường hợp trong khi phẫu thuật phát hiện có di căn phúc mạc hoặc di căn xa dù các phương tiện chẩn đoán trước mổ cho thấy còn khả năng làm phẫu thuật triệt để.
Do bản chất xâm lấn tại chỗ và do vị trí nên khả năng phẫu thuật điều trị triệt để ít và khó thực hiện. Trong đa số trường hợp, ngoài việc cắt bỏ đường mật có u, bác sĩ phẫu thuật phải cắt luôn phần gan có u xâm lấn. Dự hậu của ung thư đường mật rất xấu, đặc biệt là ung thư vùng rốn gan, nếu không điều trị, bệnh nhân tử vong do suy gan và di căn trong vòng 3 – 6 tháng.
Trong nhiều trường hợp được phát hiện, khối u thường đã xâm lấn gan vào các cấu trúc quan trọng lân cận như mạch máu và bạch huyết.
Điều trị cho các trường hợp phát hiện muộn
Đối với các trường hợp ung thư đường mật giai đoạn muộn, đã có xâm lấn và di căn rõ rệt trên các chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, CT scan, chụp cộng hưởng từ mật tụy… bác sĩ có thể tư vấn cho người bệnh chọn lựa các thủ thuật với mục đích giảm vàng da cho bệnh nhân.
Thủ thuật ưu tiên là đặt ống thông qua chỗ hẹp bằng nội soi từ đường miệng. Nếu nội soi thất bại, bệnh nhân có thể được đặt ống dẫn lưu vào đường mật xuyên gan qua da. Các thủ thuật này nhằm làm giảm vàng da, cải thiện chất lượng sống của bệnh nhân, tỉ lệ biến chứng và tử vong do thủ thuật thấp hơn phẫu thuật, nhưng không cải thiện thời gian sống còn của người bệnh.
Hóa trị
Hiện nay, có một số thuốc mới được dung điều trị ung thư đường mật nhưng tỉ lệ đáp ứng còn thấp, nhất là các bệnh nhân đã quá chỉ định phẫu thuật, không còn cắt được u. Trong một số nghiên cứu hồi cứu, điều trị bằng hóa trị các bệnh nhân sau phẫu thuật tạm bợ (chỉ đặt ống dẫn lưu) đã giúp cải thiện thời gian sống trung bình của bệnh nhân lên 28 tháng so với 8 tháng.
Tìm hiểu từ nguồn: Verywell Health
Như vậy, Medplus đã cung cấp cho bạn đọc đầy đủ thông tin về bệnh ung thư đường mật, hy vọng bài viết có thể cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin hữu dụng, giúp bạn đọc nâng cao cuộc sống và hạnh phúc gia đình hơn
Bên cạnh đó, Medplus cũng cung cấp thêm nhiều thông tin liên quan như: