Ung thư tuyến giáp thể nhú là dạng phổ biến nhất, chiếm khoảng 90% các ca bệnh ung thư tuyến giáp. Với một tỷ lệ mắc phải khá cao như vậy thì liệu ung thư tuyến giáp thể nhú có nguy hiểm không? Bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể nhú sống được bao lâu?
Bài viết dưới đây sẽ đưa ra những thông tin thật hữu ích liên quan đến bệnh lý ung thư tuyến giáp dạng nhú, để có thể giúp bạn giải đáp những thắc mắc trên.
Tìm hiểu chung
Ung thư tuyến giáp thể nhú là gì?
Tình trạng xuất hiện cục u bất thường ở vùng cổ có thể là một triệu chứng của các vấn đề liên quan đến tuyến giáp. Các khối u này có thể chỉ do sự tích tụ các tế bào tuyến giáp dư thừa nên thường lành tính và vô hại. Tuy nhiên, đôi khi đó có thể là một khối ung thư. Trường hợp khối u phát triển ra khỏi mô tuyến giáp bình thường được gọi là ung thư tuyến giáp thể nhú.
Ung thư tuyến giáp dạng nhú là loại ung thư tiến triển chậm, thường chỉ phát triển ở một thùy của tuyến giáp. Bệnh lý này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và phổ biến nhất ở những người trong độ tuổi từ 30 – 50 tuổi. Mức độ ảnh hưởng ở phụ nữ cao hơn so với ở nam giới, đặc biệt là phụ nữ trẻ tuổi.
Triệu chứng
Triệu chứng ung thư tuyến giáp thể nhú
Ung thư tuyến giáp thể nhú thường không có bất kỳ triệu chứng nào ở giai đoạn sớm. Bạn chỉ có thể cảm thấy sự hiện diện của một khối u cứng, bề mặt nhẵn hoặc gồ ghề ở vị trí tuyến giáp. Kèm theo đó là xuất hiện hạch ở vùng cổ cùng bên với khối u, kích thước hạch nhỏ, mềm và có thể di động.
Nếu bệnh ở giai đoạn muộn, bạn có thể nhìn thấy hoặc sờ thấy được khối u cứng và to hơn, cố định ngay trước cổ. Người bệnh có thể bị đau họng, khàn tiếng, khó thở khi nằm xuống và cảm giác khó nuốt hoặc nuốt vướng do khối u chèn ép thực quản. Trong một số trường hợp, da vùng cổ có thể bị sần sùi thâm nhiễm hoặc loét chảy máu.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ung thư tuyến giáp thể nhú
Hiện nay, nguyên nhân chính xác gây ung thư tuyến giáp vẫn chưa được rõ. Mặc dù phải cần thêm nhiều nghiên cứu để có thể xác định, tuy nhiên các chuyên gia vẫn cho rằng ung thư tuyến giáp có thể liên quan đến đột biến di truyền.
Một số bệnh như đa polyp tuyến gia đình (FAP), hội chứng Gardner và bệnh Cowden có thể làm tăng tỷ lệ mắc bệnh.
Bên cạnh đó, một yếu tố nguy cơ khác của bệnh là tiếp xúc với bức xạ ở khu vực đầu, cổ hoặc ngực. Vì vậy, những bệnh nhân đã từng điều trị một loại ung thư khác bằng phương pháp xạ trị lúc nhỏ sẽ có khả năng mắc bệnh cao. Họ có thể cần phải bổ sung kali i-ốt để giảm nguy cơ phát triển ung thư.
Chẩn đoán và điều trị
Chẩn đoán ung thư tuyến giáp thể nhú
Sự xuất hiện của khối u có thể khiến bạn lo lắng, nhưng không phải tất cả khối u ở tuyến giáp đều là ung thư. Bạn cần phải đến gặp bác sĩ để kiểm tra tình trạng bằng các biện pháp chẩn đoán cần thiết. Một số xét nghiệm dùng trong chẩn đoán ung thư tuyến giáp dạng nhú bao gồm:
- Khám lâm sàng để phát hiện sự bất thường của tuyến giáp và các mô lân cận
- Sinh thiết mô tuyến giáp
- Xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ hormone kích thích tuyến giáp (TSH)
- Siêu âm quan sát kích thước và hình dạng tuyến giáp
Điều trị ung thư tuyến giáp dạng nhú
Bệnh nhân có thể không cần điều trị mà chỉ cần theo dõi thường xuyên bằng siêu âm nếu ung thư rất nhỏ. Trường hợp khi cần điều trị, các phương pháp điển hình thường được sử dụng trong bệnh ung thư tuyến giáp thể nhú bao gồm:
- Phẫu thuật là phương pháp tối ưu nhất, có thể là cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp. Nếu cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp, bệnh nhân sẽ phải bổ sung hormone tuyến giáp suốt đời để kiểm soát chứng suy giáp.
- Xạ trị. Có hai loại khác nhau là xạ trị bên ngoài bằng bức xạ tia X và xạ trị bên trong bằng thuốc phóng xạ. Phương pháp này chỉ thường được sử dụng khi ung thư tuyến giáp thể nhú di căn từ tuyến giáp hoặc khi nguy cơ phẫu thuật quá cao.
- Hóa trị liệu. Mục đích là ngăn chặn sự phân chia của các tế bào ung thư bằng một số loại thuốc đặc trị phù hợp.
- Liệu pháp hormone tuyến giáp. Bác sĩ có thể kê đơn các loại thuốc để ngăn cơ thể sản xuất hormone kích thích tuyến giáp (TSH). Đây là những hormone khiến ung thư phát triển trong tuyến giáp.
- Liệu pháp nhắm mục tiêu. Sử dụng các loại thuốc có tác dụng tập trung vào một đặc tính cụ thể của tế bào ung thư để giết chết các tế bào hoặc hỗ trợ các liệu pháp khác hoạt động tốt hơn.
Ung thư tuyến giáp thể nhú có nguy hiểm không?
Bất kỳ ai nếu đang nghi ngờ hoặc đã được chẩn đoán mắc bệnh cũng sẽ khó tránh khỏi sự lo sợ tâm lý, không biết liệu ung thư tuyến giáp thể nhú có nguy hiểm không?
Mặc dù ung thư tuyến giáp là loại ung thư rất thường gặp ở hệ nội tiết, đặc biệt ung thư dạng nhú lại chiếm tỷ lệ cao nhất, nhưng bệnh thường phát triển chậm và có thể phẫu thuật để điều trị triệt căn.
Do đó, nếu được phát hiện và can thiệp kịp thời ở giai đoạn sớm thì bệnh lý này có thể được xem là không quá nguy hiểm đến sức khỏe bệnh nhân.
Tiên lượng sống
Ung thư tuyến giáp thể nhú sống được bao lâu?
Tỷ lệ sống ở bệnh nhân có thể khác nhau phụ thuộc vào dạng ung thư tuyến giáp mắc phải. Vậy câu hỏi đặt ra là ung thư tuyến giáp thể nhú sống được bao lâu?
Như đã đề cập, ung thư tuyến giáp thể nhú thường có tiên lượng tốt và khả năng sống sau 5 năm đạt đến 80-90%. Ở các dạng khác thì tỷ lệ sống sau 5 năm chỉ từ 50-70% ở thể nang, 40% ở thể túy và thể không biệt hóa chỉ có dưới 50%.
Ung thư tuyến giáp thể nhú là một bệnh lý không có triệu chứng rõ ràng, dẫn đến việc bệnh nhân thường được phát hiện muộn. Điều đó có thể ảnh hưởng rất lớn đến quá trình điều trị và khắc phục bệnh. Vì thế, để đảm bảo an toàn nhất cho sức khỏe, bạn nên thường xuyên kiểm tra định kỳ hoặc đến bệnh viện ngay khi cảm thấy cơ thể có sự bất thường.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.
Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Nguồn: Targeted therapy for thyroid cancer
Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất: