Tính chất hoa hòe theo tài liệu cổ: hoa vị đắng, tính bình, quả vị đắng tính hàn. Hoa vào 2 kinh can và đại tràng. Quả và kinh can. Có tác dụng lương huyết, thanh nhiệt, chỉ huyết (hoa). Quả tính chất gần như hoa nhưng có thể gây ra thai. Dùng chữa xích bạch lỵ, trĩ ra máu, thổ huyết, máu cam, phụ nữ băng huyết. Cùng MedPlus tìm hiểu kỹ về công dụng và bài thuốc hay nhé !
Vị thuốc hoa hòe là một vị thuốc quý
Thông tin cơ bản
1. Thông tin khoa học:
- Tên Tiếng Việt: Hòe, Lài luồng (Tày), Hòe hoa, Hòe mễ
- Tên khoa học: Sophora japonica L.
- Họ: Đậu ( Fabaceae )
2. Mô tả Cây
- Cây hoa hoè là một cây cao to 5-6m. Lá kép lông chim lẻ, mọc so le, mỗi lá có từ 7-17 lá chét.
- Hoa mọc thành bông, cánh bướm màu vàng trắng.
- Quả là một giáp dài hoặc hơi cong. Giữa các hạt quả hơi thắt lại.
3. Phân bố, thu hái và chế biến
Phân bố
- Cây hoè mọc hoang và được trồng khắp nơi ở nước ta, vì trước đây người ta dùng để uống nước cho mát và dùng để nhuộm màu vàng. Hàng năm khả năng ta có thể thu mua rất nhiều, thừa dùng trong nước. Nhưng gần đây nhu cầu xuất khẩu lớn nên ta đang phát triển trồng. Trồng bằng hạt hoặc dâm cành.
Thu hoạch
- Mùa hoa các tháng 7, 8, 9
- Sau 3- 4 năm bắt đầu thu hoạch.
- Cây sống lâu, càng những năm sau thu hoạch càng cao. Hoa phải hái lúc còn nụ mới chứa nhiều hoạt chất.
Bộ phận dùng
- Nụ hoa, Quả đều được làm thuốc
Chế biến
- Phơi hay sấy khô.
Công dụng và tác dụng chính
A. Thành phần hoá học
- Trong hoa hoè có từ 6-30% rutin (rutozit).
- Trong quả cũng có rutin.
- Rutin là một chất có tin hthể hình tram nhỏ màu vàng hay trắng vàng, tan trong 10.000 phần nước, 650 phần rượu, tan nhiều trong rượu metylic và dung dịch kiềm, không tan trong ete clorofoc và benzene.
- Rutin còn có thể chế từ lúa mạch ba gốc hoặc một loài bạch đàn (Eucalytus macrorhyncha) chưa thấy trồng ở nước ta
B. Tác dụng dược lý
Tác dụng và Liều dùng .
- Rutin là một loại vitamin P, có tác dụng tăng cường sức chịu đựng của mao mạch.
- Chữ P là chữ đầu của chữ Permeabilite nghĩa là thấm. ngoài rutin có tính chất vitamin P ra, còn nhiều chất khác có tính chất đó nữa như esculozit, hesperidin (trong vỏ cam)… Rutin có tác dụng chủ yếu là bảo vệ sức chịu đựng bình thường của mao mạch. Thiếu chất vitamin này tính chất chịu đựng của mao mạch có thể bị giảm, mao mạch đễ đứt vỡ, hiện tượng này trước đây người ta chỉ cho rằng do thiếu vitamin C mà có, gần đây mới phát hiện sự liên quan đối với vitamin P.
- Theo Hoàng Chiêu đức (Trung Nam y học tạp chí 1952):
- Nước sắc hoa hoè đã lọc bỏ rutin đi rồi vẫn làm giảm huyết áp của chó đã gây mê
- Có tác dụng hưng phấn nhẹ đối với tim cô lập của ếch
- Có tác dụng kích thích sự bài tiết của niêm mạc ruột
- Một tác giả khác (Trung Quốc 1952):
- Có nghiên cứu trên tử cung có thai và không có thai đều thấy có tác dụng kích thích và đối với chó gây mê có tác dụng lợi tiểu tạm thời.
MedPlus sẽ giới thiệu bài viết về vitamin P sớm thôi nhé !
C. Công dụng, tính vị và liều dùng
Công dụng và tính vị
- Tính chất hoa hoè theo tài liệu cổ: hoa vị đắng, tính bình, quả vị đắng tính hàn. Hoa vào 2 kinh can và đại tràng. Quả và kinh can. Có tác dụng lương huyết, thanh nhiệt, chỉ huyết (hoa). Quả tính chất gần như hoa nhưng có thể gây ra thai. Dùng chữa xích bạch lỵ, trĩ ra máu, thổ huyết, máu cam, phụ nữ băng huyết.
- Hiện nay nhân dân dùng hoa hoè làm thuốc cầm máu, dùng trong những bệnh ho ra máu. Đổ máu cam, tiểu tiện ra huyết, ruột chảy máu.
- Rutin thường dùng cho bệnh nhân bị cao huyết áp mà mao mạch dễ vỡ, đứt, để đề phòng đứt mạch máu ở não, xuất huyết cấp tính do viêm thận, xuất huyết ở phổi mà không rõ nguyên nhân, còn có tác dụng đối với bệnh cao huyết áp.
Liều dùng
- Hoa hòe: Ngày uống 5-20g dưới dạng thuốc sắc.
- Rutin thường được chế thành thuốc viên, mỗi viên có 0,02g. ngày uống 3 lần, mỗi lần 1-2 viên (0,06 – 0,12g/ngày).
Kiêng kỵ
- Không có thực hỏa, thực nhiệt cấm dùng. Kỵ sắt (Trung Dược Học).
- Bệnh do hư hàn, không có nhiệt: không dùng (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Bài thuốc sử dụng
1/ Trị chảy máu không cầm:
Hòe hoa, Ô tặc cốt, lượng bằng nhau, để nửa sống nửa sao, tán bột thổi vào (Phổ Tế Phương).
2/ Trị ho ra máu, khạc ra máu:
Hòe hoa sao, tán bột. Mỗi lần uống 12g với nước gạo nếp, cúi ngửa một lát thì đỡ (Chu Thị Tập Nghiệm Phương).
3/ Trị tiểu ra máu:
Hòe hoa sao, Uất kim (nướng), mỗi thứ 1 lượng tán bột lần 8g với nước sắc Đậu xị (Bí Tàng Phương).
4/ Trị đại tiện ra máu:
Hòe hoa, Kinh giới tuệ, các vị bằng nhau tán bột, uống lần 4g với rượu (Kinh nghiệm phương), hoặc dùng Trắc bá diệp 3 chỉ, Hòe hoa 6 chỉ sắc uống hàng ngày (Tập giản phương).
5/ Trị sốt cao đột ngột tiêu ra máu:
Ruột heo sống 1 cái rửa sạch phơi khô, lấy Hòe hoa sao tán bột bỏ đầy vào trong ruột heo, lấy giấm gạo ngâm trong hũ sành nấu chín, làm viên bằng hạt đạn lớn phơi nắng, mỗi lần uống 1 viên lúc đói với rượu ngâm Đương quy (Vĩnh Loại Kiềm Phương).
6/ Trị lỵ ra máu, trĩ ra máu:
Hòe hoa sao, tán bột, mỗi lần uống 12g với rượu, ngày uống 3 lần hoặc dùng vỏ trắng của cây Hòe hoa sắc uống (Phổ tế phương).
7/ Trị Rong kinh không cầm:
Hòe hoa sao tồn tính, mỗi lần uống 8~12g với rượu nóng trước khi ăn (Thánh Huệ Phương).
8/ Trị băng huyết không cầm:
Hòe hoa 120g, Hoàng cầm 80g, tán bột. Mỗi lần uống 20g với một chén rượu (Càn Khôn Bí Uẩn Phương).
9/ Trị trúng phong mất tiếng:
Hòe hoa sao, sau canh ba nằm ngửa nhai nuốt (Thế Y Đắc Hiệu Phương).
10/ Trị ung thư phát bối, nhiệt độc ở trong người, hoa mắt, đầu váng, miệng khô, lưỡi đắng, hồi hộp, lưng nóng, tay chân tê, có sưng ở sau lưng:
Hòe hoa một mớ, sao cho thành mầu nâu đen, ngâm với một chén rượu con, lúc rượu còn đang nóng thì uống, nếu chưa đỡ, uống tiếp, sau khi uống thì nhọt sẽ nhúm mủ lại (Bảo Thọ Đường Phương).
11/ Trị băng huyết, hạ huyết:
Hòe hoa 40g, Tông lư thán 8g, Muối 1 ít, sắc với 3 chén nước còn nửa chén, uống (Trích Huyền Phương).
12/ Trị trường phong hạ huyết:
Hòe hoa, Trắc bá (đốt cháy), Chỉ xác đều 12g, Kinh giới 8g. Tán bột uống với nước hoặc làm thang tể. (đại tiện ra máu) (Hòe Hoa Tán – Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
13/ Trị huyết áp cao:
Hòe hoa, Hy thiêm thảo, mỗi thứ 20 ~ 40g. Sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về một số tác dụng hay về loại dược liệu này!
Lưu ý
- Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo
- Người bệnh không tự ý áp dụng
- Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng
Nguồn: tracuuduoclieu.vn , tham khảo Sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam