Site icon Medplus.vn

Viêm amidan hốc mủ có nên cắt không?

Viêm amidan hốc mủ có nên cắt không?

Viêm amidan hốc mủ là một dạng viêm amidan mạn tính. Tình trạng này gây ra những cơn đau đớn khó chịu và làm ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sinh hoạt của người bệnh. Vậy viêm amidan hốc mủ là gì? Có nguy hiểm không? Triệu chứng và cách điều trị như thế nào?

Amidan là tổ chức lympho lớn nhất của cơ thể nằm tập trung ở phía dưới niêm mạc hầu. Bạn có thể dễ dàng nhìn thấy một phần amidan bằng cách mở rộng miệng ra và nhìn vào trong gương, chúng chính là mô mềm có màu hồng hiện diện ở hai bên thành họng.

Viêm amidan hốc mủ là gì? Nguyên nhân nào gây bệnh?

Viêm amidan hốc mủ là tình trạng viêm amidan mạn tính. Do bề mặt của amidan không nhẵn mà có các hốc nên khi bị viêm nhiễm, vi khuẩn ẩn náu lâu ngày trong các hốc amidan tạo nên các khối mủ như bã đậu, vón cục và rất hôi.

Bệnh thường là biến chứng của viêm amidan cấp tính không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách. Ngoài ra một số nguyên nhân và yếu tố khách quan khác cũng làm tăng nguy cơ phát sinh bệnh, cụ thể:

  • Cấu trúc amidan: amidan nằm ở vị trí giữa đường hô hấp và đường thức ăn do đó thường xuyên tiếp xúc với bụi bẩn, thức ăn và một số chất khác. Đồng thời, do có cấu tạo gồm nhiều hốc nên đây là nơi cư trú thuận lợi của nhiều loại vi khuẩn, virus gây viêm. Nếu không điều trị dứt điểm tình trạng viêm amidan thì sau một thời gian kéo dài bệnh nhân có thể bị viêm amidan hốc mủ.
  • Vệ sinh răng miệng: không làm vệ sinh răng miệng hoặc vệ sinh không đúng cách có thể tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh tấn công vào răng miệng cũng như tổ chức amidan và gây bệnh.
  • Các bệnh về tai mũi họng: do tai, mũi, họng là ba cơ quan có quan hệ mật thiết, nối với nhau thông qua các lỗ xoang. Khi một trong hai bộ phận tai, mũi có sự hiện diện của vi khuẩn gây viêm nhiễm, nếu không xử lý điều trị kịp lúc có thể dẫn đến lây lan và gây bệnh cho họng.
  • Môi trường sống: ô nhiễm, khói bụi, hóa chất độc hại, vi khuẩn, khói thuốc,… đây được xem là các yếu tố gây ảnh hưởng trực tiếp đến đường hô hấp và làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm amidan hốc mủ
  • Ảnh hưởng của thời tiết: vào lúc giao mùa, thời tiết sẽ biến đổi thất thường cùng với sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ và độ ẩm. Cơ thể kém thích nghi với những thay đổi này sẽ rất dễ bị viêm họng và gây tổn thương amidan.

Ngoài ra, những người có thói quen ăn đồ cay nóng, uống rượu bia, nước có gas, hút thuốc lá,… sẽ có nguy cơ bị mắc bệnh cao hơn so với người bình thường.

Triệu chứng viêm amidan hốc mủ là gì?

Một số dấu hiệu và triệu chứng viêm amidan hốc mủ thường thấy là:

  • Khô rát, đau họng, đôi khi cơn đau có thể lan đến tai
  • Khàn tiếng, ho nhiều và có đờm
  • Hơi thở hôi
  • Tăng tiết nước bọt
  • Xuất hiện các hạch cứng, đau ở cổ hoặc bên dưới hàm
  • Khó nuốt, không nuốt được hoặc có cảm giác nuốt vướng
  • Có thể sốt hoặc không
  • Thỉnh thoảng khạc ra những hạt mủ nhỏ màu trắng xanh, có mùi rất hôi
  • Soi gương có thể nhìn thấy bề mặt amidan xuất hiện các chấm mủ trắng, vón thành kén

Các biểu hiện trên dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác có liên quan đến đường hô hấp, do đó rất khó để phân biệt. Vì vậy, khi có các dấu hiệu bất thường ở cổ họng, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Viêm amidan hốc mủ có nên cắt không?

Tình trạng viêm này thường gây đau đớn, khó chịu và ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như tâm lý của người bệnh. Chính vì vậy, nhiều người nghĩ đến việc cắt bỏ amidan để chấm dứt triệu chứng và ngăn ngừa tái phát. Vậy viêm amidan hốc mủ có nên cắt không?

Phẫu thuật amidan có thể khiến người bệnh đối mặt với nhiều rủi ro. Theo các chuyên gia, cắt bỏ amidan là phương pháp điều trị cuối cùng khi các biện pháp điều trị khác không mang lại hiệu quả. Việc cắt amidan chỉ được cân nhắc và chỉ định cho các trường hợp có ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến sức khỏe như:

  • Tái phát nhiều lần (5 – 6 đợt trong năm) hoặc kéo dài không khỏi dù đã áp dụng các biện pháp điều trị.
  • Bệnh tái phát kèm theo các dấu hiệu viêm hạch đau đớn ở cổ. Đây có thể là dấu hiệu nhận biết của tình trạng ung thư amidan.
  • Có các biến chứng nghiêm trọng như: áp xe quanh amidan làm ảnh hưởng đến hệ thống hô hấp gây khó thở hoặc ngừng thở đột ngột, viêm tai giữa, viêm xoang hoặc các biến chứng nặng như thấp tim, viêm khớp, viêm cầu thận.
  • Bệnh có dấu hiệu chuyển biến nặng, làm tắc nghẽn phổi hoặc khiến bệnh nhân khó thở, khó nuốt, ảnh hưởng đến giấc ngủ,…

Amidan đóng vai trò như một phòng tuyến bảo vệ hệ thống miễn dịch, chống lại các tổn thương đến vòm họng và hệ thống hô hấp. Do đó, việc cắt bỏ amidan có thể gặp một số ảnh hưởng và biến chứng bao gồm:

  • Suy giảm hệ thống miễn dịch, ảnh hưởng đến khả năng đề kháng của cơ thể, đặc biệt là ở trẻ em.
  • Bệnh nhân trên 45 tuổi nên cân nhắc về cắt amidan. Biến chứng phổ biến thường bao gồm chảy nhiều máu do amidan xơ dính.
  • Người có bệnh về tim mạch, tiểu đường, huyết áp cao cũng nên cân nhắc khi thực hiện cắt amidan.
  • Xuất huyết trong và sau khi cắt amidan có thể dẫn đến tử vong.

Trong bất kỳ trường hợp nào, người bệnh cũng cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn hướng điều trị phù hợp nhất.

Cách điều trị viêm amidan hốc mủ

Để tránh xảy ra những biến chứng nguy hiểm thì bệnh cần được phát hiện và có biện pháp điều trị kịp thời. Cách chữa viêm amidan hốc mủ phụ thuộc vào từng mức độ, tình trạng của bệnh. Đối với những người mới bị bệnh và mức độ bệnh nhẹ thì có thể sử dụng thuốc để điều trị.

Một số loại thuốc thường được bác sĩ chỉ định là:

  • Thuốc kháng sinh: có tác dụng tiêu diệt, chống lại các vi khuẩn gây bệnh.
  • Thuốc giảm đau: làm dịu các cơn đau rát ở cổ họng cho người bệnh.
  • Thuốc chống viêm: giảm tình trạng viêm, sưng amidan.
  • Thuốc sát khuẩn súc họng.
  • Một số loại khác như thuốc hạ sốt, thuốc ho, thuốc giảm phù nề,… được sử dụng khi người bệnh có các biểu hiện của sốt, ho, phù nề,…

Lưu ý trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh phải tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý dùng một cách tùy tiện hoặc dùng theo đơn thuốc của người khác để tránh xảy ra những tác dụng phụ nguy hiểm. Khi sử dụng thuốc nếu cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bất thường, người bệnh nên tìm gặp bác sĩ để có biện pháp xử lý kịp thời.

Mặc dù bệnh có thể gây ra những biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên viêm amidan hốc mủ là một bệnh lý không quá nguy hiểm và có thể điều trị khỏi. Điều quan trọng là người bệnh cần phải đến bệnh viện để được tư vấn và điều trị kịp thời ngay khi phát hiện những dấu hiệu của bệnh. Đồng thời, một chế độ chăm sóc và ăn uống hợp lý có thể hỗ trợ giảm nhẹ tình trạng bệnh cũng như giúp bạn phòng tránh nguy cơ mắc bệnh.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.

Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn: White Spots on Tonsils: Causes, Treatment, and More

Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất:

Exit mobile version