Site icon Medplus.vn

Viêm da quanh miệng là gì?

Viêm da quanh miệng là gì?

Viêm da quanh miệng là bệnh lý rất thường gặp. Dù không nguy hiểm nhưng bệnh có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ, khiến bạn mất tự tin trong cuộc sống hàng ngày.

Bạn thường xuyên bị nổi những mụn nước nhỏ, ngứa và sưng đỏ vùng da quanh miệng? Bạn băn khoăn không biết lý do tại sao và chữa như thế nào, liệu có phải là dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm?

Nếu đang ở trong tình huống kể trên, rất có thể bạn đang bị viêm da quanh miệng. Những chia sẻ dưới đây của MedPlus sẽ giúp bạn hiểu hơn về triệu chứng, nguyên nhân cũng như cách điều trị tình trạng này hiệu quả nhất.

Viêm da quanh miệng là gì? Triệu chứng của viêm da quanh miệng

Viêm da quanh miệng là bệnh lý về da đặc trưng bởi các triệu chứng như:

  • Phát ban da
  • Nổi mụn viêm đỏ, li ti (khoảng 1 – 2mm), có thể chứa dịch lỏng hoặc mủ
  • Da khô và tróc vẩy
  • Ngứa nhẹ và bỏng rát.

Các triệu chứng này có thể xuất hiện ở vùng da xung quanh miệng nhưng cũng có trường hợp lan đến mũi, nhất các vùng da nếp gấp quanh mũi, trán, cằm hoặc thậm chí cả mắt.

Hầu hết các trường hợp sẽ tự khỏi nhưng có thể tái phát. Các đợt viêm da quanh miệng có thể kéo dài hàng tuần, thậm chí hàng tháng.

Viêm da quanh miệng rất thường gặp ở phụ nữ, nhất là trong độ tuổi từ 15 đến 45 và ít gặp ở nam giới. Tuy nhiên, trẻ nhỏ cũng có thể gặp phải tình trạng này. Ngoài ra, bạn cũng sẽ có nguy cơ bị bệnh lý về da này nếu có tiền sử dị ứng hoặc bị mất cân bằng nội tiết tố.

Viêm da quanh miệng: Nguyên nhân do đâu?

Nguyên nhân của bệnh lý về da này hiện chưa được xác định chính xác. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng “thủ phạm” có thể là do tiếp xúc với steroid trong thời gian dài. Việc sử dụng các loại thuốc xịt mũi có chứa corticosteroid cũng có thể gây ra tình trạng này.

Một số thành phần trong mỹ phẩm cũng có thể gây ra viêm da quanh miệng như mỡ khoáng (petrolatum) hoặc dầu parafin. Ngoài ra, còn có thể là do các nguyên nhân như:

  • Nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc nấm
  • Thường xuyên chảy nước miếng khi ngủ
  • Sử dụng kem đánh răng có fluor
  • Sử dụng thuốc tránh thai
  • Do thay đổi nội tiết tố, chẳng hạn như mang thai
  • Bị kích ứng với kem chống nắng.

Chẩn đoán và chữa trị viêm da quanh miệng như thế nào?

Bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh lý về da này bằng cách quan sát tình trạng da và tiền sử bệnh. Ngoài ra, bạn cũng có thể được đề nghị thực hiện các xét nghiệm để xem da có bị nhiễm nấm hoặc vi khuẩn hay không.

Bệnh viêm da quanh miệng có thể tự hết. Tuy nhiên, nếu bệnh kéo dài dai dẳng hoặc hay tái phát, tốt nhất bạn nên đi khám. Bác sĩ có thể khuyên bạn nên ngừng sử dụng các loại kem bôi steroid hoặc thuốc xịt mũi có chứa steroid (nếu có thể).

Chữa trị viêm da quanh miệng như thế nào sẽ còn tùy thuộc tình trạng của bạn. Bác sĩ có thể đề nghị bạn đổi một loại sữa rửa mặt dịu nhẹ hoặc một loại kem đánh răng có chứa fluor phù hợp để làm giảm các triệu chứng.

Bác sĩ cũng có thể kê toa một số loại thuốc kháng sinh trong 6 – 12 tuần như:

  • Kem bôi kháng sinh, chẳng hạn như metronidazole (gel Metro) và erythromycin
  • Kem ức chế miễn dịch, chẳng hạn như pimecrolimus hoặc kem tacrolimus
  • Thuốc trị mụn, chẳng hạn như adapalene hoặc axit azelaic
  • Các loại thuốc kháng sinh đường uống, chẳng hạn như doxycycline, tetracycline, minocycline hoặc isotretinoin cho những trường hợp nghiêm trọng

Phòng ngừa như thế nào?

 

Để tình trạng này nhanh khỏi và ít tái phát, việc thay đổi thói quen chăm sóc da và chế độ sinh hoạt cũng đóng vai trò rất quan trọng. Bạn có thể thử một số lời khuyên sau:

  • Hạn chế sử dụng các sản phẩm tẩy tế bào chết hoặc sữa rửa mặt có mùi thơm. Thay vào đó, chỉ sử dụng nước ấm trong thời gian các triệu chứng bùng phát. Sau khi khỏi, chỉ nên dùng sữa rửa mặt dịu nhẹ và không chà xát da.
  • Tránh sử dụng các loại kem steroid – ngay cả hydrocortisone không kê đơn trừ khi có chỉ định của bác sĩ.
  • Ngừng sử dụng hoặc giảm sử dụng mỹ phẩm, kem chống nắng.
  • Thường xuyên giặt vỏ gối, mền, drap, khăn tắm bằng nước nóng.
  • Tránh dùng các món ăn quá mặn hoặc cay bởi những món ăn này có thể gây kích ứng vùng da quanh miệng.
  • Hạn chế để da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Nếu phải tiếp xúc, hãy chú ý che chắn bằng cách đội mũ rộng vành, đeo khẩu trang…

Viêm da quanh miệng rất khó điều trị và có thể kéo dài hàng tháng. Thậm chí, một số trường hợp có thể chuyển sang mãn tính. Do đó, khi có các triệu chứng kể trên, bạn nên đi khám sớm để được điều trị kịp thời.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.

Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn: Perioral Dermatitis: Symptoms, Causes, and Treatment

Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất:

Exit mobile version