Site icon Medplus.vn

Vối – Cùng “đánh tan” lở ngứa, bị bỏng cùng vị dược liệu này

voi-cung-danh-tan-lo-ngua-bi-bong-cung-vi-duoc-lieu-nay

voi-cung-danh-tan-lo-ngua-bi-bong-cung-vi-duoc-lieu-nay

Vối luôn được xem là dược liệu quý trong Y học với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ về đặc điểm của dược liệu này. Hôm nay medplus xin giới thiệu đến bạn đọc các công dụng cũng như bài thuốc tiêu biểu từ loại dược liệu này nhé!

Thông Tin Dược Liệu

voi-cung-danh-tan-lo-ngua-bi-bong-cung-vi-duoc-lieu-nay

Tên thường gọi: Vối còn được gọi là Mạn kinh tử (hạt vối).

Tên khoa học: Cleistocalyx operculatus (Roxb.) Merr. et Perry (Eugenia operculata Roxb.).

Họ khoa học: thuộc họ Sim – Myrtaceae.

1. Đặc điểm dược liệu

Cây Vối có tên khoa học là Cleistocalyx Operculatus, là loài thân gỗ. Cây có chiều cao trung bình khoảng 5 – 6 m, cành non, tròn, hình 4 cạnh nhẵn. Phiến lá dai, cứng, hình bầu dục hoặc hình trái xoan ngược, hình trứng rộng, giảm nhọn ở gốc, có mũi nhọn ngắn. Lá dài 8 – 20 cm, rộng 5 – 10 cm, cuống dài 1- 1,5 cm. Trên hai mặt lá vối có những đốm màu nâu. Hoa cây vối gần như không có cuống, màu lục trắng nhạt hợp thành cụm hoa hình tháp tỏa ra ở những lá đã rụng. Quả xù xì, hình cầu hoặc hình trứng, đường kính 7 – 12mm.

2. Bộ phận dùng:

Nụ hoa, vỏ thân, lá – Gemma Florifera, Cortex et Folium Cleistocalycis Operculati.

3. Nơi sống và thu hái:

Loài của Á châu nhiệt đới, Trung Quốc. Ở nước ta, cây mọc hoang và được trồng nhiều để lấy lá, nụ hoa làm trà uống (nước vối). Loại cây này thường mọc nhiều ở khu vực miền Trung và Trung du Bắc Bộ nước ta như: Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang , Bắc Giang hay Thanh Hóa, Tây Nguyên, Đồng Nai… Lá vối còn có các tên gọi khác như cây trâm nấp, mạn kinh tử. Thu hái lá dùng tươi nhưng cũng có thể ủ cho lên men trước khi dùng; thông thường người ta vẫn dùng lá và nụ tươi phơi khô làm thuốc.

Công dụng và cách dùng

1. Thành phần hóa học

Lá chứa ít tanin, những vết alcaloid (thuộc nhóm indolic) gần gũi với cafein và một lượng tinh dầu (4%) bay hơi, thơm. Các bộ phận khác nhau của cây còn chứa các sterol, các chất béo, tanin catechic và gallic. Lá và nụ chứa acid triterpenic.

2. Công dụng, tính vị dược liệu

Theo Đông y, vối vị đắng, chát, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt giải biểu, sát trùng, chỉ dương, kiện tỳ tiêu trệ, giúp ăn ngon, tiêu hóa tốt.

Mạn kinh tử (quả vối) có vị đắng cay, tính hơi hàn vào các kinh can, phế và bàng quang, có tác dụng làm mát huyết, tán phong nhiệt,..

Lá vối Vị đắng, chát, tính mát, có ít độc, có tác dụng thanh nhiệt giải biểu, sát trùng, chỉ dương, tiêu trệ, điều hòa gan, phổi và bàng quang. Nước lá vối sắc đặc có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, giảm đau, giảm huyết áp do gan nóng, tiêu đờm bình suyễn. Dùng lá nấu nước uống hằng ngày để tiêu thực, làm giảm mỡ trong máu, về mùa hè làm mát huyết, trị cảm nắng, khi làm việc ngoài trời nắng, uống nước lá vối có tác dụng điều hòa thân nhiệt.

3. Tác dụng dược lý

Lá vối chứa một số chất kháng sinh có khả năng diệt được nhiều loại vi khuẩn gây bệnh như Streptococcus, Staphylococcus, vi khuẩn bạch hầu, phế cầu, Salmonella, Bacillus subtilis, chính vậy mà lá vối tươi hay khô sắc đặc được coi như một loại thuốc sát khuẩn dùng trị liệu các bệnh ngoài da như ghẻ lở, mụn nhọt hoặc lấy lá vối tươi nấu lấy nước đặc để gội đầu chữa chốc lở rất hiệu nghiệm.

Nụ vối hứa một hàm lượng polyphenol cao (tương đương 128mg catechin/gam trọng lượng khô) và hoạt chất ức chế men alpha-glucosidase nên có thể hỗ trợ phòng và điều trị chứng tiểu đường.

Ngoài ra, nụ vối có khả năng triệt tiêu các gốc tự do, chống ô xy hóa mạnh. Khả năng chống ô xy hóa (antioxydants) của nụ vối đã làm giảm sự hình thành đục thủy tinh thể, bảo vệ sự tổn thương tế bào bê-ta tuyến tụy, phục hồi các men chống ô xy hóa trong cơ thể.

Các bài thuốc tiêu biểu từ Dược Liệu

voi-cung-danh-tan-lo-ngua-bi-bong-cung-vi-duoc-lieu-nay

1. Chữa lở ngứa, chốc đầu:

Lấy lá vối lượng vừa đủ nấu kỹ lấy nước để tắm, rửa nơi lở ngứa và gội đầu chữa chốc lở.

2. Chữa bỏng:

Vỏ cây vối cạo bỏ vỏ thô, rửa sạch, giã nát, hòa với nước sôi để nguội, lọc lấy nước, bôi lên khắp chỗ bỏng. Thuốc sẽ làm giảm tiết dịch, hết phồng, dịu đau, hạn chế sự phát triển của vi trùng.

3. Viêm da lở ngứa:

Sắc lá vối lấy nước đặc để bôi.

4. Trị đau bụng đi ngoài:

Lá vối 3 cái, vỏ ổi rộp 8g, núm quả chuối tiêu 10g. Cùng thái nhỏ phơi khô sắc với 400ml nước, còn 100ml chia 2 lần uống trong ngày, dùng liền 2 – 3 ngày.

5. Chữa viêm đại tràng mạn tính, đau bụng âm ỉ và thường xuyên đi phân sống:

Khoảng 200g lá vối tươi, xé nhỏ, chế vào 2 lít nước sôi, ngâm trong 1 giờ để uống thay nước.

6. Chữa đầy bụng, không tiêu:

Vỏ thân cây vối 6 – 12g, sắc kỹ lấy nước đặc uống 2 lần trong ngày. Hoặc nụ vối 10 – 15g, sắc lấy nước đặc uống 3 lần trong ngày.

7. Giảm mỡ máu:

Nụ vối 15 – 20 g, hãm lấy nước uống thay trà trong ngày hoặc nấu thành nước đặc chia 3 lần uống trong ngày. Cần uống thường xuyên mới hiệu nghiệm.

Lưu Ý khi sử dụng Dược Liệu để trị bệnh

Theo kinh nghiệm của dân gian, lá vối tươi có kết quả trị bệnh cao hơn so với lá đã ủ. Lá vối nên được dùng kết hợp với các vị thuốc khác để tăng khả năng chữa nhiều bệnh khác nhau.

Lời kết

Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về Dược Liệu cũng như một số bài thuốc hay về vị thuốc này nhé !

Lưu ý

  1. Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo
  2. Người bệnh không tự ý áp dụng
  3. Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng

Nguồn: tracuuduoclieu.vn

Sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam

 

 

Exit mobile version