Site icon Medplus.vn

Xét nghiệm hct trong máu là làm gì?

Xét nghiệm hct trong máu là làm gì?

Nếu không tìm hiểu cặn kẽ, chắc chắn nhiều người vẫn còn lạ lẫm với thuật ngữ hct hay hematocrit trong máu. Đây là một chỉ số quan trọng trong các xét nghiệm máu và giúp đánh giá tình trạng sức khỏe của bạn.

Vậy, hct là gì? Khi nào cần tiến hành kiểm tra chỉ số hct trong xét nghiệm máu? Mời bạn cùng MedPlus tìm hiểu trong bài viết ngay sau đây nhé!

Tìm hiểu chung

Cùng tìm hiểu về Hct và các khái niệm xung quanh chỉ số này.

Hct là gì?

Hct (từ viết tắt của Hematocrit) là tỷ lệ tế bào hồng cầu trong máu. Các tế bào hồng cầu giữ nhiệm vụ mang oxy đi khắp cơ thể. Khi oxy được tế bào sử dụng để sản xuất năng lượng, các tế bào hồng cầu sẽ vận chuyển chất thải, carbon dioxide, từ các tế bào trở lại phổi. Vì vậy, chỉ số này rất quan trọng trong việc chẩn đoán và theo dõi các tình trạng bệnh lý như thiếu máu, bệnh đa hồng cầu,…

Vì hct đo tỷ lệ phần trăm hồng cầu trong máu nên sự tăng hoặc giảm tương đối của các thành phần máu khác cũng có thể dẫn đến kết quả xét nghiệm chỉ số hct trong máu bất thường ngay cả khi số lượng hồng cầu bình thường.

Xét nghiệm hct trong máu là làm gì?

Xét nghiệm đo chỉ số hct trong máu là một phần trong xét nghiệm công thức máu hoàn chỉnh CBC. CBC là một xét nghiệm thông dụng để đo các thành phần khác nhau trong máu như hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu, hemoglobin,… nhằm giúp bác sĩ phát hiện, chẩn đoán hoặc theo dõi các tình trạng bệnh ảnh hưởng đến máu hoặc tủy xương.

Thận trọng

Rủi ro khi làm xét nghiệm đo chỉ số hct là gì?

Xét nghiệm chỉ số hct trong máu là một xét nghiệm rất an toàn và có rất ít rủi ro. Bạn có thể bị đau nhẹ hoặc bầm tím tại chỗ kim tiêm được đưa vào để lấy máu, nhưng hầu hết các triệu chứng sẽ biến mất nhanh chóng.

Một số rủi ro có thể gặp phải bao gồm:

  • Chóng mặt, choáng váng
  • Chảy máu quá nhiều
  • Tụ máu tại vị trí lấy máu
  • Bị nhiễm trùng.

Quy trình

Chuẩn bị trước khi làm xét nghiệm

Đây là một xét nghiệm đơn giản và bạn sẽ không cần phải nhịn ăn hay chuẩn bị gì trước khi làm xét nghiệm này. Bác sĩ có thể thực hiện xét nghiệm tại phòng khám hoặc bệnh viện, sau đó bác sĩ sẽ gửi mẫu máu đến phòng thí nghiệm để kiểm tra.

Quá trình tiến hành diễn ra như thế nào?

Lấy máu tĩnh mạch là một thủ tục y tế khá phổ biến để tiến hành xét nghiệm hct nói riêng và các xét nghiệm máu khác nói chung. Mẫu máu thường được lấy ra từ đầu ngón tay hoặc tĩnh mạch ở vị trí khuỷu tay.

Quy trình tiến hành thường mất ít hơn 5 phút và chi tiết như sau:

  • Kỹ thuật viên sẽ lau sát trùng để làm sạch khu vực cần lấy máu.
  • Buộc một dải băng cao su trên bắp tay để tăng áp lực trong tĩnh mạch, làm cho tĩnh mạch hiển thị rõ ràng hơn.
  • Một cây kim nhỏ được đâm vào tĩnh mạch và rút ra một lượng máu vừa đủ, đưa vào trong ống nghiệm được gắn với kim.
  • Cuối cùng, kỹ thuật viên sẽ rút kim ra nhanh, sau đó che vết lấy máu bằng bông và một miếng băng gạc nhỏ.

Bạn có thể cảm thấy hơi đau tại chỗ trong khi lấy máu, nhưng vẫn có thể tiếp tục các hoạt động bình thường sau đó.

Điều gì xảy ra sau khi xét nghiệm

Sau khi lấy máu xong, kỹ thuật viên có thể yêu cầu bạn ấn vào vị trí lấy máu bằng bông tẩm cồn trong vài phút để ngăn máu tiếp tục chảy ra. Sau đó, họ sẽ dán lên vị trí này một miếng băng keo cá nhân. Sau khi lấy máu, họ có thể yêu cầu bạn ngồi yên trong vài phút nhằm đề phòng các tác dụng phụ tạm thời như chóng mặt, choáng váng.

Sau khi việc lấy máu hoàn tất, mẫu máu sẽ được gửi đi phân tích. Kết quả xét nghiệm chỉ số hct nằm trong kết quả xét nghiệm công thức máu hoàn chỉnh. Nó có trong vòng vài phút hoặc lên đến vài tuần tùy từng đơn vị thực hiện.

Kết quả

Bên cạnh việc hiểu hct là gì? Bạn cũng nên biết chỉ số hct bình thường là như thế nào và khi bất thường sẽ cảnh báo điều gì.

Kết quả bình thường của chỉ số hct là gì?

Kết quả từ xét nghiệm chỉ số hct trong máu được báo cáo dưới dạng phần trăm. Chỉ số hct trong máu phụ thuộc vào một số yếu tố như: tuổi tác, giới tính, mang thai và chủng tộc.

Ngoài ra, kết quả cũng có thể sai lệch đôi chút, tùy vào phòng thí nghiệm hoặc các phương pháp được sử dụng để tiến hành thử nghiệm, sống ở độ cao nào, gần đây có mất máu hay truyền máu không, cơ thể liệu có đang bị mất nước.

Nhìn chung, chỉ số hct bình thường phổ biến là:

  • Nam: 41% đến 50%
  • Nữ: 36% đến 44%
  • Trẻ sơ sinh: 45% đến 61%
  • Trẻ em: 32% đến 42%

Chỉ số hct trong máu bất thường dù thấp hay cao cũng có thể là dấu hiệu cho một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về kết quả xét nghiệm của bản thân và được chỉ định kế hoạch điều trị phù hợp.

Chỉ số hct trong máu thấp hơn bình thường là bệnh gì?

Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy chỉ số hct trong máu của bạn quá thấp, thì tức là các tế bào trong cơ thể không nhận đủ oxy. Nguyên nhân có thể là do:

  • Thiếu máu
  • Mất máu
  • Thiếu hụt vitamin hoặc khoáng chất có thể là thiếu sắt, thiếu folate, vitamin B12 và vitamin B6
  • Bất thường tuyến giáp
  • Bệnh thận
  • Rối loạn tủy xương
  • Đa u tủy hoặc các bệnh ung thư khác di căn đến tủy
  • Thừa nước trong cơ thể
  • Phá hủy miễn dịch của các tế bào hồng cầu.
  • Số lượng bạch cầu tăng, có thể do ốm bệnh lâu ngày, nhiễm trùng, bệnh bạch cầu, ung thư hạch

Chỉ số hct trong máu cao hơn bình thường là bệnh gì?

Chỉ số hct trong máu cao có thể cho thấy tình trạng sản xuất quá mức các tế bào hồng cầu. Một số nguyên nhân có thể là do:

  • Mất nước
  • Bệnh đa hồng cầu, là một chứng rối loạn máu hiếm gặp do di truyền, khiến cơ thể sản xuất quá nhiều tế bào hồng cầu
  • Sẹo hoặc dày phổi
  • Bệnh tim bẩm sinh
  • Suy tim
  • Một số loại khối u thận
  • Bệnh tủy xương
  • Khó thở khi ngủ
  • Hút thuốc
  • Ngộ độc carbon monoxide
  • Sử dụng testosterone
  • Sống ở nơi có độ cao.

Hy vọng thông qua bài viết này bạn đã hiểu hct là gì đồng thời biết về quy trình kiểm tra chỉ số hct trong xét nghiệm máu. Chỉ số hct trong máu chỉ cung cấp một phần thông tin về sức khỏe, bạn có thể cần phải làm thêm các xét nghiệm máu khác để giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác hơn. Hãy thăm khám sức khỏe định kỳ và hỏi ý kiến bác sĩ dựa trên các triệu chứng mà bạn đang gặp phải để có kế hoạch điều trị kịp thời.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.

Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn: Hematocrit test

Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất:

Exit mobile version