A. Thông tin về Xoan nhừ
Xoan nhừ còn thường được gọi là: Nhừ, Sơn cóc, Giâu gia xoan to, Mjừ (Tày)
Tên khoa học: Choerospondias axillaris (Roxb.) Burtt. et Hill, tên đồng nghĩa: Spondias axillaris Roxb.
Thuộc họ: Anacardiaceae (Đào lộn hột)
1. Đặc điểm của cây
- Là một cây gỗ, to, cao 8~20m, vỏ thân cây màu xám nâu.
- Lá mọc so le, kép lông chìm lẻ, dài 20-30cm, cuống lá dài 5-10cm, lá chét 7-15cm, mọc đối, dài 4-10cm, rộng 2- 4,5cm, mép nguyên.
- Hoa đực và hoa giả lưỡng tính màu tím hồng nhạt, mọc thành chùy gồm nhiều tán tụ, chùy hoa dài 4-12cm, hoa cái mọc đơn độc ở nách lá phía trên.
- Quả hạch, hình giống quả nhót dài 2-3cm, vỏ bóng, màu vàng, đỉnh có 5 lỗ nhỏ, vị chua, khi chín có vị ngọt.
2. Phân bố, thu hái và chế biến
- Xoan nhừ mọc hoang dại ở nhiều tỉnh miền Bắc nước ta như Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên, …
- Tại nước ta, người ta khai thác xoan nhừ chủ yếu lấy gỗ làm đồ dùng.
- Vỏ và quả cây được khai thác làm thuốc chữa bỏng.
- Dùng tươi hay khô đều được.
- Tại Trung Quốc người ta còn khai thác vỏ cây và lá để chế gôm nhựa quả dùng để ăn và lên men rượu, vỏ hạt làm nguyên liêu chế than hoạt tính, sợi vỏ thân dùng để bện thừng, chạc.
3. Bộ phận dùng
Dùng vỏ, thân và quả xoan nhừ.
4. Thành phần hóa học
- Trong vỏ thân lá có khoảng 13-14% gôm nhựa. Ngoài ra còn có tanin.
- Vỏ thân xoan nhừ thấy có 37,1% tanin pyrogalic, 5,4% flavon, 0,6% quirion, và 14% chất polyme thiên nhiên.
5. Tác dụng dược lý
Nước sắc đặc vỏ cây xoan nhừ khi bôi vào vết thương bỏng mới tạo ra một màng che phủ. ó tính chất làm khô vết thương bỏng, do đó màng che phủ giữ được tính chất là một màng khô nhưng mềm mại, vững chắc, đồng thời bám chặt vào vết thương bỏng.
B. Công dụng và Liều Dùng
1. Tính vị, quy kinh
Quả có vị chua, ngọt, tính bình; có tác dụng tiêu viêm, giải độc, chỉ huyết chỉ thống, trợ tiêu hóa.
Vỏ thân có vị chua, tính hàn; có tác dụng kháng khuẩn với tụ cầu vàng và Bacillus subtilis.
Vỏ rễ cũng có tác dụng thanh nhiệt giải độc, chỉ huyết, chỉ thống. Hạt có tác dụng chỉ thổ.
2. Công dụng
Xoan nhừ có công dụng trong việc hỗ trợ chữa:
- Quả: Tỳ vị hư yếu, ăn uống không tiêu, đau bụng đi ngoài.
- Vỏ hạt: Bỏng lửa, mụn nhọt lở loét, bệnh sa nang.
- Rễ: chữa trẻ em bị cam còi.
2. Liều dùng
Có thể dưới dạng nước sắc đặc của vỏ cây xoan nhừ, hay bột vỏ cây (khi dùng pha thêm nước với tỷ lệ 1 phần bột, 1 phần nước) có thể dùng nước sắc đăc phun thành bụi nhỏ (sử dụng khí nén ni tơ để tạo áp suất).
Cách làm: Lấy vỏ cây rửa sạch cho vào nồi, đổ nước ngang mức vỏ, đun cho cạn, gạn lấy phần còn lại. Lại đổ thêm nước ngang mức cũ, đun lần thứ hai đến cạn một nửa. Lấy hai phần nước đó lọc qua gạc rồi cô thành cao sánh.
Cứ 10kg vỏ làm được 400ml cao, màu đen, không mùi, vị chát, dễ bảo quản.
Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về Xoan nhừ cũng như một số công dụng hay về loại dược liệu này!
Lưu ý
- Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo
- Người bệnh không tự ý áp dụng
- Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Nguồn tham khảo
Tracuuduoclieu.vn và các nguồn uy tín khác.