Site icon Medplus.vn

Xử lý 4 kiểu cảm xúc mạnh ở trẻ thường gặp

Xử lý 4 kiểu cảm xúc mạnh ở trẻ thường gặp

Xử lý 4 kiểu cảm xúc mạnh ở trẻ thường gặp

Cảm xúc là khái niệm khó nắm bắt đối với trẻ nhỏ. Bố mẹ hãy cùng tìm hiểu cách giúp trẻ nhận thức và xử lý những kiểu cảm xúc mạnh ở trẻ thường gặp nhất nhé!

Cảm xúc mạnh ở trẻ – Hạnh phúc vui vẻ

Bố mẹ thường thấy trẻ cười khúc khích khi được gặp bạn bè, hoặc nhảy nhót khi được ăn món bánh yêu thích. Vậy bố mẹ hãy giải thích với trẻ: “Con đang vui vì con được làm điều mình thích đấy!”. Nhờ vậy, trẻ hiểu được mối liên hệ giữa cảm giác vui vẻ mà mình đang cảm thấy với những điều xảy ra xung quanh. Và trẻ cũng hiểu được rằng mình có thể tự làm cho mình vui.

Từ 2 tuổi rưỡi, trẻ cũng bắt đầu biết đồng cảm với người khác. Bố mẹ hãy khuyến khích sự nhạy cảm của trẻ bằng cách hướng dẫn trẻ các cách đem lại niềm vui cho những người bạn đang buồn nhé!

Xử lý 4 kiểu cảm xúc mạnh ở trẻ thường gặp

Cảm xúc mạnh ở trẻ – buồn bã

Chắc cũng không ít lần bố mẹ chứng kiến khuôn mặt trẻ tiu nghỉu, môi thì run run, nước mắt thì chảy. Đó là những khi trẻ gặp chuyện không vừa ý, hoặc bị bố mẹ mắng…

Bố mẹ nên giải thích rằng: “Ai cũng có lúc cảm thấy buồn bã, và như thế là bình thường. Chúng ta cùng nghĩ cách giải quyết vấn đề này nhé!”. Trẻ cần hiểu rằng cuộc đời không phải lúc nào cũng đúng như mình muốn. Thế nhưng sẽ luôn có cách để chúng ta cảm thấy dễ chịu hơn. Lúc này, bố mẹ nên động viên trẻ. Hãy nói rõ với trẻ về những cảm xúc tiêu cực để trẻ hiểu rằng những cảm xúc này không có gì là sai hay đáng sợ cả.

Ở giai đoạn này, nỗi buồn đối với trẻ giống như một cái hố đen, khiến trẻ chìm đắm trong cảm xúc đó. Vì vậy, trẻ rất cần sự giúp đỡ của bố mẹ để kéo tinh thần về mức cân bằng. Bố mẹ có thể quan tâm hỏi han: “Để bố mẹ ôm con nhé, con sẽ cảm thấy khá hơn đó!”. Hay gợi ý một hoạt động như: “Con có muốn đi công viên với bố mẹ không?”.

Cảm xúc mạnh ở trẻ – Tức giận, cáu kỉnh

Khi bố mẹ từ chối trẻ một điều gì đó, bố mẹ có thể sẽ thấy trẻ tỏ ra thất vọng, tức tối. Thậm chí trẻ còn la hét, làm ầm ỹ lên.

Cơn cáu giận của trẻ có thể khiến bố mẹ cũng bực tức. Nhưng dù sao, bố mẹ cũng nên cố gắng giữ bình tĩnh và giải thích: “Con cảm thấy giận dữ vì con không có được những gì con muốn đấy”. Lúc này, điều trẻ cần là được bố mẹ giúp xoa dịu hoặc chuyển hướng cơn tức giận. Chứ bố mẹ không nên “đầu hàng” mà chiều theo ý trẻ.

Bố mẹ hãy nhân cơ hội này để hướng dẫn trẻ những cách tự kiểm soát bản thân. Từ đó, trẻ dần có khả năng đối diện với những nỗi thất vọng trong cuộc sống mà không nổi cáu. Tuy nhiên, bố mẹ cần kiên nhẫn để dạy trẻ. Vì đến nhiều người lớn cũng chưa học được khả năng này.

Bố mẹ cũng có thể “thiết kế” một góc riêng để mỗi khi mất bình tĩnh, trẻ có thể la hét ở đó. Khi trẻ đã “nguội bớt”, bố mẹ có thể trao đổi với trẻ về những cách hợp lý hơn để đối phó với cơn giận dữ. Ví dụ: “Bố mẹ hiểu rằng con rất giận anh vì anh không cho con chơi cùng. Nhưng con có thể làm gì khác thay vì cắn anh ấy không?”.

Cảm xúc mạnh ở trẻ – Nỗi sợ hãi

Khi trẻ gặp người lạ, đi tới một nơi chốn mới, hoặc tham gia vào một hoạt động mới…, trẻ có thể trở nên rụt rè, sợ sệt. Hoặc trẻ có thể bỗng dưng sợ hãi những thứ trước đây trẻ vẫn coi là bình thường, như thang máy, cầu trượt cao hay giờ đi ngủ.

Bố mẹ nên giải thích: “Con sợ hãi vì con lo rằng có chuyện gì đó không hay sẽ xảy ra đấy mà!”. Qua đó, bố mẹ nhìn nhận cảm giác của trẻ. Đồng thời, bố mẹ cũng cần nói rõ rằng, nỗi sợ hãi đó không có cơ sở thực tế, mà chỉ là do trẻ đối diện với một điều mới mẻ hoặc xa lạ thôi.

Bố mẹ có thể giúp trẻ cảm thấy an tâm hơn bằng cách chia sẻ trải nghiệm cá nhân của mình. Ví dụ: “Bố mẹ cũng từng sợ quái vật lắm, nhưng bố mẹ chưa gặp quái vật bao giờ, mà chỉ thấy nó ở trên tivi với trong sách thôi!”. Quan trọng nhất là bố mẹ dạy cho trẻ tìm kiếm những điều khiến mình tự tin và dũng cảm hơn. Ví dụ, khi trẻ sợ hãi, bố mẹ hãy khuyến khích trẻ ôm món đồ chơi ưa thích, ngồi gần bạn bè, hoặc nhớ lại những kỷ niệm vui… Bố mẹ cũng có thể nhắc lại những lần trẻ giữ được bình tĩnh dù ban đầu hơi lo sợ. Nhờ vậy, sự e dè, lo lắng sẽ không trở thành một phần tính cách, gây nhiều cản trở cho cuộc sống của trẻ về sau.

Từ 1 đến 3 tuổi là giai đoạn phát triển cảm xúc rất quan trọng của trẻ. Tuy nhiên, với sự quan tâm sát sao của bố mẹ, trẻ sẽ dần dần học được cách xử lý những cảm xúc mạnh mẽ của mình. Từ đó, trẻ có thể tiếp tục khám phá thế giới một cách nhiệt tình và vui vẻ.

Xem thêm bài viết:

Nguồn: verywellfamily

Exit mobile version