Site icon Medplus.vn

7 cách tạo thói quen ăn uống lành mạnh cho trẻ

Trẻ em ở độ tuổi đi học có thể rất kén ăn, trong khi những đứa trẻ khác sẵn sàng thử các món ăn mới. Và bất kể con bạn đang có thói quen ăn uống nào thì bạn cũng có thể giúp trẻ hình thành một thói quen ăn uống lành mạnh hơn và thay đổi thái độ của chúng với những món ăn bổ dưỡng.

Medplus sẽ chỉ cho bạn 7 cách để thay đổi thói quen ăn uống của trẻ trở nên lành mạnh hơn qua bài viết sau.

7 cách tạo thói quen ăn uống lành mạnh cho trẻ (Hình ảnh minh họa)

1. Tạo thói quen ăn uống lành mạnh bằng cách cùng trẻ mua thức ăn

Để chỉ cho trẻ lựa chọn những món ăn hay thức uống lành mạnh, hãy lấp đầy giỏ hàng bằng các sản phẩm tươi sống và cắt giảm những thực phẩm chế biến sẵn.

Cùng trẻ mua thực phẩm (Hình ảnh minh họa)

Bạn có thể thực hiện một trò chơi bằng cách chọn các loại trái cây và rau có màu sắc khác nhau (bông cải xanh, ớt chuông vàng và đỏ, cà rốt màu cam). Sau đó, hãy nói về các món ăn bạn có thể làm trong tuần tới, chẳng hạn như món xào, hoặc súp với những loại thực phẩm mà bạn đã chọn.

Cách này có thể giúp bé có hứng thú với việc tìm hiểu về những thành phần mà một món ăn thường có, từ đó bạn có thể cung cấp những thông tin hữu ích về thành phần dinh dưỡng của những món ăn với bé. Việc trẻ chịu tìm hiểu và lắng nghe bạn có thể làm chúng có suy nghĩ tích cực hơn về những món ăn lành mạnh.

2. Nấu ăn cùng trẻ

Trẻ em ở mọi lứa tuổi đều có thể giúp bạn xuống bếp. Trẻ mẫu giáo không thể cắt rau, nhưng chúng chắc chắn có thể nhặt rau diếp để làm salad. Trẻ 9 hoặc 10 tuổi có thể khuấy nước sốt hoặc vo gạo.

Cùng trẻ nấu ăn (Hình ảnh minh họa)

Ngoài việc giáo dục trẻ biết cách giúp đỡ cha mẹ, điều này còn giúp trẻ có hứng thú với việc nấu ăn, hoặc có thay đổi tích cực về thói quen ăn uống của mình.

3. Đừng lo lắng về lượng thức ăn mà trẻ thu nạp

Trẻ em có thể ăn sạch mọi thứ trong bữa ăn hôm nay, nhưng hôm sau chúng có thể chỉ ăn vài muỗng nhỏ và tuyên bố rằng bữa ăn của chúng đã xong. Bạn đừng nghi ngờ về khả năng nấu ăn của bản thân hoặc lo lắng về sức khỏe của trẻ (khi chúng không ăn hết một phần ăn) bởi vì điều này hoàn toàn bình thường đối với những đứa trẻ đang lớn.

Đừng khiến con bạn cảm thấy có lỗi vì chúng không ăn hết mọi thứ trong phần ăn của chúng. Nếu con bạn không ăn hết một phần ăn bình thường, hãy bắt đầu cho chúng ăn những phần nhỏ hơn.

4. Đừng tạo thói quen ăn uống xấu cho trẻ bằng những món ăn vặt

Ngay cả khi bạn đã chuẩn bị những món mà trẻ thích cho bữa ăn chính, thì trẻ vẫn có khả năng bỏ ăn hoặc không thể ăn hết phần ăn vì đã có một bữa ăn vặt cận giờ ăn chính.

Đừng cho trẻ ăn vặt ít nhất một giờ trước bữa ăn chính để tránh việc trẻ bị đầy bụng và không còn hứng thú với bữa ăn dinh dưỡng mà bạn đã chuẩn bị. Nhưng nếu trẻ thực sự cần một món ăn nhẹ, hãy cho chúng thưởng thức trái cây, vừa không gây no bụng, vừa có thể giúp trẻ nạp vitamin.

5. Không tạo thói quen ăn uống cho trẻ bằng việc “hối lộ”

Nói không với TV, món tráng miệng hoặc bất cứ thứ gì khác mà con bạn muốn trừ khi chúng chịu ăn các bữa chính, và việc nuông chiều chúng chắc chắn có thể khiến trẻ gặp vấn đề với thói quen ăn uống không được lành mạnh.

Thay vì khiến con bạn cảm thấy bị áp lực khi phải ăn những món mà chúng không thích, hãy cho chúng lựa chọn những món ăn dinh dưỡng mà bạn đã chuẩn bị trước – chẳng hạn như bông cải xanh hoặc nước ép cà rốt.

6. Không cấm đồ ăn vặt

Cho trẻ ăn vặt không có nghĩa là cho phép chúng ăn kẹo mỗi ngày. Nói chung, hạn chế thực phẩm chế biến có nhiều đường và calo là một ý tưởng hay, nhưng nó có thể gây phản tác dụng nếu bạn cấm đoán trẻ hoàn toàn.

Cấm trẻ ăn nhiều quà vặt chứa nhiều đường hoặc calo trong nhà cũng không thể ngăn trẻ ăn chúng ở những nơi khác (như trường học), vậy nên bạn cần thiết lập một thói quen ăn uống cho trẻ như một thỏa thuận nhỏ. Ví dụ, bạn có thể cho trẻ ăn một thanh kẹo sau khi trẻ đã ăn xong bữa chính với đầy đủ rau củ.

7. Tạo thói quen ăn uống cho trẻ bằng việc đưa ra ví dụ cụ thể

Nếu bạn từ chối cho con bạn uống soda và sau đó bạn uống một ly nước lọc trong bữa tối, điều này có thể giúp bọn trẻ ghi nhận và noi gương.

Hãy trở thành tấm gương cho trẻ bằng cách tự tạo cho bản thân bạn một thói quen ăn uống lành mạnh và chọn những thực phẩm dinh dưỡng, chế biến ngon miệng để trẻ có thể nhìn thấy và tự ý thức được.

Thói quen ăn uống lành mạnh rất quan trọng cho sự phát triển thể chất của trẻ, vì vậy hãy cho chúng những bữa ăn thoải mái, ngon miệng và bổ dưỡng bằng những cách Medplus đã nêu ở trên. Chúc bạn thành công!

Nguồn tham khảo: How to Build Healthy Eating Habits in Kids

Các bài viết có liên quan:

Exit mobile version