Site icon Medplus.vn

Beta caroten là gì? Tầm quan trọng đối với sức khỏe.

Beta caroten

Beta caroten

Kiểm soát chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo năng lượng cho các hoạt động hằng ngày, giữ gìn vóc dáng cân đối và đặc biệt là duy trì cơ thể khỏe mạnh. Trong đó, Beta caroten là một chất rất quan trọng cho sức khỏe. Vậy bạn đã hiểu hết Beta caroten là gì? Chúng đóng vai trò như thế nào đối với cơ thể. Việc dư thừa hay thiếu hụt có tác hại như thế nào? 

Hãy cùng MedPlus tìm hiểu nhé!

Beta caroten là gì?

Beta caroten (β-caroten) thuộc nhóm hơn 600 carotenoit tồn tại trong tự nhiên. Beta caroten không hề xuất hiện trong động vật cũng như các thực phẩm có nguồn gốc động vật.

Beta caroten còn được gọi là provitamin A, là tiền chất để tổng hợp vitamin A– một loại vitamin rất cần thiết cho mắt. Đây được xem là tiền thân tốt nhất của vitamin A trong các loại carotenoid. Bởi vitamin A thì chỉ có trong động vật nên đây cũng là một nguồn bổ sung tốt vitamin A cho những người ăn thuần chay.

Beta caroten tuy là tiền chất của vitamin A nhưng nó không chỉ có vai trò như những gì mà vitamin A có. Nó còn sở hữu những hoạt dụng sinh học rộng rãi khác, độc lập với loại vitamin thân thuộc này. 

Tầm quan trọng đối với sức khỏe.

Chất chống oxy hoá sinh học

Beta caroten bảo vệ tế bào và mô khỏi tác hại của gốc tự do, vì vậy có tác dụng ngăn ngừa bệnh ung thư. Chất này còn có tác dụng phối hợp với các chất chống oxi hoá khác như vitamin C và E để giảm các nguy cơ nhiễm trùng, kích thích các tế bào miễn dịch.

Tăng cường thị giác 

 Beta caroten giúp tạo thành rhodopsin – sắc tố nhạy cảm với ánh sáng ở võng mạc mắt, giúp võng mạc nhận được các hình ảnh trong điều kiện thiếu sáng, và có khả năng làm chậm sự tiến triển của bệnh thoái hoá điểm vàng, qua đó giảm nguy cơ mù loà.

Giảm thiểu các bệnh về tim mạch 

Bệnh tim mạch được hình thành do sự tích lũy quá nhiều sản phẩm oxy hóa, dẫn đến hình thành các mảng bám trên thành mạch gây xơ vữa thành mạch. Khi ấy, Beta caroten được vận chuyển trong các lipoprotein tỷ trọng thấp thông qua đó có thể trực tiếp ức chế quá trình oxy hóa của LDL.

Cà rốt chứa nhiều chất dinh dưỡng

Thiếu hụt Beta caroten dẫn đến hậu quả gì?

Sự có mặt của beta caroten sẽ giúp phòng tránh được tình trạng thiếu hụt vitamin A. Nguy cơ gây ra do thiếu hụt vitamin A bao gồm:

Bệnh về mắt: Khô mắt, khô giác mạc, nhuyễn giác mạc dẫn đến hậu quả sẹo giác mạc thậm chí mù vĩnh viễn.

Giảm khả năng miễn dịch, tăng tỷ lệ bệnh tật và tử vong ở trẻ em

Trẻ chậm lớn, thiếu Vitamin A sớm ảnh hưởng tới phát triển trí tuệ của trẻ khi đến tuổi đi học.

Phụ nữ mang thai rất nhạy cảm với sự thiếu hụt vitamin A, đặc biệt sự nhạy cảm này cao nhất trong giai đoạn thứ ba của thai kỳ do sự phát triển nhanh của bào thai và sự gia tăng về thể tích máu trong giai đoạn này.

Hậu quả của việc dư thừa beta caroten

Do vitamin A hòa tan trong chất béo, việc đào thải lượng dư thừa đã hấp thụ vào từ ăn uống là khó khăn hơn so với các vitamin hòa tan trong nước. Dư thừa thường xảy ra khi bổ sung Vitamin A ở dạng hoạt động bằng thuốc ở liều cao. Vitamin A dư thừa sẽ tích lũy trong cơ thể và gây ra các tác dụng không mong muốn như: ngộ độc gan, biến đổi xương, phù gai thị lực, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, vàng da, phồng thóp ở trẻ nhỏ, sinh con dị tật…

Thực phẩm chứa nhiều beta caroten

Mặc dù có vai trò quan trọng trong bảo vệ sức khoẻ, song bản thân cơ thể con người lại không tự tổng hợp được Beta caroten mà phải bổ sung bằng các loại thực vật, rau củ khác nhau. Sau đây là một số loại thực phẩm mà Medplus gợi ý cho bạn.

Khoai lang

Khoai lang đứng đầu danh sách thực phẩm giàu beta-carotene. Khoai lang chứa 226 microgram beta-carotene trong mỗi 1 gram.

Cà rốt

Cà rốt là một trong những nguồn beta-carotene tốt nhất. Mỗi 1 gram cà rốt cung cấp 83 microgram beta-carotene. Một nghiên cứu cho thấy, để hấp thụ tốt nhất lượng beta-carotene bạn nên nấu chín cà rốt thay vì ăn sống.

Cải xoăn

1 gram cải xoăn chứa 59 microgram beta-carotene. Cải xoăn giàu sắt, protein, thiamine, riboflavin, folate, magiê và phốt pho. Nó cũng là một nguồn giàu vitamin A, vitamin K, canxi, kali, đồng và mangan.

Quả bí

Bí ngô chứa nhiều chất beta-carotene, được chuyển đổi thành vitamin A trong cơ thể. 100 gram bí nấu chín cung cấp 11.155 UI giá trị vitamin A cần thiết hàng ngày.

Xoài

Xoài chứa nhiều chất dinh dưỡng quan trọng. Một quả xoài có kích thước vừa cung cấp 3.636 IU vitamin A, tương đương 73% giá trị hàng ngày.

Đu đủ

Một quả đu đủ nhỏ cung cấp 30% giá trị vitamin A hàng ngày. Đu đủ chứa hàm lượng lớn các loại vitamin, khoáng chất, các enzyme và chất chống oxy hóa.

Lưu ý khi chế biến và sử dụng 

Beta-carotene chỉ chuyển thành vitamin A khi cơ thể có nhu cầu về vitamin A. Mức độ biến đổi phụ thuộc vào tình trạng vitamin A mà cơ thể hiện có. Carotene thường được cho là an toàn vì không liên quan tới các phản ứng có hại cho sức khỏe. khi cung cấp dư thừa Carotene sẽ gây nên hiện tượng vàng da. Chúng ta có thể gặp tình trạng này khi chúng ta bổ sung vượt ngưỡng 200mg beta caroten trong một ngày. Nhưng ngưng sử dụng một thời gian, hiện tượng này sẽ biến mất. Vì vậy, người ta thường bổ sung vitamin A dưới dạng beta-caroten là dạng tự nhiên, an toàn hơn, ít bị nguy cơ quá liều.

Beta-carotene được hấp thu chủ yếu ở ruột non. Nó rất cần có sự hỗ trợ của dầu, mỡ hoặc chất béo. Vì thế, tốt nhất là bạn nên chế biến thành các món xào, nấu có dầu thì lượng beta-caroten sẽ được hấp thu tối đa.

Liều lượng beta caroten thích hợp

Theo những khuyến cáo hiện tại, chúng ta không nên bổ sung lượng beta caroten quá lượng quy định của vitamin A. Liều quy định của vitamin A là 900μg cho nam và 700μg cho nữ. Và liều lượng an toàn của beta caroten tương đương là khoảng 10mg trong một ngày. Đó là những quy định khi sử dụng những sản phẩm không phải dưới dạng tự nhiên trong thực phẩm- beta caroten tổng hợp.

Còn nếu chúng ta bổ sung beta caroten dưới dạng tự nhiên trong thực phẩm thì luôn yên tâm là sẽ không sợ bị quá liều.

Nguồn:

https://baomoi.com/thuc-pham-giau-beta-carotene-giam-nguy-co-ung-thu/c/25885725.epi

https://suckhoedoisong.vn/vai-tro-cua-beta-caroten-voi-suc-khoe-n39869.html

https://tuoitre.vn/thuc-pham-nhieu-carotenoid-giam-nguy-co-ung-thu-1126954.htm

 

 

Exit mobile version