Có hay không có cách điều trị Covid-19? Phác đồ điều trị Covid-19 tại bệnh viện và tại nhà dành cho những F0 không triệu chứng được thực hiện như thế nào? Đây hiện là những thắc mắc đang rất được nhiều người quan tâm.
Trước diễn biến căng thẳng của dịch bệnh với số lượng ca mắc tăng nhanh trong những ngày gần đây, Bộ Y tế đã bắt đầu triển khai thí điểm việc điều trị F0 tại nhà. Người mắc Covid-19 điều trị tại nhà trong trường hợp nào? Cách điều trị Covid-19 tại bệnh viện và tại nhà là gì? Xem ngay những chia sẻ dưới đây của MedPlus để giải đáp nhanh những băn khoăn trên bạn nhé!
Điều trị Covid-19 tại nhà như thế nào?
Với những trường hợp điều trị tại nhà này, đa phần người bệnh sẽ không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ. Do đó, các cách điều trị Covid-19 chính thường là:
- Nghỉ ngơi tại giường. Đảm bảo không gian thông thoáng, mở cửa sổ, không dùng điều hòa
- Vệ sinh mũi họng, giữ ẩm mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý, súc miệng họng bằng các dung dịch vệ sinh miệng họng thông thường
- Uống đủ nước, đảm bảo cân bằng nước điện giải
- Đảm bảo dinh dưỡng, nâng cao thể trạng, bổ sung thêm dinh dưỡng nếu cần
- Hạ sốt nếu sốt cao, có thể dùng paracetamol 10 – 15mg/1kg cân nặng/lần nhưng cần đảm bảo liều lượng không quá 60mg/kg/ngày cho trẻ nhỏ và không quá 2g/ngày cho người lớn
- Giảm ho bằng các thuốc giảm ho thông thường nếu cần
- Thực hiện xét nghiệm RT-PCR tại nhà vào ngày thứ 14 và 21.
Các trường hợp F0 được điều trị tại nhà hay F1 được cách ly y tế tại nhà cần được giám sát bởi cơ quan y tế địa phương và nơi làm việc. Bạn sẽ cần theo dõi các triệu chứng của bản thân, nếu có các dấu hiệu bất thường sau cần báo ngay cho cán bộ y tế để được hướng dẫn cách chăm sóc hay đưa vào bệnh viện điều trị:
- Khó thở
- Đau hoặc tức ngực
- Tím tái
- Choáng váng, hôn mê.
Hiện Sở Y tế TP. HCM triển khai thí điểm cách ly, điều trị tại nhà các trường hợp F0, F1:
- Không có triệu chứng, đang điều trị tại bệnh viện, có kết quả xét nghiệm RT-PCR ngày 10 có kết quả âm tính hoặc còn dương tính nhưng tải lượng virus thấp, không còn nguy cơ lây nhiễm (hoặc rất thấp)
- Là nhân viên viên y tế bị lây nhiễm nhưng không có triệu chứng. Người bệnh tự theo dõi về tình trạng sức khỏe, báo cáo với cơ quan theo dõi y tế hàng ngày và thực hiện xét nghiệm theo quy định.
Nếu điều trị Covid-19 tại nhà, bạn cần thực hiện các biện pháp phòng dịch để tránh lây nhiễm cho người thân, đặc biệt là những người trên 65 tuổi hoặc những người đang mắc các bệnh lý mạn tính:
- Cố gắng ở yên một chỗ trong nhà, sử dụng phòng ngủ và phòng tắm riêng
- Che miệng khi ho và hắt hơi bằng khăn giấy hoặc khuỷu tay.
- Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người thân
- Rửa tay thường xuyên
- Không dùng chung đĩa, cốc, dụng cụ ăn uống, khăn tắm hoặc bộ khăn trải giường với bất kỳ ai.
- Phân loại và xử lý rác thải cá nhân riêng biệt, đảm bảo tránh lây lan.
Cách điều trị Covid-19 tại bệnh viện theo hướng dẫn của Bộ Y tế
Ngoài những trường hợp thí điểm điều trị Covid-19 tại nhà kể trên, các trường hợp dương tính khác đều được điều trị tại bệnh viện.
Hiện Bộ Y tế phân chia bệnh Covid-19 thành 5 mức độ:
- Không triệu chứng: được khẳng định dương tính bằng xét nghiệm PCR, nhưng không có triệu triệu chứng lâm sàng.
- Mức độ nhẹ (viêm đường hô hấp trên cấp tính): sốt, mệt mỏi, ho, đau họng, nghẹt mũi, nhịp thở <20 lần/phút, SpO2>95%.
- Mức độ vừa (viêm phổi): thở nhanh (>20 lần/phút), SpO2>92%, chụp X-quang phổi có tổn thương.
- Mức độ nặng (viêm phổi nặng): thở nhanh, SpO2<93%.
- Mức độ nguy kịch (Hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng, nhồi máu phổi, đột quỵ, sảng).
Ở mức độ nặng và nguy kịch, người bệnh sẽ có các triệu chứng như nhịp thở hơn 30 lần/phút, khó thở, suy hô hấp nặng (thở rên, rút lõm lồng ngực), thở nhanh, hôn mê, tím tái…
Với những triệu chứng kể trên, bác sĩ sẽ xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh bằng cách:
- Kiểm tra nồng độ oxy trong máu
- Lắng nghe nhịp thở
- Chụp X-quang phổi hoặc chụp CT
Hiện chưa có thuốc điều trị bệnh Covid-19 đặc hiệu nên các cách điều trị Covid-19 được thực hiện trên cơ sở cá thể hóa cho từng trường hợp, tập trung vào việc điều trị suy hô hấp theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới.
Với các bệnh nhân nặng, có suy hô hấp (SpO2<93%), cần được nhập viện theo dõi điều trị. Sử dụng liệu pháp hỗ trợ thở oxy qua gọng mũi, qua mặt nạ, thở máy xâm nhập, thậm chí sử dụng kỹ thuật trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO).
Với những trường hợp nhiễm Covid-19 ở mức độ vừa, nặng và nguy kịch, người bệnh cũng có thể được sử dụng một trong các loại thuốc theo đúng chỉ định như: Dexamethasone, Hydrocortisone, Methylprednisolone Prednisolone.
Một số cách điều trị Covid-19 hiện vẫn đang trong quá trình nghiên cứu và chưa được khuyến cáo áp dụng thường quy trong điều trị là:
- Các thuốc kháng virus đặc hiệu như remdesivir
- Các loại thuốc kháng thể đơn dòng kép Casirivimab và Imdevimab
- Sử dụng huyết tương của người đã khỏi bệnh để điều trị Covid-19.
Các loại thuốc như kháng sinh, vitamin D không có khả năng điều trị Covid-19. Do đó, người bệnh nên tránh tự ý sử dụng.
Tiêu chuẩn được xem xét xuất viện là sau điều trị, các dấu hiệu lâm sàng được cải thiện, có hai mẫu bệnh phẩm đường hô hấp (cả dịch tỵ hầu và dịch họng) liên tiếp lấy cách nhau 24 giờ âm tính với SARS-CoV-2.
Sau khi ra viện, người bệnh cần cách ly tại nhà thêm 14 ngày. Chú ý theo dõi thân nhiệt và các triệu chứng của cơ thể. Nếu có bất thường cần liên hệ ngay với cơ sở y tế gần nhất.
Điều trị Covid-19 sau bao lâu thì khỏi?
Sau khi tiếp xúc với virus, các triệu chứng sẽ bắt đầu xuất hiện 2 – 14 ngày, trung bình là 5 – 7 ngày. Triệu chứng đặc trưng nhất là sốt, ho khan, mệt mỏi và đau cơ. Thời gian trung bình từ khi có triệu chứng ban đầu đến khi diễn biến nặng là khoảng 5 – 8 ngày.
Với những trường hợp chỉ sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không bị viêm phổi thường tự hồi phục sau 1 – 2 tuần. Với các trường hợp nặng, thời gian điều trị và hồi phục có thể mất từ 3 – 6 tuần.
Nguy cơ tử vong do Covid-19 sẽ cao ở người lớn tuổi, người suy giảm miễn dịch và người mắc các bệnh mạn tính. Ở trẻ em, đa số trẻ mắc Covid-19 có các biểu hiện lâm sàng ở mức độ nhẹ hơn người lớn hoặc không có triệu chứng. Tuy nhiên cũng có trường hợp có biểu hiện viêm phổi nặng dẫn đến tử vong.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.
Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Nguồn: COVID-19 Treatment Guidelines
Interim Clinical Guidance for Management of Patients with Confirmed Coronavirus Disease (COVID-19)
Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất: