Site icon Medplus.vn

ĐAU DÂY THẦN KINH LIÊN SƯỜN LÀ BỆNH GÌ?

CùngMedplus  tìm hiểu về đau dây thần kinh liên sườn là bệnh gì bạn đọc nhé!

Đau dây thần kinh liên sườn

1. Đau dây thần kinh liên sườn là gì?

Dây thần kinh liên sườn gồm 12 cặp, có nguồn gốc từ đoạn tủy ngực từ D1 đến D12. Trực tiếp xuất phát từ tủy sống ngực là các rễ thần kinh tủy ngực, sau đó chia làm hai nhánh trước và sau. Nhánh sau của rễ thần kinh tuỷ ngực chi phối cho vùng lưng. Nhánh trước của rễ thần kinh tuỷ ngực chi phối cho vùng ngực và bụng, đổi tên thành dây thần kinh liên sườn.

Khi đến xương sườn, chúng cùng với động tĩnh mạch liên sườn đi ở bờ dưới các xương sườn tạo thành bó mạch gian sườn. Khi thao tác hoặc thực hiện thủ thuật can thiệp ở vùng ngực, bó mạch gian sườn luôn được lưu ý để tránh gây tổn thương. Đau dây thần kinh liên sườn là một bất thường có thể gặp trong nhiều bối cảnh bệnh lý khác nhau ở mọi độ tuổi.

Với đặc điểm giải phẫu nêu trên cùng với vị trí nằm nông trên thành ngực, dây thần kinh liên sườn là những thành phần rất dễ gặp phải tổn thương liên quan khi có bất kỳ vấn đề nào tại cột sống, tủy sống và xương sườn. Khi không tìm được nguyên nhân cụ thể trực tiếp gây đau thì bệnh được gọi là đau dây thần kinh liên sườn nguyên phát.

2. Nguyên nhân đau dây thần kinh liên sườn

Nguyên nhân đưa đến tình trạng đau dây thần kinh liên sườn khá đa dạng, thay đổi tùy theo lứa tuổi, giới tính và công việc của người bệnh như:

  • Thoái hóa đốt sống ngực
  • Ung thư đốt sống
  • Lao cột sống ngực
  • U tủy
  • Viêm đa rễ thần kinh hoặc viêm đa dây thần kinh
  • Bệnh lý thần kinh
  • Bệnh lý toàn thân khác như đái tháo đường, nhiễm khuẩn.

3. Dấu hiệu đau dây thần kinh liên

Biểu hiện nổi bật của đau dây thần kinh liên sườn là triệu chứng đau dọc theo đường đi của dây thần kinh liên sườn tương ứng. Một số trường hợp được người bệnh mô tả với cảm giác tức ngực, đau ngực, sau lan ra theo đường đi các dây thần kinh liên sườn đến vùng cạnh sống.

Tuy nhiên, người bệnh còn phải gặp phải nhiều dấu hiệu khác, đa dạng tùy thuộc vào bệnh lý trực tiếp gây đau. Một số bối cảnh bệnh lý thường gặp như:

  • Thoái hoá cột sống ngực: Đau dây thần kinh liên sườn do nguyên nhân này thường gặp ở bệnh nhân lớn tuổi. Người bệnh cảm giác đau âm ỉ vùng cột sống, đau tăng khi cử động và khi ấn vào giữa cột sống.
  • Ung thư cột sống ngực hoặc lao cột sống: Khác với thoái hoá, lao hoặc ung thư cột sống gây đau dữ dội hơn và cục bộ ở đoạn cột sống tương ứng, lan sang hai bên sườn. Triệu chứng đau xuất hiện liên tục kèm theo biến dạng cột sống và các triệu chứng toàn thân như sốt nhẹ về chiều, sụt cân, mệt mỏi nhiều.
  • Bệnh lý tủy sống: Một số bệnh lý tủy sống cũng có thể gây đau dây thần kinh liên sườn như u tủy và u rễ thần kinh. Đau thường chỉ khu trú ở vùng tuỷ có bệnh lý, một bên và lan dọc bên sườn theo kiểu vòng đai. Triệu chứng khá mơ hồ khi thăm khám cột sống.
  • Chấn thương cột sống: Sau một chấn thương cột sống hoặc sau một vận động sai tư thế với cường độ mạnh bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đau dọc khung xương sườn kèm theo vị trí cột sống bị tổn thương.
  • Đau dây thần kinh liên sườn do zona: Đây là nguyên nhân nhiễm khuẩn thường gặp nhất gây đau dây thần kinh liên sườn. Người bệnh cảm giác đau kiểu bỏng rát nhiều vùng da tương ứng theo khoanh tủy trong giai đoạn cấp tính, đau nhiều hơn khi tiếp xúc với áo quần hoặc khi chạm vào.
  • Đau dây thần kinh liên sườn nguyên phát: Phân nhóm này chỉ những trường hợp không có nguyên nhân thực thể gây bệnh. Đau dây thần kinh liên sườn nguyên phát thường do thời tiết quá lạnh hoặc sau một vận động quá tầm.
  • Một số nguyên nhân toàn thân gây đau dây thần kinh liên sườn khác: đái tháo đường, viêm đa rễ thần kinh, viêm đa dây thần kinh, nhiễm độc,… bệnh nhân thường phải trải qua các triệu chứng của bệnh lý nền trước sau đó mới xuất hiện dấu hiệu đau lan dọc khung xương sườn theo đường đi của các dây thần kinh liên sườn.

4. Điều trị đau dây thần kinh liên sườn

Mục tiêu điều trị đau dây thần kinh liên sườn bao gồm điều trị giảm đau kết hợp với điều trị nguyên nhân gây đau. Trong trường hợp đau dây thần kinh liên sườn nguyên phát, người bệnh có thể được giảm đau bằng cách kết hợp các phương pháp sau:

Thuốc

Thông thường người bệnh có thể tự giải quyết tạm thời các cơn đau bằng các thuốc không cần kê đơn như paracetamol, ibuprofen, diclofenac,… nhóm thuốc giảm đau thông thường này rẻ tiền nhưng hiệu quả giảm đau không cao. Paracetamol nếu dùng quá liều có khả năng gây độc cho tế bào gan, trong khi diclofenac có khả năng gây viêm loét dạ dày.

Nhóm thuốc giảm đau thứ hai được chỉ định trong đau dây thần kinh liên sườn là thuốc giảm đau hướng thần kinh như gabapentin. Thuốc có hiệu quả cao hơn nhờ cơ chế giảm đau tác dụng lên dây và rễ thần kinh. Thuốc được bắt đầu kê đơn với liều dùng thấp và tăng dần liều, tác dụng phụ thường thấy là chóng mặt.

Khi cường độ đau quá nhiều, bác sĩ có thể chỉ định thêm các thuốc giãn cơ giúp giảm co thắt các cơ gian sườn. Người bệnh có thể được chỉ định dùng thêm các loại vitamin nhóm B như B1, B2, B6 và B12 hỗ trợ hoạt động của bao myelin và các tế bào thần kinh.

Can thiệp:

Khi triệu chứng đau không đáp ứng với điều trị bảo tồn với thuốc, xuất hiện dai dẳng gây phiền toái đến cuộc sống của người bệnh, gây tê các dây thần kinh liên sườn được thực hiện để giảm đau.

Đau dây thần kinh liên sườn là căn bệnh không thể tự khỏi gây đau mỏi dai dẳng, ảnh hưởng lớn tới đời sống sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân. Vì vậy, người bệnh không nên coi thường, chủ quan khi bị đau dây thần kinh liên sườn, nếu không điều trị kịp thời, để lâu ngày bệnh có thể gây liệt, không đi được vì tác động lên nhiều dây thần kinh khác.

Đau dây thần kinh liên sườn

Tìm hiểu từ nguồn: Verywell Health 

Như vậy, Medplus đã cung cấp cho bạn đọc đầy đủ thông tin hữu ích về các bệnh đau dây thần kinh liên sườn, hy vọng bài đọc sẽ cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin bổ ích, giúp bạn nâng cao tầm hiểu biết mà hạnh phúc hơn.

Bên cạnh đó, Medplus cũng cung cấp một số thông tin liên quan :

Exit mobile version