Site icon Medplus.vn

Dấu hiệu của bệnh táo bón nặng bạn cần đặc biệt lưu ý

Dấu hiệu của bệnh táo bón nặng bạn cần đặc biệt lưu ý

Táo bón là bệnh lý tiêu hóa rất phổ biến nên khi gặp phải, nhiều người hay có tâm lý chủ quan. Thế nhưng, nếu có những dấu hiệu của bệnh táo bón nặng thì bạn đừng nên xem thường vì nếu để lâu có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

Táo bón nặng, kéo dài dai dẳng có thể dẫn đến nhiều biến chứng. Nếu bạn đi ngoài quá ít hoặc không đi ngoài trong thời gian dài, phân không thể thoát ra ngoài và có thể “quay ngược” lại dạ dày, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Ngoài ra, phân tích tụ trong ruột già quá lâu cũng có thể dẫn đến thủng hoặc vỡ ruột và đe dọa đến tính mạng.

Những thông tin dưới đây của MedPlus sẽ giúp bạn có thêm thông tin về các dấu hiệu của bệnh táo bón nặng để sớm cảnh giác và có cách can thiệp kịp thời.

Dấu hiệu của bệnh táo bón nặng 

Đi đại tiện ít hơn 3 lần/tuần, khi đi ngoài thì cực kỳ khó khăn do phân khô, cứng hơn bình thường là biểu hiện quen thuộc của bệnh táo bón. Thế nhưng, nếu bị táo bón nặng thì tần suất đi ngoài có thể ít hơn 3 lần/tuần, thậm chí cả tuần mới đi được, phân rất khô cứng, mỗi khi đi ngoài cực kỳ khó khăn.

Không những vậy, triệu chứng của táo bón có thể kéo dài trong thời gian rất lâu, thậm chí vài tuần hoặc vài tháng. Ngoài ra, bạn còn có thể có các dấu hiệu táo bón nặng như:

  • Phân khô, cứng và có lẫn máu
  • Luôn có cảm giác buồn đại tiện nhưng mỗi lần lại đi được rất ít
  • Rò rỉ phân ở lỗ hậu môn hay són phân
  • Hay bị đau bụng
  • Phần bụng dưới chướng to, hay có cảm giác đầy hơi
  • Hậu môn rạn, rách, đau rát
  • Buồn nôn và nôn liên tục
  • Sốt nhẹ.

Ngoài các dấu hiệu táo bón nặng kể trên, người bệnh còn luôn có cảm giác mệt mỏi, căng thẳng do đi ngoài khó khăn, phân cứng, khuôn phân to làm tổn thương trực tràng, gây đau rát hậu môn.

Bên cạnh đó, phân tích tụ lâu ngày còn có thể khiến chất độc tích tụ, gây nhiễm trùng, viêm ruột và khiến hơi thở có mùi hôi, cơ thể có mùi lạ…; ảnh hưởng tới chức năng của ruột. Từ đó dẫn đến thiếu dinh dưỡng, cơ thể suy nhược, xanh xao, sụt cân…

Táo bón nặng có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân…

Có rất nhiều nguyên nhân khiến bạn gặp phải các dấu hiệu táo bón nặng, trong đó điển hình nhất là tình trạng ăn ít chất xơ, uống ít nước và có chế độ sinh hoạt không lành mạnh trong thời gian dài.

Ngoài ra, nguyên nhân cũng có thể là do khi có các dấu hiệu táo bón, bạn lơ là, chủ quan không điều trị dứt điểm khiến bệnh thường xuyên tái phát hoặc diễn ra dai dẳng. Lâu ngày, các triệu chứng táo bón ngày một nghiêm trọng và việc đi ngoài thêm khó khăn.

Ngoài ra, dấu hiệu của bệnh táo bón nặng cũng có thể xuất phát từ các bệnh lý, chẳng hạn như:

  • Các bất thường về ruột như chứng lồng ruột (tình trạng 1 đoạn ruột chui vào trong lòng 1 đoạn ruột kề cận), xoắn ruột hoặc thoát vị ruột, viêm ruột, polyp ruột, tắc nghẹt ruột, teo ruột, ung thư ruột
  • Các bệnh lý về tiêu hóa khác như khối u, sỏi mật, ung thư đại trực tràng
  • Các bệnh lý về thần kinh khiến cho các cơ ở đại tràng và trực tràng kém hoạt động, giảm tốc độ đẩy phân ra ngoài. Có thể gồm bệnh thần kinh tự trị, chứng đa xơ cứng, bệnh Parkinson, chấn thương tủy sống, đột quỵ
  • Vấn đề về xương chậu như cơ xương chậu suy yếu hoặc rối loạn hoạt động.
  • Rối loạn hormon trong các bệnh cường cận giáp, tiểu đường, suy giáp, phụ nữ mang thai.
  • Dùng một số loại thuốc, đặc biệt là thuốc giảm đau opioid, thuốc bổ sung sắt, thuốc chẹn canxi, thuốc chống loạn thần, clonidine và thuốc lợi tiểu

Điều trị táo bón nặng như thế nào?

Khi có các dấu hiệu của bệnh táo bón nặng kể trên, bạn nên sắp xếp thời gian đi khám càng tốt. Đặc biệt, nếu có các triệu chứng sau thì cần đi khám ngay:

  • Đi ngoài ra máu hoặc đi ngoài phân đen
  • Đau bụng dữ dội
  • Sốt
  • Buồn và nôn.

Khi đi khám, bác sĩ sẽ hỏi bạn về các triệu chứng bạn đã gặp phải trước đó cũng như các loại thuốc bạn đang dùng. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể kiểm tra trực tràng và yêu cầu bạn thực hiện một số xét nghiệm như:

  • Xét nghiệm máu để xác định hoặc loại bỏ nguy cơ nhiễm trùng hoặc viêm, xem xét những vấn đề toàn thân như suy giáp, đường huyết, các chất điện giải.
  • Xét nghiệm hình ảnh như chụp X-quang hoặc CT để xem ruột có thể bị tắc nghẽn, phì đại hoặc có bất kỳ bất thường nào hay không
  • Nội soi đại tràng để kiểm tra các bất thường và phát hiện khối u
  • Xét nghiệm chức năng ruột để kiểm tra trương lực cơ của trực tràng và chức năng thần kinh của ruột.

Tùy thuộc vào kết quả chẩn đoán mà sẽ có các điều trị khác nhau. Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định dùng:

  • Thuốc nhuận tràng, thuốc xổ
  • Thụt tháo phân.

Trong trường hợp nghiêm trọng như tắc ruột nặng, có viêm và hoại tử ruột, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để loại bỏ vùng ruột bị ảnh hưởng. Ngoài ra, phẫu thuật cũng được chỉ định trong trường hợp ruột có cấu trúc bất thường như thoát vị ruột.

Táo bón nặng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Để tránh gặp phải các dấu hiệu của bệnh táo bón nặng kể trên, bạn nên chú ý duy trì chế độ ăn với nhiều thực phẩm giàu chất xơ trị táo bón, uống nhiều nước và vận động 30 phút mỗi ngày. Ngoài ra, nếu có các dấu hiệu của bệnh táo bón thì nên chú ý điều trị, tránh để bệnh kéo dài dai dẳng và tái phát thường xuyên.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.

Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn: Intestinal obstruction

Chronically constipated: Are my intestines blocked?

Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất:

 

Exit mobile version