Rối loạn nhịp tim có nguy hiểm không là lo lắng chung của người có nhịp tim không ổn định. Đây không phải là một câu hỏi dễ trả lời bởi mức độ nguy hiểm còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây loạn nhịp, triệu chứng xảy ra hay các bệnh lý mắc kèm.
Nhiều bệnh nhân đi khám khi bỗng nhiên thấy hồi hộp, trống ngực, nhịp tim lên hơn 100 nhịp/phút rồi hoang mang tự hỏi rối loạn nhịp tim có nguy hiểm không. Thật ra, câu trả lời nằm trong cách bạn kiểm soát bệnh tình, tập luyện hợp lý và ăn uống điều độ.
Rối loạn nhịp tim có nguy hiểm không?
Rối loạn nhịp tim có nguy hiểm không? Theo các chuyên gia y tế, nếu rối loạn nhịp tim gây ảnh hưởng tới chức năng bơm máu của tim, gây ra tình trạng khó thở, hồi hộp, trống ngực, choáng ngất thì sẽ trở nên nguy hiểm. Sau đây là một số dạng rối loạn nhịp tim người bệnh cần cẩn trọng:
• Rung nhĩ: Chiếm 30% trong các trường hợp rối loạn nhịp tim thường gặp và xảy ra ở buồng tim phía trên (tâm nhĩ). Trong cơn rung nhĩ, nhịp tim tăng tốc nhanh, đột ngột tới 140 – 180 nhịp/phút, khiến cho tâm nhĩ rung lên chứ không đập được, dẫn đến máu không thể tống xuống buồng tim phía dưới (tâm thất).
Khi máu bị ứ đọng tại buồng nhĩ sẽ dễ hình thành cục máu đông và có thể vỡ bất cứ lúc nào. Hậu quả có thể gây tắc động mạch hoặc đột quỵ não. Với người bệnh tim, viêm tắc phế quản phổi mãn tính, có xuất hiện rung nhĩ tức là bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng hơn và nguy hiểm hơn.
• Nhịp nhanh thất: Bệnh xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nguyên nhân có thể do một nhóm tế bào tại tâm thất tự phát xung động bất thường hoặc do tổn thương cơ tim ở những người bị bệnh mạch vành, thiếu máu cơ tim cục bộ hoặc do ảnh hưởng của phẫu thuật tim.
Nhịp nhanh thất là nhịp tim nhanh phát sinh ở tâm thất, khiến tim co bóp và bơm máu nhanh hơn bình thường và không đủ thời gian để tâm thất được đổ đầy máu.
Nhịp nhanh thất xảy ra khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, khó thở… Nếu không được điều trị, nhịp nhanh thất có thể chuyển thành rung thất, một dạng rối loạn nhịp tim nguy hiểm.
• Rung thất: Rung thất là một dạng rối loạn nhịp tim nguy hiểm xảy ra khi tim đập nhanh làm cho cơ tâm thất không kịp bóp nữa mà chỉ rung lên. Điều này làm cho huyết áp giảm đột ngột, máu không được cung cấp đến các cơ quan quan trọng của cơ thể.
Rung thất là tình huống cấp cứu khẩn cấp cần sự chăm sóc y tế kịp thời. Nếu chậm trễ, người bệnh sẽ ngừng tim đột ngột do máu không được bơm ra khỏi tim, dễ dẫn tới tử vong.
Nếu bạn gặp những triệu chứng sau thì chứng rối loạn nhịp tim đã khá nguy hiểm và bạn cần đi khám ngay:
• Đau ngực: Thường xảy ra ở người rối loạn nhịp tim kèm theo bệnh mạch vành hay thiếu máu cơ tim. Cơn đau xuất hiện ở vùng ngực trái và có thể lan lên cổ, hàm, vai, cánh tay trái.
• Đánh trống ngực, hồi hộp: Đây là một trong các dấu hiệu điển hình nhất của nhịp tim nhanh. Lúc này, tim đập mạnh làm cho lồng ngực rung lên và bạn có thể cảm thấy tim đập rất rõ trong lồng ngực. Bạn cũng có thể cảm thấy hồi hộp, khó chịu.
• Mệt mỏi, khó thở, choáng váng, ngất xỉu: Rối loạn nhịp tim nhanh khiến tim đập quá nhanh và không bơm máu hiệu quả, làm giảm huyết áp và máu lên não. Điều này khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, khó thở, chóng mặt, đầu óc quay cuồng hay thậm chí là ngất xỉu vì não không đủ máu và oxy.
Những cách ngăn ngừa rối loạn nhịp tim
Rối loạn nhịp tim có nguy hiểm không, còn phụ thuộc vào cách người bệnh chủ động ngăn ngừa các triệu chứng bệnh xuất hiện. Một số phương pháp phòng ngừa bao gồm:
Xây dựng lối sống lành mạnh
Một lối sống lành mạnh bao gồm chế độ ăn khoa học, bỏ thói quen xấu và tập thể dục thường xuyên. Việc xây dựng lối sống lành mạnh không chỉ giúp bạn khỏe hơn mà còn giúp ổn định nhịp tim lâu dài.
• Chế độ ăn: Mỗi tuần, bạn nên ăn 2–3 bữa cá, đặc biệt là cá biển, vì loại cá này chứa nhiều omega 3. Ngoài ra, bạn cũng nên ăn nhiều rau củ quả tươi và các thực phẩm họ đậu. Bên cạnh đó, bạn nên tránh những thức ăn nhiều đạm và cholesterol như đồ chiên, mỡ động vật…
• Tập thể dục: Việc tập luyện thể dục thường xuyên là cách tốt nhất để giúp ổn định nhịp tim, tăng cường sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, tập thể dục quá sức có thể làm tim bị loạn nhịp. Vì thế, bạn nên tập thể dục nhẹ nhàng vừa sức.
• Bỏ thói quen xấu: Các thói quen không tốt cho sức khỏe có thể kể đến là hút thuốc lá hay uống rượu bia. Bạn hãy bỏ thuốc lá và tránh xa môi trường có khói thuốc cũng như hạn chế sử dụng rượu bia hay các chất kích thích khác.
• Kiểm soát căng thẳng: Bạn hãy tránh lo âu, tức giận, stress hay vui buồn quá mức. Việc giữ tinh thần thoải mái rất quan trọng trong việc giúp ổn định nhịp tim.
Tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ tác động tích cực đến rối loạn nhịp tim có nguy hiểm không
Các thuốc điều trị rối loạn nhịp tim đôi khi lại là nguyên nhân khiến nhịp tim nhanh hơn nếu bạn không uống đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Vì thế, bạn hãy tuân thủ liều lượng, chỉ dẫn của bác sĩ khi sử dụng thuốc và không được tự ý dừng thuốc đột ngột.
Ngoài việc tuân thủ chỉ dẫn uống thuốc của bác sĩ, bạn cũng cần thực hiện những lời khuyên của bác sĩ về việc kiểm soát bệnh tình của mình. Những bệnh như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, basedow, phổi tắc nghẽn mạn tính nếu không được kiểm soát tốt có thể làm rối loạn nhịp trở nên trầm trọng.
Rối loạn nhịp tim có nguy hiểm không phụ thuộc vào cách bạn chăm sóc sức khỏe và kiểm soát bệnh. Một khi bạn tuân thủ việc điều trị của bác sĩ, học cách đối phó với rối loạn nhịp tim và biết cách quản lý căng thẳng thì bệnh sẽ không còn đáng lo nữa.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.
Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Nguồn: Arrhythmia
Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất: