Site icon Medplus.vn

Tại sao bạn bị căng cơ bụng?

Tại sao bạn bị căng cơ bụng?

Hiện tượng đau cơ bụng sau khi tập thể dục có thể do căng cơ bụng quá mức. Ngoài ra, cũng có nhiều nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng này.

Vậy đâu là nguyên nhân chính và khi bị căng cơ bụng phải làm sao? Hãy cùng MedPlus tìm hiểu nhé!

Tìm hiểu chung

Căng cơ bụng là gì?

Cơ bụng là nhóm ở nằm ở phía trước cơ thể, giữa xương chậu và xương sườn, hỗ trợ cố định các cơ quan và giúp cơ thể chuyển động, đi lại. Cơ bụng kết hợp cùng cơ lưng là những nhóm cơ cốt lõi, chúng hoạt động cùng nhau giúp bạn ngồi, đứng, đi bộ,…

Căng cơ bụng là khi nhóm cơ này bị kéo căng quá mức gây đau và thậm chí là tổn thương, rách cơ. Căng cơ bụng có thể xảy ra ở bất kỳ khu vực nào, cơ bụng trên, dưới hay bên trái và bên phải.

Lưu ý: Căng cơ bụng thường gây nhầm lẫn với thoát vị bởi chúng đều biểu hiện triệu chứng chung là đau cơ bụng. Tuy nhiên, nếu bị thoát vị, bạn sẽ quan sát thấy một khối u phồng lên ở vị trí thoát vị, gây đau hoặc bỏng rát. Đồng thời thoát vị sẽ gây buồn nôn, nôn, táo bón còn căng cơ bụng thì không.

Triệu chứng

 

Những dấu hiệu và triệu chứng thường gặp của căng cơ bụng

Đau cơ bụng là triệu chứng chính của căng cơ, đặc biệt đau dữ dội khi:

  • Ho, hắt hơi hoặc khi cười.
  • Tập luyện các động tác mạnh hoặc chạy bộ nhanh.
  • Đứng dậy sau một thời gian dài ngồi và không hoạt động.

Các triệu chứng khác bao gồm:

  • Bầm tím.
  • Co thắt cơ, cứng cơ hoặc đau cơ.
  • Sưng tấy.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây căng cơ bụng thường gặp là gì?

Căng cơ bụng hoặc rách cơ bụng thường do các chấn thương hoặc vận động quá mức, chẳng hạn như:

  • Tai nạn, ngã xe gây chấn thương.
  • Ho hoặc hắt hơi thường xuyên (mãn tính).
  • Tập thể dục cường độ cao hoặc quá mức.
  • Nâng vật nặng.
  • Tập luyện thể dục, thể thao chưa đúng kỹ thuật.
  • Xoay mình hay vặn người đột ngột.

Ai cũng có nguy cơ bị căng cơ bụng. Tuy vậy, vận động viên các môn thể thao như quần vợt hay bóng đá đòi hỏi phải vươn tay nhiều và di chuyển người sang hai bên sẽ có nguy cơ cao hơn.

Chẩn đoán và điều trị

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán căng cơ bụng?

 

Để đánh giá tình trạng căng cơ bụng, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng và yêu cầu thực hiện một số bài kiểm tra đơn giản như đứng lên ngồi xuống. Bên cạnh đó, chụp X-quang có thể cần thiết để xác định nguyên nhân gây căng cơ bụng.

Điều trị căng cơ bụng như thế nào?

Hầu hết các trường hợp căng cơ bụng sẽ tự thuyên giảm sau vài tuần mà không cần can thiệp điều trị. Điều trị nhằm làm giảm triệu chứng giúp người bệnh dễ chịu hơn và nhanh chóng phục hồi chức năng của các nhóm cơ bụng.

Chăm sóc giảm đau cơ bụng tại nhà

  • Chườm lạnh lên bụng bằng một túi gel (được bán ngoài nhà thuốc) hoặc một túi đá được bọc khăn cẩn thận. Chườm 20 phút mỗi lần, cách nhau 3-4 giờ.
  • Tiếp theo đó chườm ấm xen kẽ chườm lạnh (hay còn gọi là trị liệu nhiệt). Đặc biệt nên dùng nhiệt ẩm 10-15 phút trước khi tập thể dục để giúp giãn cơ. Lưu ý không trị liệu bằng nhiệt khi có dấu hiệu sưng tấy.
  • Mang áo nịt bụng để hỗ trợ các cơ bụng và giảm thiểu sưng tấy.

Dùng thuốc giảm đau

Các loại thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen, ibuprofen hoặc naproxen có thể được dùng để làm dịu cơn đau do căng cơ bụng. Đọc kỹ nhãn và hướng dẫn sử dụng trước khi dùng thuốc và không nên dùng quá 10 ngày.

Vật lý trị liệu

Bác sĩ và các chuyên viên vật lý trị liệu có thể giúp bạn lên kế hoạch để lấy lại sức mạnh và độ linh hoạt của cơ bụng nếu cần thiết.

Phòng ngừa

Có thể phòng ngừa căng cơ bụng bằng cách nào?

Hãy để cơ bụng có thời gian nghỉ ngơi sau khi hoạt động cao độ như sau khi tập gập bụng. Điều này sẽ giúp cơ được thư giãn trở lại, tránh tình trạng căng cơ quá mức. Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý một số điều sau:

  • Tránh nâng vật nặng hoặc chỉ nâng khi có sự hỗ trợ phù hợp.
  • Hãy thử tập pilates, yoga hoặc các bài tập khác để thường xuyên kéo căng cơ bụng.
  • Tăng cường các bài tập bụng bằng cách plank và các bài tập khác có tác dụng đến các nhóm cơ chính.
  • Làm nóng và giãn cơ trước các bài tập.

Trên đây là những thông tin về nguyên nhân, triệu chứng đi kèm và cách xử lý căng cơ bụng quá mức. Hy vọng chúng hữu ích cho bạn!

Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.

Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn: Abdominal Muscle Strain: Causes, Symptoms, Management & Prevention

Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất:

Exit mobile version