Rong kinh được hiểu đơn giản là chảy máu rất nhiều trong chu kỳ kinh nguyệt. Thời gian hành kinh có thể kéo dài trên 7 ngày. Rong kinh là tình trạng phổ biến, có thể gây khó chịu và bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày. Thế nhưng, nhiều chị em hiện nay vẫn chưa biết rõ liệu rong kinh có nguy hiểm không?
Thực chất, rong kinh không phải là vấn đề nguy cấp nhưng vẫn tiềm ẩn một số rủi ro mà bạn không ngờ đến. Nếu không được điều trị có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng sinh sản của phụ nữ. Để có câu trả lời chi tiết hơn cho vấn đề này, bạn có thể tìm hiểu ngay qua những thông tin tổng hợp được trong bài viết sau của MedPlus.
Các triệu chứng của rong kinh
Rong kinh là hiện tượng được xác định dựa trên lượng máu kinh ra nhiều và thời gian hành kinh kéo dài. Sau đây là những triệu chứng phổ biến của rong kinh:
- Chảy máu kéo dài trên 7 ngày trong thời gian hành kinh, mỗi chu kỳ có thể mất trên 80 ml máu
- Máu kinh xuất hiện các cục máu đông có kích thước lớn
- Thay băng vệ sinh, tampon thường xuyên, có thể thay mỗi giờ một lần trong vài giờ liên tục
- Việc hành kinh ảnh hưởng đến giấc ngủ, bạn phải thức dậy vào ban đêm để thay băng vệ sinh
- Rong kinh có thể gây đau bụng và chuột rút dữ dội hơn bình thường
- Chảy máu kinh nguyệt nhiều đến mức cản trở sinh hoạt hoặc bạn phải trì hoãn các hoạt động thường ngày như đi làm, đi học, vui chơi…
Rong kinh có nguy hiểm không? Đừng chủ quan với những rủi ro tiềm ẩn
Đối với vấn đề rong kinh có nguy hiểm không? Như đã đề cập thì rong kinh không phải là vấn đề y tế cần xử lý khẩn cấp trong hầu hết trường hợp. Thế nhưng, nếu không điều trị, tình trạng rong kinh kéo dài sẽ gây ra những ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của bạn. Một số vấn đề phổ biến mà rong kinh có thể gây ra cho phụ nữ bao gồm:
Thiếu sắt và thiếu máu
Máu chứa nhiều sắt giúp các tế bào hồng cầu mang oxy đi khắp cơ thể. Trong đó, lớp niêm mạc tử cung thường có rất nhiều sắt. Vì vậy, khi ra nhiều máu do rong kinh, điều này cũng có nghĩa là cơ thể sẽ mất đi một lượng sắt rất lớn mỗi tháng. Nếu để rong kinh kéo dài thì tình trạng thiếu sắt có thể dẫn đến thiếu máu.
Các triệu chứng phổ biến của bệnh thiếu máu thường là mệt mỏi, yếu ớt, khó thở, chóng mặt, tức ngực, da xanh xao, nặng hơn có thể gây ngất xỉu. Tình trạng thiếu máu nếu không được điều trị có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể cũng như cuộc sống hàng ngày, khiến bạn kém tập trung, học tập và làm việc không hiệu quả.
Hơn nữa với một số trường hợp hiếm hoi, rong kinh còn có thể khiến lượng chất lỏng trong cơ thể giảm xuống quá thấp. Tình trạng này được gọi giảm thể tích tuần hoàn (giảm thể tích máu) thường gây ra những triệu chứng như tăng nhịp tim, huyết áp thấp, chóng mặt, tầm nhìn trở nên mờ… Trong trường hợp này, giảm thể tích tuần hoàn là tình trạng cần được cấp cứu nên bệnh nhân cần được nhanh chóng nhập viện.
Rong kinh có nguy hiểm không? Cẩn thận với nguy cơ nhiễm trùng
Máu kinh khi thoát ra ngoài thường là môi trường thuận lợi để vi khuẩn phát triển. Do đó, nếu bị rong kinh nhưng bạn không giữ vùng kín sạch sẽ, chăm sóc không đúng cách có thể tạo điều kiện để vi khuẩn phát triển và gây viêm nhiễm phụ khoa.
Rong kinh có nguy hiểm không? Bạn cần cảnh giác với một số bệnh lý phụ khoa
Một số trường hợp bị rong kinh có thể liên quan đến các bệnh phụ khoa như u xơ cổ tử cung, viêm nội mạc tử cung, buồng trứng đa nang, ung thư tử cung… Nếu không được điều trị, kiểm soát kịp thời những bệnh lý này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản của bạn.
Nguy cơ sốc nhiễm độc khi dùng tampon hoặc cốc nguyệt san để đối phó với tình trạng rong kinh
Nhiều chị em có xu hướng dùng cốc nguyệt san hoặc tampon (băng vệ sinh dạng que) để đối phó với tình trạng rong kinh. Tuy nhiên, bạn nên thận trọng khi dùng đến các loại băng vệ sinh này và chú ý đến thời gian sử dụng. Bởi vì giữ cốc nguyệt san hoặc tampon quá lâu trong âm đạo, thường là trên 8 giờ sẽ gây ra hội chứng sốc nhiễm độc rất nguy hiểm.
Biểu hiện ban đầu của hội chứng này thường bao gồm sốt, ớn lạnh, đau cơ, đau đầu… Tuy các triệu chứng không đặc hiệu nhưng có thể tiến triển rất nhanh. Người bị nhiễm độc nhanh chóng tụt huyết áp, sốc, suy chức năng đa cơ quan và dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Rong kinh ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, giảm chất lượng giấc ngủ
Lượng máu kinh nguyệt ra nhiều, dòng chảy kinh nguyệt nặng thường kèm theo đau bụng sẽ khiến chị em phải hạn chế một số hoạt động. Không những vậy, tình trạng này còn có thể làm gián đoạn giấc ngủ ban đêm khi bạn phải thức dậy để thay băng vệ sinh. Việc giấc ngủ bị gián đoạn trong nhiều ngày, ngủ không ngon có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, kém tập trung vào ban ngày.
Về tâm lý, những chị em bị rong kinh có thể không cảm thấy thoải mái, tự tin khi đi làm, đi học, vui chơi, thậm chí là lo lắng, sợ hãi khi đến kỳ kinh nguyệt. Vì vậy, đối với vấn đề “rong kinh có nguy hiểm không?” thì chắc hẳn đây là tình trạng đáng lo dù không gây hậu quả nghiêm trọng ngay lập tức.
Hơn nữa, nếu chị em để tình trạng rong kinh kéo dài, bỏ mặc không lo thì theo thời gian, cả sức khỏe lẫn chất lượng cuộc sống của bạn sẽ đi xuống. Do đó, nếu có những dấu hiệu rong kinh thì chị em không nên chần chừ trong việc đi khám phụ khoa.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần chú ý đến việc vệ sinh vùng kín đúng cách trong “ngày đèn đỏ”, uống nhiều nước, ăn uống đủ chất, bổ sung sắt từ thực phẩm hoặc viên uống, nghỉ ngơi hợp lý… để cải thiện hiệu quả các vấn đề do rong kinh gây ra nhé!
Hy vọng bài viết đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc “Rong kinh có nguy hiểm không?”. Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.
Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Nguồn: Heavy Menstrual Bleeding
Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất: