Site icon Medplus.vn

Tại sao bạn thường xuyên bị bệnh?

benh 3 1 - Medplus

Tại sao bạn thường xuyên bị bệnh?

Bạn thấy mình thường xuyên bị bệnh với tần suất hàng tháng, thậm chí hàng tuần? Những nguyên nhân khiến bạn không khỏe có thể vì ngủ nghỉ không đúng giờ giấc, ăn uống kém lành mạnh, lo âu căng thẳng quá độ…

Thường thì lâu lâu chúng ta mới bị bệnh một vài lần. Tuy nhiên trong một số trường hợp đặc biệt, bạn có thể cảm thấy như mình thường xuyên bị bệnh. Cảm giác này có thể là hay bị buồn nôn, cảm lạnh hoặc suy nhược cơ thể.

Một người có thể cảm thấy ốm đau liên tục trong vài ngày, vài tuần hoặc vài tháng do thiếu ngủ, căng thẳng, lo lắng hoặc chế độ ăn uống kém. Hãy cùng MedPlus tìm hiểu xem nguyên nhân tại sao bạn lại bị bệnh quá thường xuyên để có thể phòng tránh nhé.

1. Bị bệnh vì lo lắng quá nhiều

Lo lắng nhiều có thể khiến bạn cảm thấy mình bị bệnh với tần suất dày đặc hơn. Nhiều người có vẻ như không bị bệnh vì lo lắng nhưng thông thường thì bạn sẽ dễ cảm thấy đau bụng.

Một người mắc chứng lo âu có thể cảm thấy buồn nôn hoặc bị bệnh thường xuyên hơn vì sự lo lắng dễ làm suy yếu các phản ứng miễn dịch.

Bạn có thể gặp các triệu chứng lo âu khác bao gồm:

  • Đổ mồ hôi
  • Khó thở
  • Cảm thấy chóng mặt
  • Tăng nhịp tim
  • Run rẩy.

Nếu bạn cảm thấy một chút lo lắng trước tình huống nào đó thì cũng là phản ứng bình thường. Tuy nhiên, khi bạn cảm thấy lo lắng liên tục và điều này cản trở cuộc sống hàng ngày thì bạn cần đi khám ngay.

Bạn có thể giảm lo lắng và rối loạn lo âu bằng cách:

– Giải quyết nguyên nhân của sự lo lắng. Đó có thể là các yếu tố lối sống, mối quan hệ, ma túy hoặc rượu.

– Liệu pháp tâm lý hoặc liệu pháp nói chuyện, bao gồm liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) hoặc liệu pháp cá nhân (IPT).

– Thăm khám bác sĩ và dùng thuốc.

2. Bị bệnh vì căng thẳng mãn tính

Trải nghiệm căng thẳng là hoàn toàn bình thường, nhưng căng thẳng liên tục có thể tác động lớn đến tâm trí và cơ thể. Căng thẳng cực độ, chẳng hạn như gây ra bởi đau buồn, sốc hoặc trải nghiệm chấn thương cũng có thể ảnh hưởng đến con người về thể chất.

Những người bị căng thẳng mãn tính hoặc cực đoan có thể có nhiều triệu chứng khác nhau. Vì căng thẳng ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, hệ thần kinh, hormone và chức năng tim.

Các triệu chứng căng thẳng mãn tính khác có thể bao gồm:

  • Thiếu năng lượng
  • Vấn đề tiêu hóa, chẳng hạn như tiêu chảy, buồn nôn và táo bón
  • Mất ngủ, hoặc khó ngủ
  • Sự lo lắng
  • Đau cơ hoặc cứng cơ
  • Đau đầu kéo dài
  • Nhiễm trùng thường xuyên hơn, chẳng hạn như cảm lạnh, cúm và nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI)
  • Giảm ham muốn tham gia vào các hoạt động xã hội

Cách để điều trị căng thẳng mãn tính là giải quyết và thay đổi nguyên nhân cơ bản. Tuy nhiên, một số thói quen lối sống sau đây có thể làm giảm đáng kể căng thẳng và các triệu chứng đi kèm:

  • Giải quyết các nguồn xung đột
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Dành thời gian ở ngoài
  • Thực hành các bài tập chánh niệm và giải phóng căng thẳng như yoga, thiền, thở sâu
  • Cân bằng công việc và gia đình hợp lý
  • Có được một sở thích giải tỏa căng thẳng như vẽ, viết lách hoặc âm nhạc
  • Yêu cầu hỗ trợ và sự thông cảm từ gia đình, bạn bè
  • Tìm kiếm sự giúp đỡ từ một chuyên gia sức khỏe tâm lý.

3. Bị bệnh vì thiếu ngủ

Ngủ đúng giờ giấc mỗi ngày rất quan trọng đối với sức khỏe tinh thần và thể chất. Nếu bạn bị thiếu ngủ kinh niên, bạn có thể cảm thấy thường xuyên mệt mỏi dẫn đến bị bệnh. Nhiều bệnh mãn tính có thể cản trở giấc ngủ, thường làm tăng các triệu chứng của cả hai tình trạng.

Các triệu chứng phổ biến của thiếu ngủ mãn tính bao gồm:

  • Ngủ ngày
  • Mệt mỏi
  • Khó tập trung
  • Cáu kỉnh và lo lắng
  • Nhiễm trùng thường xuyên hơn và thời gian chữa bệnh lâu hơn

Bạn có thể áp dụng những cách phổ biến để cải thiện tình trạng thiếu ngủ:

  • Thiết lập một lịch trình ngủ nghỉ và tuân thủ ngay cả vào cuối tuần
  • Loại bỏ bất kỳ nguồn gây xao lãng khỏi phòng ngủ, chẳng hạn như thiết bị điện tử
  • Tìm cách điều trị các tình trạng cản trở giấc ngủ thích hợp như ngưng thở khi ngủ, lo lắng và đau mãn tính
  • Tránh uống nước tăng lực và quá nhiều caffeine
  • Thư giãn trước khi ngủ với yoga, thiền, tắm nước ấm hoặc đọc sách.

4. Bị bệnh vì ăn uống thiếu chất

Tình trạng mất nước và suy dinh dưỡng, hoặc có chế độ ăn uống thiếu chất đều gây hại cho cơ thể. Việc thiếu chất dinh dưỡng và nước có thể gây ra nhiều vấn đề, bao gồm:

  • Mệt mỏi mãn tính
  • Hoa mắt chóng mặt
  • Khó tập trung
  • Sức khỏe miễn dịch kém
  • Giảm cân

Các khuyến nghị cho lượng nước uống hàng ngày khác nhau dựa vào độ tuổi, giới tính, tình trạng mang thai và bệnh tật của một người. Hầu hết mọi người nên uống ít nhất 6 đến 8 ly nước mỗi ngày. Nếu bạn nghi ngờ bị mất nước thì nên đến bác sĩ để tìm ra phương pháp điều trị tốt nhất.

Để điều trị và ngăn ngừa suy dinh dưỡng, mọi người nên có chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh, đa dạng thực phẩm như:

  • Các loại ngũ cốc
  • Trái cây và rau quả
  • Các loại đậu, chẳng hạn như đậu khô, đậu lăng và đậu xanh
  • Chất béo lành mạnh, chẳng hạn như trong cá béo, dầu ô liu nguyên chất, hầu hết các loại hạt, trứng nguyên quả, bơ và sô cô la đen.

5. Bị bệnh vì vệ sinh cá nhân kém

Vệ sinh thể chất kém, đặc biệt là răng miệng, có thể gây ra một loạt các triệu chứng khiến ai đó cảm thấy thường xuyên bị bệnh. Vệ sinh kém khiến vi khuẩn dễ dàng phát triển, có thể dẫn đến nhiễm trùng.

Bạn nên chú ý giữ cơ thể, quần áo và giường ngủ sạch sẽ để giúp điều trị và ngăn ngừa hầu hết các bệnh nhiễm trùng liên quan đến vệ sinh kém.

Thực hành thói quen vệ sinh răng miệng chuẩn xác có thể giúp điều trị và giảm đáng kể khả năng phát triển nhiễm trùng nướu và bệnh.

Bạn nên duy trì các thói quen vệ sinh răng miệng tốt:

  • Đánh răng ít nhất hai lần một ngày với kem đánh răng có fluor
  • Dùng chỉ nha khoa thường xuyên
  • Khám răng miệng định kỳ
  • Bỏ hút thuốc lá
  • Tránh thực phẩm và đồ uống có đường.

6. Bị bệnh vì bệnh tự miễn

Bệnh tự miễn là một tình trạng trong đó hệ thống miễn dịch tấn công nhầm lẫn cơ thể. Khi ấy, bạn dễ dàng bị nhiễm trùng, cảm lạnh và cúm. Điều này có nghĩa là những người có bệnh tự miễn có xu hướng cảm thấy bị bệnh thường xuyên hơn và mất nhiều thời gian hơn để khỏi bệnh.

Các tình trạng miễn dịch phổ biến có thể khiến mọi người cảm thấy bị bệnh mọi lúc bao gồm:

  • Lupus
  • HIV
  • Bệnh celiac
  • Bệnh viêm ruột (IBS)
  • Hen suyễn
  • Viêm khớp
  • Dị ứng
  • Bệnh tiểu đường tuýp 1
  • Đa xơ cứng.

Tình trạng tự miễn dịch gây ra nhiều triệu chứng, bao gồm mệt mỏi, phát ban, mất ngủ và các vấn đề về đường tiêu hóa.

Cách duy nhất để điều trị các triệu chứng liên quan đến tình trạng tự miễn dịch là tìm kiếm điều trị y tế và theo dõi tình trạng này.

Ngoài việc cố gắng điều trị dứt điểm các chứng bệnh khiến bạn không khỏe kéo dài thì bạn nên làm việc và nghỉ ngơi điều độ. Đồng thời, bạn cần tập thể dục thường xuyên cũng như ăn uống lành mạnh để tăng cường hệ miễn dịch nhằm tránh bị bệnh nhé.

Hy vọng bài viết đã giúp bạn giải đáp được phần nào thắc mắc “Tại sao bạn thường xuyên bị bệnh?”. Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.

Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn: 6 Secrets of Super-Healthy People

Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất:

Exit mobile version