Site icon Medplus.vn

Ung thư biểu mô tuyến phổi sống được bao lâu?

Ung thư biểu mô tuyến phổi sống được bao lâu?

Trong 2 thập kỷ gần đây, ung thư biểu mô tuyến phổi đã thay thế ung thư tế bào vảy trở thành loại ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC) phổ biến nhất. Mời bạn cùng MedPlus tìm hiểu rõ hơn về căn bệnh này để biết được ung thư biểu mô tuyến phổi sống được bao lâu trong bài viết này nhé!

Tìm hiểu chung

Ung thư biểu mô tuyến phổi là gì?

Ung thư biểu mô tuyến phổi là một loại ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC), chiếm khoảng 40% các trường hợp ung thư phổi. Ung thư biểu mô tuyến phổi thường bắt đầu trong các tế bào tuyến tạo chất nhờn ở vùng rìa ngoài của phổi và niêm mạc của phế quản (đường dẫn khí trong phổi).

Phân loại

Ung thư biểu mô tuyến phổi được phân thành 4 loại bao gồm:

  • Ung thư biểu mô tuyến tại chỗ (AIS).
  • Ung thư biểu mô tuyến xâm lấn tối thiểu (MIA).
  • Ung thư biểu mô tuyến xâm lấn.
  • Các biến thể khác của ung thư biểu mô tuyến.

Ung thư biểu mô tuyến phổi sống được bao lâu sẽ tùy thuộc vào từng loại. Trong số này, ung thư biểu mô tuyến tại chỗ (AIS) và ung thư biểu mô tuyến xâm lấn tối thiểu (MIA) có tiên lượng tốt hơn khi được điều trị sớm.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư biểu mô tuyến phổi

Ung thư biểu mô tuyến phổi sống được bao lâu và các triệu chứng bệnh biểu hiện sẽ tùy thuộc vào giai đoạn bệnh. Bệnh ở giai đoạn đầu thường không có triệu chứng. Bệnh chỉ được vô tình phát hiện khi khám sức khỏe định kỳ và chụp X-quang để chẩn đoán bệnh khác.

Bệnh ở giai đoạn muộn có thể biểu hiện với các triệu chứng không đặc hiệu như sau:

  • Ho
  • Ho ra máu
  • Sụt cân
  • Khó thở
  • Đau ngực, đặc biệt là khi hít thở sâu, ho hoặc cười
  • Khàn giọng khi nói
  • Nhiễm trùng phổi tái phát, như viêm phế quản hoặc viêm phổi
  • Thở khò khè mà không có tiền sử hen suyễn
  • Ăn mất ngon
  • Cảm thấy mệt mỏi hoặc yếu.

Triệu chứng ung thư biểu mô tuyến phổi cũng có thể thay đổi tùy thuộc vào vị trí di căn đến. Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào của ung thư phổi, đặc biệt là người thường xuyên hút thuốc lá, hãy hẹn gặp bác sĩ để được thăm khám sớm.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ung thư biểu mô tuyến phổi là gì?

Một nguyên nhân phổ biến nhất gây ung thư phổi nói chung, và ung thư biểu mô tuyến phổi nói riêng chính là hút thuốc lá. Do có nhiều chất hóa học độc hại, gây ung thư chứa trong khói thuốc lá. Ung thư biểu mô tuyến phổi sống được bao lâu cũng sẽ phụ thuộc vào việc bệnh nhân có hút thuốc lá hay không. Tiên lượng sống sẽ kém đi nếu bệnh nhân hút thuốc lâu ngày và không bỏ thuốc lá sớm.

Tuy nhiên, bệnh cũng có thể được chẩn đoán những người chưa bao giờ hút thuốc lá. Bệnh đặc biệt phổ biến ở những phụ nữ chưa bao giờ hút thuốc và nằm trong độ tuổi dưới 46 tuổi.

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm:

  • Tiền sử gia đình bị ung thư phổi.
  • Mắc các bệnh khác liên quan đến phổi như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).
  • Làm việc và tiếp xúc thường xuyên với các tác nhân gây ung thư phổi khác như silica, amiăng, radon, kim loại nặng và khói diesel…

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế giúp chẩn đoán ung thư biểu mô tuyến phổi

Ung thư biểu mô tuyến phổi sống được bao lâu phụ thuộc rất nhiều vào việc bạn được chẩn đoán và điều trị bệnh sớm hay muộn.

Để chẩn đoán chính xác bệnh, bác sĩ sẽ yêu cầu một trong số các xét nghiệm sau đây:

  • Chụp CT ngực và bụng
  • Chụp X-quang phổi
  • Xét nghiệm chức năng phổi
  • Sinh thiết phổi
  • Nội soi phế quản
  • Xét nghiệm tế bào đờm
  • Chọc dò lồng ngực bằng kim
  • Xét nghiệm máu.

Các xét nghiệm khác để xác định mức độ di căn bao gồm:

  • Các xét nghiệm hình ảnh như chụp CT, chụp X-quang, chụp MRI, chụp PET
  • Sinh thiết hạch bạch huyết trung thất
  • Nội soi trung thất
  • Nội soi lồng ngực
  • Chụp quét xương nếu nghi ngờ ung thư di căn xương
  • Chụp MRI não.

Những phương pháp điều trị ung thư biểu mô tuyến phổi

Ung thư biểu mô tuyến phổi sống được bao lâu còn tùy thuộc vào hiệu quả của phương pháp điều trị được áp dụng. Lựa chọn phương pháp điều trị tùy thuộc vào giai đoạn ung thư, mức độ di căn, tuổi tác và sức khỏe tổng thể của bệnh nhân.

Các lựa chọn điều trị ung thư biểu mô tuyến phổi bao gồm:

Phẫu thuật ung thư

Phẫu thuật là phương pháp điều trị cho bệnh nhân ung thư biểu mô tuyến giai đoạn I đến giai đoạn IIIA. Nếu bệnh nhân có đủ sức khỏe với chức năng phổi đảm bảo, phẫu thuật là cơ hội tốt nhất để chữa khỏi bệnh. Loại phẫu thuật sẽ phụ thuộc vào kích thước và vị trí của khối u, giai đoạn ung thư và sức khỏe tổng thể của bệnh nhân.

Có 3 loại phẫu thuật thường được tiến hành bao gồm:

  • Cắt bỏ tiểu thùy hoặc cắt bỏ sụn chêm (loại bỏ một phần nhỏ của phổi)
  • Cắt bỏ thùy phổi (loại bỏ một hoặc hai thùy phổi)
  • Cắt bỏ toàn bộ một bên phổi.

Sau đó, bệnh nhân có thể tiến hành hóa trị kết hợp xạ trị để ngăn ngừa ung thư tái phát và kiểm soát triệu chứng bệnh.

Xạ trị

Xạ trị là sử dụng chùm bức xạ năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư hoặc thu nhỏ khối u. Xạ trị thường được đưa ra kết hợp với phẫu thuật hoặc hóa trị. Xạ trị cũng thường được chỉ định trong trường hợp khối u đã di căn và không thể phẫu thuật.

Có 2 loại xạ trị mà bác sĩ thường sử dụng là bức xạ bên ngoài và bức xạ bên trong. Loại xạ trị thường được sử dụng để điều trị ung thư phổi không phải tế bào nhỏ, bao gồm cả ung thư biểu mô tuyến phổi là bức xạ bên ngoài. Tức là phương pháp sử dụng bức xạ hướng vào ung thư phổi từ bên ngoài cơ thể.

Hóa trị

Hóa trị là một phương pháp điều trị bằng việc đưa thuốc vào cơ thể thông qua đường truyền tĩnh mạch, nhằm tiêu diệt và ngăn chặn các tế bào ung thư đang phát triển và lây lan nhanh chóng. Hóa trị thường được thực hiện kết hợp với phẫu thuật hoặc xạ trị.

Đối với bệnh nhân ung thư biểu mô tuyến phổi, thuốc hóa trị thường được chỉ định bao gồm: Cisplatin hoặc carboplatin được kết hợp với một loại thuốc hóa trị khác, chẳng hạn như pemetrexed hoặc doctataxel.

Ung thư biểu mô tuyến phổi sống được bao lâu sẽ còn tùy thuộc vào khả năng bệnh nhân có đáp ứng với thuốc và phác đồ hóa trị liệu hay không.

Liệu pháp nhắm mục tiêu

Liệu pháp nhắm mục tiêu là một loại liệu pháp nhắm trực tiếp vào các tế bào ung thư, thay vì tấn công tất cả các tế bào đang phát triển nhanh chóng như hóa trị. Đối với những bệnh nhân bị ung thư di căn, liệu pháp nhắm mục tiêu có thể được chỉ định, nhưng kết quả mang lại không mấy khả quan.

Một số các phương pháp điều trị khác có thể bao gồm:

  • Liệu pháp laser là phương pháp sử dụng một chất hóa học nhạy cảm với ánh sáng đưa vào cơ thể và sau đó chiếu tia laser vào khối u để tiêu diệt các tế bào ung thư.
  • Thuốc ức chế tạo mạch là loại thuốc ngăn chặn sự phát triển của khối u bằng cách ngăn chặn các mạch máu hình thành trong các khối u mới.

Tiên lượng

Ung thư biểu mô tuyến phổi sống được bao lâu?

Ung thư phổi nói chung và ung thư biểu mô tuyến phổi nói riêng có khả năng gây tử vong cao với tỷ lệ sống sót sau 5 năm là trong khoảng từ 12 đến 15%. Đối với ung thư phổi giai đoạn đầu, tỷ lệ sống sót sau 5 năm trong khoảng từ 70-85%. Đặc biệt, nếu ung thư di căn xa, khả năng sống sót sau 5 năm ít hơn 5%. Hơn 80% bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối tử vong sau 5 năm.

Các trường hợp ung thư biểu mô tuyến phổi có tiên lượng xấu hơn nhiều so với ung thư tế bào vảy. Vì vậy, không thể có một câu trả lời chính xác cho thắc mắc ung thư biểu mô tuyến phổi sống được bao lâu. Vấn đề này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như giai đoạn bệnh được chẩn đoán, loại ung thư, mức độ di căn, cũng như tuổi tác, tình trạng sức khỏe tổng thể và khả năng đáp ứng với điều trị của bệnh nhân.

Phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả có thể giúp nâng cao khả năng sống sót cho bệnh nhân. Ngoài ra, việc cai thuốc lá không chỉ giúp giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của ung thư phổi, mà còn làm giảm bệnh tim, đột quỵ và bệnh mạch máu ngoại vi.

Hy vọng bài viết đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc “Ung thư biểu mô tuyến phổi sống được bao lâu?”. Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.

Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn: Lung Adenocarcinoma

Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất:

Exit mobile version