Site icon Medplus.vn

Viêm phúc mạc ruột thừa là gì?

Viêm phúc mạc ruột thừa là gì?

Viêm phúc mạc ruột thừa là một biến chứng nặng và rất hay gặp phải của bệnh viêm ruột thừa cấp. Nếu không phát hiện kịp thời để xử lý khẩn cấp, bệnh nhân có thể bị đe dọa tính mạng.

Nhầm lẫn và bỏ qua các biểu hiện chính là lý do phổ biến nhất dẫn đến việc chậm trễ trong điều trị. Chính vì vậy, bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin để có thể hiểu rõ hơn về tình trạng này.

Tìm hiểu chung

Viêm phúc mạc ruột thừa là gì?

Phúc mạc là màng lớn nhất trong cơ thể, lót mặt trong thành bụng, mặt dưới cơ hoành và mặt trên hoành chậu hông. Phúc mạc bao bọc tất cả các cơ quan trong ổ bụng và hố chậu, bên trong ổ phúc mạc có chứa một ít thanh dịch với mục đích làm giảm sự tiếp xúc giữa các cơ quan.

Ruột thừa là một đoạn ruột nhỏ đường kính từ 0,5-1cm, dài trung bình khoảng 8cm, có cấu trúc dạng túi cùng gắn vào manh tràng (đoạn đầu tiên của ruột già). Vị trí thường thấy của ruột thừa là nằm ở phần bụng dưới bên phải. Tuy nhiên, ruột thừa có mạc treo và rất di động nên một số trường hợp có thể nằm ở giữa ổ bụng, vùng dưới gan phải, nằm giữa các quai ruột non hoặc hiếm hơn là nằm bên trái bụng dưới.

Viêm phúc mạc ruột thừa là tình trạng viêm ruột thừa bị vỡ khiến nhiễm trùng lan sang phúc mạc. Nếu phát hiện sớm, nhiễm trùng phúc mạc có thể chỉ khu trú quanh hố chậu phải ruột thừa. Ngược lại, phát hiện càng chậm trễ thì phạm vi nhiễm trùng càng lan rộng, có thể là nhiễm trùng toàn bộ phúc mạc và ổ bụng gây đe dọa trực tiếp đến tính mạng của bệnh nhân.

Triệu chứng

Triệu chứng viêm phúc mạc ruột thừa

So với viêm ruột thừa cấp, viêm phúc mạc ruột thừa thường gây ra nhiều triệu chứng với mức độ nghiêm trọng hơn. Các triệu chứng có thể gặp bao gồm:

  • Đau bụng. Đây là triệu chứng rõ ràng và dễ nhận biết nhất, thường bắt đầu từ vùng thượng vị, vùng quanh rốn và sau đó lan khắp bụng. Cơn đau bụng do viêm phúc mạc ruột thừa có xu hướng kéo dài liên tục, không chia thành từng cơn như viêm ruột thừa cấp tính. Mức độ đau cũng nặng nề hơn và sẽ tăng khi người bệnh vận động mạnh hoặc ho.
  • Rối loạn tiêu hóa. Phần lớn bệnh nhân có thể bị buồn nôn và nôn khan do phúc mạc bị kích ứng, tuy nhiên sẽ không nôn nhiều. Ngoài ra, ruột bị liệt cơ năng hoặc bị kích thích sẽ gây ra triệu chứng bí trung đại tiện, chướng bụng và tiêu chảy.
  • Co cứng thành bụng. Phúc mạc bị viêm sẽ khiến thành bụng bị co cứng như khúc gỗ. Ấn nhẹ vào sẽ thấy xuất hiện cơn đau và cảm giác rất khó chịu.
  • Sốt cao. Giai đoạn bị nhiễm trùng ở ruột thừa, người bệnh không có dấu hiệu sốt hoặc chỉ sốt nhẹ. Thân nhiệt sẽ tăng cao, đồng thời có kèm theo các triệu chứng khác như khó thở, môi bị khô, hơi thở hôi,… khi nhiễm trùng đã lây lan rộng ra phúc mạc.
  • Nấc. Viêm phúc mạc khiến cơ hoành bị kích thích, từ đó gây ra những cơn nấc liên tục. Tuy nhiên triệu chứng này chỉ xuất hiện trong giai đoạn sớm và nhanh chóng biến mất sau khoảng 1 – 2 giờ.

Chẩn đoán và điều trị

Chẩn đoán viêm phúc mạc ruột thừa

Các biểu hiện của viêm phúc mạc ruột thừa rất có thể bị nhầm lẫn với một số bệnh lý khác như tắc ruột, viêm dạ dày, xoắn ruột,… Để chẩn đoán chính xác, bác sĩ sẽ tiến hành thực hiện:

  • Thăm khám lâm sàng: kiểm tra biểu hiện toàn thân, triệu chứng thực thể cũng như là triệu chứng cơ năng.
  • X-quang ổ bụng: hình ảnh ổ bụng mờ, giãn quai ruột, đầy hơi, thành ruột có độ dày bất thường là các dấu hiệu giúp bác sĩ xác định ruột bị liệt cơ năng.
  • Xét nghiệm máu: công thức máu của bệnh nhân bị viêm phúc mạc ruột thừa thường tăng cao số lượng bạch cầu và hematocit chủ yếu là bạch cầu trung tính. Bên cạnh đó, có sự giảm nồng độ clo, kali và tăng nồng độ ure máu.

Điều trị viêm phúc mạc ruột thừa

Sau khi có kết quả chẩn đoán, bệnh nhân cần được điều trị càng sớm càng tốt, để có thể đảm bảo an toàn tính mạng. Tùy theo từng tình trạng mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp, thông thường sẽ bao gồm 2 giai đoạn:

Chọc hút mủ kết hợp kháng sinh

Bác sĩ thường không đề nghị phẫu thuật cắt ỏ ruột thừa ngay khi nhận thấy nhiễm trùng đã lan sang phúc mạc vì có thường dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Thay vào đó, họ sẽ kiểm soát tình trạng nhiễm trùng bằng biện pháp chọc hút mủ kết hợp với điều trị tích cực bằng kháng sinh.

Thủ thuật chọc hút mủ được tiến hành bằng phương pháp nội soi nhằm loại bỏ mủ vi khuẩn ra khỏi ổ bụng, làm giảm nguy cơ nhiễm trùng lây sang phạm vi lớn hơn. Đồng thời, bác sĩ sẽ đề nghị dùng kháng sinh mạnh, phổ rộng ngay từ đầu để kìm hãm và tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh.

Giai đoạn chọc hút mủ kết hợp kháng sinh có thể kéo dài trong khoảng 7 – 10 ngày hoặc lâu hơn dựa vào mức độ nhiễm trùng và khả năng đáp ứng của từng bệnh nhân.

Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa

Nguyên nhân chính gây viêm phúc mạc ruột thừa thường là do nhiễm trùng ruột thừa. Vì vậy, sau khi tình trạng viêm nhiễm ở phúc mạc đã được kiểm soát hoàn toàn, bệnh nhân có thể được đề nghị cắt bỏ ruột thừa để hạn chế tái phát. Phương pháp này được cho là đem lại hiệu quả cao, có thể giúp điều trị dứt điểm tình trạng viêm phúc mạc.

Có thể cắt bỏ ruột thừa bằng nội soi hoặc mổ mở truyền thống tùy vào tình trạng sức khỏe và nhu cầu của bệnh nhân. Riêng một số trường hợp, khi nghi ngờ có biến chứng bác sĩ sẽ chỉ định mổ mở để có thể quan sát và kịp thời tiến hành các biện pháp xử lý thích hợp.

Phục hồi

Chăm sóc sau điều trị viêm phúc mạc ruột thừa

Hệ miễn dịch, hệ tiêu hóa và thể trạng của bệnh nhân có thể bị nhiều ảnh hưởng sau khi mắc viêm phúc mạc ruột thừa. Ngoài phương pháp điều trị y tế, người bệnh nên áp dụng thêm một số biện pháp chăm sóc tại nhà để nhanh chóng phục hồi sức khỏe:

  • Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng và nâng cao thể trạng. Nên ăn thức ăn dạng lỏng, mềm, dễ tiêu hóa và ít gia vị để tránh gây áp lực cho hệ tiêu hóa.
  • Uống nhiều nước mỗi ngày để bù điện giải và bổ sung lượng nước thất thoát do nhiễm trùng.
  • Nên dành thời gian nghỉ ngơi sau khi thực hiện thủ thuật cắt bỏ hoặc chọc hút mủ. Tránh vận động mạnh và không nên quan hệ tình dục trong thời gian điều trị. Các hoạt động này có thể ảnh hưởng đến vết mổ, gây ra những cơn đau và kéo dài thời gian hồi phục.
  • Hạn chế căng thẳng, lo lắng và suy nghĩ nhiều dẫn đến stress vì có thể kích thích gây ra hiện tượng viêm sưng ở ruột thừa.
  • Có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng thuốc giảm đau nếu các cơn đau vẫn xuất hiện âm ỉ và kéo dài sau khi điều trị.
  • Tuân thủ kiểm tra định kỳ để theo dõi tình trạng và cần liên hệ ngay với bác sĩ nếu có các dấu hiệu bất thường.

Viêm phúc mạc ruột thừa là tình trạng rất nghiêm trọng, bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao nếu không được can thiệp kịp thời. Vậy nên, bạn cần phải nhanh chóng đến bệnh viện để kiểm tra ngay khi cảm thấy cơ thể có bất kỳ biểu hiện nghi ngờ nào. Đặc biệt không được chủ quan đối với các biểu hiện đau bụng kèm sốt, rối loạn tiêu hóa.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.

Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn: Acute Appendicitis and Peritonitis

Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất:

Exit mobile version