Site icon Medplus.vn

8 biến chứng suy thận mạn tính thường gặp

8 biến chứng suy thận mạn tính thường gặp

Suy thận là một bệnh tiến triển và có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan, bộ phận khác. Các biến chứng suy thận mạn và cách để kiểm soát tiến triển của bệnh thận là gì? Hãy cùng MedPlus tìm hiểu ngay nhé!

Các biến chứng suy thận mạn thường gặp

1. Thiếu máu

Khi thận bị suy tức là không tạo ra đủ erythropoietin (EPO). Điều này ảnh hưởng đến khả năng tạo hồng cầu cho cơ thể, dẫn đến thiếu máu. Hiện nay, biến chứng suy thận mạn gây thiếu máu này đã có thể được kiểm soát tốt bởi các chất kích thích tạo máu và sắt (ERAs).

2. Biến chứng suy thận mạn trên tim mạch

Khi bạn mắc các bệnh về thận, tim cần tăng hoạt động để bơm nhiều máu hơn đến thận, từ đó dẫn đến các vấn đề về tim hoặc mạch máu. Các biến chứng của suy thận mạn trên tim mạch có mối quan hệ hai chiều, tức là bệnh thận có thể gây ra bệnh tim và ngược lại. Đối với bệnh nhân suy thận đang lọc máu, các biến chứng tim mạch là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong.

3. Tăng huyết áp

Tăng huyết áp được xem là một trong các biến chứng suy thận mạn nguy hiểm nhất. Tình trạng này có thể góp phần làm tăng tốc độ suy giảm chức năng của thận, phát triển các biến chứng trên tim mạch và dẫn đến tử vong.

Vì vậy có thể nói kiểm soát huyết áp ổn định là một trong những mục tiêu điều trị hàng đầu dành cho bệnh nhân suy thận mạn.

4. Giữ muối và nước

Thận bị suy giảm chức năng làm cho bệnh nhân gặp khó khăn trong hoạt động lọc máu, dẫn đến tình trạng tích tụ chất lỏng và natri trong cơ thể còn gọi là giữ muối và nước. Biến chứng suy thận mạn này không chỉ gây phù nề mà còn góp phần gây tăng huyết áp và dẫn đến bệnh tim mạch.

5. Nhiễm toan chuyển hóa và rối loạn pH

Khi có quá nhiều axit trong máu mà thận không thể thải trừ sẽ dẫn đến rối loạn cân bằng pH. Điều này có thể làm trầm trọng thêm bệnh thận và dẫn đến các vấn đề như mất xương hoặc cơ, cũng như rối loạn nội tiết.

6. Bệnh gout

Gout là một loại viêm khớp gây ra bởi sự tích tụ axit uric tại các khớp, thường là khớp ngón chân. Nguyên nhân suy thận dẫn đến bệnh gout là do thận suy giảm chức năng lọc máu không lọc được axit uric ra khỏi máu. Từ đó dẫn đến hình thành gout. Ngược lại bệnh gout cũng làm tăng khả năng dẫn đến bệnh thận.

7. Biến chứng suy thận mạn: Hội chứng tăng ure máu

Hội chứng tăng urê máu bao gồm một loạt các triệu chứng: Chán ăn, mệt mỏi, suy mòn, ngứa, buồn nôn, hội chứng chân không yên, rối loạn giấc ngủ và rối loạn chức năng tình dục.

Trong đó, ngứa được xem là triệu chứng phổ biến nhất của tình trạng này. Nguyên nhân từ hội chứng ure máu dẫn đến ngứa vẫn chưa được xác định rõ nhưng có thể là do sự tích tụ ure dưới da gây nên.

8. Các vấn đề của xương và rối loạn khoáng chất liên quan đến suy thận

Biến chứng suy thận mạn liên quan đến mất cân bằng khoáng chất máu và các bệnh về xương bao gồm:

  • Thiếu vitamin D và cường cận giáp thứ phát. Suy thận làm cho thận không có khả năng chuyển đổi vitamin D từ dạng không hoạt động thành dạng hoạt động. Từ đó làm cho nồng độ vitamin D và canxi máu giảm, khiến chúng mất cân bằng với khoáng chất trong máu khác là phốt pho. Để “sửa chữa” rối loạn này, tuyến cận giáp sẽ tăng cường hoạt động dẫn đến tuyến cận giáp phì đại và tăng tiết hormone quá mức. Tình trạng này còn gọi là cường cận giáp thứ phát.
  • Tăng nồng độ phốt pho (P) máu. P là khoáng chất kết hợp với canxi và vitamin D giúp giữ cho xương chắc khỏe. Khi canxi và vitamin D giảm gây mất cân bằng. Từ đó làm nồng độ P trong máu cao khiến cho xương của bệnh nhân suy thận yếu và dễ gãy.
  • Tăng nồng độ kali máu. Kali là một khoáng chất có nhiều trong thực phẩm, cần thiết cho sự phát triển của cơ bắp. Nhưng biến chứng của suy thận làm cho kali tích tụ trong máu và gây nên các vấn đề về sức khỏe và nguy hiểm nhất là có nguy cơ gây nhồi máu cơ tim, dẫn đến tử vong.

Phòng tránh các biến chứng suy thận mạn như thế nào?

Suy thận càng được phát hiện sớm thì càng được kiểm soát hiệu quả hơn. Với các biến chứng suy thận mạn, mặc dù không thể ngăn ngừa hoàn toàn nhưng một số lời khuyên sau đây có thể giúp bạn kiểm soát chúng:

  • Kiểm soát huyết áp ở mức ổn định.
  • Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường, kiểm soát đường huyết là quan trọng.
  • Theo dõi sức khỏe thận định kỳ.
  • Uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp với người suy thận.
  • Thường xuyên vận động và tham gia các hoạt động thể chất.
  • Duy trì cân nặng hợp lý.
  • Ngủ đủ giấc.
  • Bỏ hút thuốc lá.
  • Đối phó và kiểm soát căng thẳng và trầm cảm nếu đang gặp phải các tình trạng này.

Hy vọng các thông tin trên đây có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về các biến chứng suy thận mạn để có cách xử trí và phòng tránh các biến chứng này!

Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.

Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn: Complications of chronic kidney disease: current state, knowledge gaps, and strategy for action – PMC

Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất:

Exit mobile version