Site icon Medplus.vn

8 cách giúp trẻ quản lý thời gian hiệu quả

Thời gian là vô giá, vì vậy không bao giờ có thể nói là quá sớm để bắt đầu kỹ năng quản lý thời gian. Ngay khi trẻ vẫn còn nhỏ, bạn hãy giáo dục trẻ biết trân trọng thời gian và dạy cho chúng cách quản lý hiệu quả.

Dưới đây Medplus sẽ chỉ cho bạn 8 cách có thể giúp trẻ học cách quản lý thời gian hiệu quả. 

8 cách giúp trẻ quản lý thời gian hiệu quả (Hình ảnh minh họa)

1. Làm cho việc quản lý thời gian của trẻ trở nên thú vị

Thay vì chỉ hướng dẫn cho trẻ viết một bảng thời gian biểu của những hoạt động trong ngày một cách máy móc, hãy khuyến khích trẻ tận dụng sự sáng tạo của chúng để tô điểm thêm cho những phần thời gian khác nhau bằng màu vẽ.

Ngoài ra, bạn cũng có thể cùng trẻ chơi trò chơi với trẻ những khoảng thời gian cùng ở nhà, thực hiện những hoạt động chung như xem ai dùng bữa nhanh hơn,…

Việc quản lý thời gian của trẻ càng thú vị sẽ giúp cho chúng hiểu hơn về tầm quan trọng của thời gian và sẽ biết cách quản lý thời gian hiệu quả hơn.

2. Bắt đầu quản lý thời gian trước khi trẻ trở thành thanh thiếu niên

Thanh thiếu niên hoàn toàn có khả năng học kỹ năng quản lý thời gian. Tuy nhiên, việc bắt đầu học quản lý thời gian càng sớm thì càng tốt cho trẻ; và bạn sẽ có nhiều thời gian rảnh hơn khi trẻ đã có thể tự quản lý thời gian của chúng một cách hợp lý.

Trẻ học mẫu giáo có thể học cách quản lý thời gian thông qua các nhiệm vụ nhỏ được hoàn thành trong thời gian ngắn như mặc quần áo hoặc dọn dẹp đồ chơi của chúng. Trẻ học cấp một có thể bắt đầu với thời gian đã định sẵn mà trẻ cần hoàn thành những bài tập về nhà và những công việc nhà đơn giản phù hợp với chúng.

3. Chỉ cho trẻ cách đo lường thời gian

Những trẻ biết xem giờ và đọc thời gian cũng không có nghĩa là chúng hiểu cách để đo lường thời gian là như thế nào. Bạn có thể giúp trẻ bằng cách đếm ngược thời gian trong khi trẻ phải hoàn thành một việc gì đó.

Dạy cho trẻ cách đo lường thời gian (Hình ảnh minh họa)

Ví dụ thời gian biểu của trẻ là làm bài tập trong một giờ, thì việc của bạn là thông báo khoảng thời gian còn lại mà trẻ phải làm bài là 30 phút, 15 phút, 5 phút và hết giờ. Việc đếm ngược thời gian có thể giúp trẻ cảm nhận được những phân đoạn thời gian dài ngắn tùy theo số phút mà bạn đã thông báo.

Mục tiêu của việc đo lường thời gian là để trẻ hiểu cảm giác dài ngắn của một giờ, 30 phút hoặc 5 phút. Sau khi trẻ đã có thể hiểu được, thì việc bạn thông báo “Chúng ta sẽ rời đi trong 5 phút tới” sẽ giúp trẻ hiểu được rằng chúng không có thời gian để chơi đùa hoặc xem TV nữa.

4. Giữ kỷ luật quản lý thời gian bằng thời gian biểu

Hãy giúp con bạn thực hiện tính kỷ luật bằng cách giữ trẻ luôn thực hiện đúng những hoạt động trong khung giờ mà chúng đã định trước đó.

Khi trẻ mới bắt đầu học quản lý thời gian, hãy giúp chúng giữ đúng những việc mà chúng đã định sẵn; khi thời gian cho một việc đã qua, hãy bảo trẻ chuyển sang việc tiếp theo cho dù việc hiện tại có đang dang dở như thế nào.

Việc thực hiện theo thời gian biểu chệch đi dù chỉ vài phút cũng có thể khiến trẻ bị chậm lại và kéo theo những việc làm sau đó cũng có thể bị ảnh hưởng.

5. Đừng lên lịch quá nhiều cho con bạn

Một trong những sai lầm phổ biến nhất mà chúng ta mắc phải khi làm cha mẹ là chúng ta cố gắng cho trẻ tham gia vào mọi hoạt động sau giờ học. Tuy nhiên, việc thời gian của các hoạt động sát nhau có thể khiến trẻ cảm thấy quá tải và áp lực, dần dần trẻ không còn khả năng quản lý thời gian nữa.

Cố gắng để trẻ cảm thấy thoải mái trong việc quản lý thời gian, đôi khi trẻ sẽ cần một vài khoảng thời gian trống trong thời gian biểu để chúng có thể tự do làm những điều mà chúng yêu thích.

6. Lên lịch thời gian rảnh

Lập một thời gian biểu và bám sát vào nó là điều quan trọng. Một phần của lịch trình đó nên bao gồm khoảng thời gian rảnh.

Những khoảng thời gian “không cần làm gì” đó là những khoảnh khắc tuyệt vời trong việc học quản lý thời gian. Đây có thể là một khoảng nghỉ cho trẻ để chúng có thể tự do, và cũng để trẻ học được rằng không chỉ là khi có lịch trình cụ thể hoặc hoàn thành một hoạt động có tên, mà quản lý thời gian cũng có nghĩa là trẻ sẽ có thời gian rảnh rỗi để vui chơi.

7. Trao phần thưởng nếu trẻ quản lý thời gian tốt

Bạn có thể chuẩn bị những phần thưởng cho trẻ khi chúng quản lý thời gian tốt và những phần thưởng đó có thể là động lực tuyệt vời để trẻ tiếp tục phát huy. Hãy trao phần thưởng cho trẻ khi có đầy đủ các thành viên trong gia đình để trẻ cảm nhận được ý nghĩa của phần thưởng cũng như việc quản lý thời gian.

Khuyến khích trẻ bằng cách trao phần thưởng (Hình ảnh minh họa)

8. Giúp trẻ thiết lập các ưu tiên hàng ngày

Giúp trẻ hiểu ưu tiên là gì bằng cách hỏi trẻ những việc mà trẻ cho là quan trọng nhất và ít quan trọng nhất. Việc quan trọng nhất là việc trẻ cần phải ưu tiên để thực hiện.

Sau đó, hãy giúp trẻ tổ chức ngày của chúng bằng cách sử dụng phương pháp đầu tiên, tiếp theo, cuối cùng.

Trẻ em nên nghĩ đến những gì đến đầu tiên trong ngày của chúng, chẳng hạn như đánh răng. Tiếp theo, chúng có thể chuyển sang những việc chẳng hạn như chuẩn bị sẵn sách học vào buổi sáng và hoàn thành bài tập về nhà trước khi đi ngủ. Cuối cùng, trẻ nên lập kế hoạch những gì sẽ đến cuối cùng trong ngày, có thể đánh răng trước khi ngủ và chuẩn bị quần áo cho ngày mai.

Giúp trẻ sắp xếp thứ tự ưu tiên cho ngày của chúng là điều chúng có thể sử dụng trong suốt cuộc đời và sẽ giúp chúng hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng nhất được thực hiện hàng ngày và hàng tuần, đồng thời thiết lập từng việc để hoàn thành các mục tiêu dài hạn.

Bắt đầu nhỏ với các ưu tiên hàng ngày trước khi chuyển sang các ưu tiên hàng tuần và hàng tháng, bạn sẽ ngay lập tức giúp con bạn thành công và sớm có những đứa trẻ trở thành bậc thầy về quản lý thời gian.

Nguồn tham khảo: Teaching Your Kids Time Management

Các bài viết có liên quan:

Exit mobile version