Site icon Medplus.vn

Đơn Châu Chấu | Vị Thuốc Chữa Phong Tê Thấp, Thấp Khớp Hay

Đơn châu chấu hay còn gọi là Cây răng, Cây cuồng, Đinh lăng gai, Cẩm giàng (Tày), Cả cây chữa phong thấp tê bại, phù thũng; lá và rễ chữa rắn cắn. Rễ sắc hoặc ngậm chữa viêm amygdal, viêm họng, thấp khớp, viêm gan cấp, viêm bạch hầu, viêm thận phù thũng, viêm sưng vú, vết. Vậy có những bài thuốc trị bệnh hiệu quả từ dược liệu đơn châu chấu hiện nay?  Cách dùng dược liệu này như thế nào? Hãy cùng Medplus tìm hiểu rõ hơn về loại dược liệu này nhé!

Đơn Châu Chấu | Vị Thuốc Chữa Phong Tê Thấp, Thấp Khớp Hay

1. Thông tin dược liệu

Tên thường gọi: Đơn châu chấu; Cây răng; Cây cuồng; Đinh lăng gai; Cẩm giàng (Tày)

Tên khoa học: Aralia armata (Wall.) Seem.

Họ: Thuộc họ Araliaceae (Nhân sâm)

Đặc điểm dược liệu

Cây nhỏ hoặc cây bụi, cao 1 – 2m, thân cành cứng, phân cành toả rộng, phủ đầy gai cong, lá to mọc so le, kép 2 – 3 lần lông chìm, lá chét hình trái xoan hay hình trứng, gốc tròn, đầu nhọn, mép khía răng, hai mặt đều có gai nhỏ trên các gân, cuống lá có bẹ to, nhiều gai nhọn sắc, lá kèm nhỏ.

Cụm hoa mọc ở kẽ lá và đầu cành thành chùy dạng tán, phân nhánh nhiều, phủ đầy gai, hoa nhỏ mầu vàng nhạt hoặc lục vàng, đài có 5 răng hình tam giác, tràng 5 cánh hẹp, nhị 5, bầu hình trứng, 5 ô.

Quả hạch, hình tròn, khi chín màu đen, dài 3 – 4 mm

Mùa hoa quả: tháng 7 – 9.

Bộ phận dùng

Rễ, vỏ rễ, lá, lõi thân.

Thu hái và chế biến

Lá cây đơn châu chấu thường được dùng ở dạng tươi. Rễ, vỏ rễ, thân sau khi thu hoạch, đem rửa sạch, phơi khô và cho vào túi kín để bảo quản.

Phân bố

Ở Việt Nam, đơn châu châu phân bố tương đối rộng rãi từ vùng núi có độ cao khoảng 1500m, đến trung du và đôi khi cả ở vùng đồng bằng. Cây ưa ẩm, ưa sáng và có thể hơi chịu bóng nhất là ở thời kỳ cây con, thường mọc ở ven rừng ẩm, rừng thứ sinh, trên nương rẫy đã bỏ hoang lẫn với những loại cây bụi khác. Cây sinh trưởng mạnh trong mùa hè thu: sau khi quả chín, có hiện tượng rụng lá vào mùa đông, nhất là đối với những cây (thuộc var. pubescens) sống ở vùng núi cao. Đơn châu chấu có nhiều hoa, quả. Quả chín rụng xuống đất hoặc bị chim ăn. Cây con mọc từ hạt quanh gốc cây mẹ được thấy vào tháng 4 – 5. Đơn châu châu có khả năng tái sinh cây chồi sau khi bị chặt phát.

2. Công dụng và tác dụng chính

Thành phần hóa học

Lá đơn châu chấu chứa nước, protid, glucid, xơ, tro, caroten, vitamin C. Rễ chứa nhiều saponin triterpin.

Vỏ rễ  đem chiết với methanol, hỗn dịch cao methanol đem chiết với ether, rồi chiết với butanol bão hòa nước, phần butanol làm sắc ký lấy riêng được 17 saponin kiểu olean.

Rễ con chứa tinh dầu, là một chất lỏng linh động màu da cam, tỷ trọng 0,83, thành phần chủ yếu là camphol.

Tính vị

Theo Đông y, loại thảo dược này có vị hơi đắng, cay, tính ấm.

Quy kinh

Chưa có dữ liệu nghiên cứu.

Tác dụng dược lý

Vỏ rễ đơn châu chấu có những tác dụng:

Vỏ rễ đơn châu chấu đã được nghiên cứu ứng dụng điều trị 50 bệnh nhân viêm màng bồ đào, trong đó, có các thể viêm mống mắt thể mi cấp, viêm màng bồ đào toàn bộ và viêm hắc võng mạc, kết hợp với nhỏ atropin để chống dính. Loại bệnh có kết quả sau khi dùng đơn châu chấu là viêm mống mắt thể mi cấp, loại bệnh đó là viêm màng bồ đào toàn bộ và viêm mống mắt, còn bệnh viêm hắc võng mạc không thay đổi rõ về thực thể. Đơn châu chấu không gây phản ứng phụ.

Trên thế giới, một số loài Aralia khác đã được nghiên cứu về dược lý và ứng dụng điều trị, chúng ta có thể tham khảo để nghiên cứu đối chiếu với đơn châu chấu:

Cồn thuốc rễ A. mandshurica đã được điều trị cho những bệnh nhân về tâm thần và thần kinh. Thuốc có tác dụng bổ và điều hoà hệ thần kinh trung ương trong các chứng bệnh suy nhược tâm thần, trầm cảm, suy nhược tâm thần sau khi bị chấn thương, hội chứng suy nhược tâm thần do bị những bệnh thần kinh mạn tính, đặc biệt trong bênh viêm màng nhện sau khi bị cúm, liệt đương. Thuốc còn có tác dụng kích thích hệ thần kinh trung ương và hệ tim mạch và không gây tác dụng phụ.

Cách dùng và liều lượng

Trong nhân dân, rễ đơn châu chấu được dùng sắc uống và ngậm để chữa ho, viêm họng, viêm amidan. Ngoài ra, còn chữa thấp khớp, rắn cắn, bí đái, sưng vú, phù thang, sốt rét cơn, bạch hầu. Ngày dùng 15 – 20g có khi tới 30g. Dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc khác.

3. Bài thuốc chữa bệnh

Điều trị hen

Lấy 12g rễ đơn châu chấu, 8g rễ cây Ngấy tía, 8g rễ cây Han tía. Đem chúng đi rửa sạch, xắt nhỏ, phơi khô. Sau đó cho vào ấm và sắc lên với nước để uống. Thực hiện thường xuyên sẽ thấy tác dụng mà nó mang lại.

Trị bệnh viêm khớp

Nếu bị viêm khớp và muốn áp dụng cách chữa từ loại thảo dược này, bệnh nhân chỉ cần chuẩn bị khoảng 10 – 30g rễ đơn châu chấu, đem đi rửa sạch rồi sắc nước uống là được. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể phối hợp vị thuốc này cùng với 10g xà cừ, 10g mặt quỷ để tăng hiệu quả.

Chữa ho lâu ngày, viêm amidan, viêm họng

Để trị các bệnh về đường hô hấp như ho, viêm họng, viêm amidan bằng cây đơn châu chấu, bệnh nhân cần thực hiện như sau: Chuẩn bị 20g rễ cây đơn châu chấu, 20g vỏ cây khế chua. Đem chúng đi rửa sạch, thái nhỏ, cho vào ấm và sắc cùng với nước để uống.

Trị sưng vú

Chuẩn bị 20g rễ đơn châu chấu, 20g vỏ rễ cây sản, 20g bồ công anh, 20g kim ngân, 20g lá Mua đỏ. Đem chúng đi giã nát cùng với muối và trộn cùng với nước vo gạo. Lấy hỗn hợp trên để đắp lên vùng bị sưng là được.

Điều trị bệnh bạch cầu, bí đái

Lấy 8 – 12g rễ cây để sắc cùng với nước và uống hàng ngày.

Chữa chứng phù thũng

Chuẩn bị 12g rễ đơn châu chấu, 10 lá cây cối xay, 10g thóc lép đem đi sao vàng, sắc cùng với nước để uống.

Trị rắn cắn

Lấy vỏ của rễ rửa sạch, giã nát để lấy nước uống. Còn bã thì đắp ở bên ngoài.

4. Những điều cần lưu ý khi dùng dược liệu

Trong quá trình điều trị bệnh bằng đơn châu chấu cần lưu ý: Không tự ý sử dụng dược liệu khi chưa có sự hướng dẫn hay đồng ý của thầy thuốc và y bác sĩ.

Đơn Châu Chấu | Vị Thuốc Chữa Phong Tê Thấp, Thấp Khớp Hay

5. Lời kết

Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về Dược Liệu cũng như một số bài thuốc hay về vị thuốc này nhé!

Lưu ý:

  1. Thông tin về dược liệu mang tính chất tham khảo
  2. Quý độc giả không nên tự ý sử dụng phối bài thuốc mà sử dụng
  3. Quý độc giả nên tham vấn ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng, để hạn chế tác dụng phụ và tác dụng không mong muốn

Nguồn: tracuuduoclieu.vn

Xem thêm bài viết:

Exit mobile version