Bố mẹ hãy cùng tìm hiểu các bí kíp tác động đến hành vi của trẻ, để trẻ dễ hợp tác mỗi khi bố mẹ đưa ra đề nghị hoặc hướng dẫn trẻ thực hiện hành vi tốt trong bài viết dưới đây nhé!
Theo bà Alicia Eaton – chuyên gia thôi miên và lập trình ngôn ngữ tư duy, thì chỉ với một chút thay đổi trong ngôn từ là bố mẹ có thể tạo được hiệu ứng “thôi miên”. Rồi trẻ sẽ dễ hợp tác một cách vui vẻ khi bố mẹ cần hướng dẫn hoặc đề nghị trẻ làm gì đó. Nhờ vậy, bố mẹ cũng có thể định hướng hành vi cho trẻ một cách hiệu quả và nhẹ nhàng. Dưới đây chính là những “bí kíp” biến hóa ngôn từ mà bà Eaton chia sẻ, để bố mẹ dễ dàng tác động tới hành vi của trẻ:
1. Sử dụng ngôn ngữ đơn giản để hướng dẫn trẻ
Bố mẹ nên đưa ra những hướng dẫn đơn giản, ngắn gọn và phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Ví dụ, đối với trẻ 1 đến 3 tuổi, có vốn từ chưa nhiều, thì bố mẹ không nên nói dài dòng, mà chỉ cần nói ngắn và dễ hiểu, như: “Con cất đồ chơi đi”. Với trẻ 5 tuổi, bố mẹ có thể nói cụ thể hơn: “Con cất đồ chơi vào các hộp riêng, đúng như ban đầu nhé!”.
2. Luôn bảo trẻ NÊN làm gì, thay vì KHÔNG NÊN làm gì
Khi bố mẹ dùng cách nói phủ định (không được/không nên), thì kết quả thường đi ngược lại với ý muốn của bố mẹ. Còn cách nói khẳng định sẽ dễ đem lại hiệu quả tích cực hơn.
Ví dụ: thay vì hướng dẫn: “Con không được vừa ăn vừa nói như vậy!”, bố mẹ hãy nói: “Con nuốt xong thức ăn rồi mới nói nhé!”.
3. Tạo ra ảo giác về sự lựa chọn
Nếu bố mẹ đã đưa ra những hướng dẫn khẳng định mà vẫn chưa tác động được đến trẻ, hãy tạo ra ảo giác về sự lựa chọn. Đây là những lời đề nghị với giả định rằng trẻ đã đồng ý thực hiện một hành động nào đó. Những lựa chọn được bố mẹ đưa ra chính là dựa trên giả định ban đầu đó, nhưng trẻ lại có cảm giác thoải mái vì thấy mình được quyền tự quyết. Ví dụ, nếu câu nói: “Con thay đồ đi học đi!” không hiệu quả, thì bố mẹ nên nói: “Đến giờ đi học rồi, con thích mặc quần trước hay áo trước?”.
4. Hãy nói như thể trẻ chắc chắn sẽ làm theo lời bố mẹ
Cách nói kiểu “khi nào xong…” sẽ gửi đi thông điệp rằng, bố mẹ mặc định việc đó sẽ được hoàn thành. Ví dụ: “Khi nào con mặc quần áo xong thì mình ăn sáng nhé!”. Điều này cũng giúp trẻ hiểu hơn về trình tự của các hành động.
5. Tạo sự đồng cảm giữa bố mẹ và trẻ
Khi nói chuyện, bố mẹ nên đặt mình vào vị trí của trẻ và ngược lại. Điều này sẽ tạo mối kết nối tích cực giữa bố mẹ và trẻ, khiến trẻ cảm thấy mình được tôn trọng nên sẽ có xu hướng lắng nghe. Ví dụ: bố mẹ nên nói: “Bố mẹ cũng như con, chúng ta đều sẽ bị mệt nếu không ăn uống đúng bữa đấy!”. Cách nói này đặc biệt hiệu quả đối với những trẻ có tính ngang bướng, ít nghe lời bố mẹ.
6. Nói “cảm ơn” trước khi trẻ thực hiện hành động nào đó
Lời cảm ơn trước khi trẻ làm việc gì đó sẽ khiến trẻ có động lực làm ngay, vì vốn dĩ trẻ luôn muốn làm cho bố mẹ vui. Một khi đã nhận lời cảm ơn, trẻ sẽ ít có xu hướng từ chối hoặc phớt lờ đề nghị của bố mẹ. Ví dụ, bố mẹ có thể nói: “Con cất cái áo này vào tủ cho bố nhé, cảm ơn con!”
7. Hãy giải thích lý do của hành động
Bố mẹ không thể đòi hỏi trẻ nghe lời răm rắp khi trẻ chưa hiểu lý do tại sao mình phải làm việc gì đó. Để khuyến khích trẻ thực hiện hành động, bố mẹ nên nói rõ lý do, thường là bằng cách dùng từ “bởi vì”. Ví dụ: “Con đi giày thật nhanh nhé, bởi vì nếu mình chậm chạp thì sẽ dễ bị kẹt xe lắm”.
8. Có phần mở đầu phù hợp cho câu hướng dẫn
Bố mẹ nên bắt đầu mỗi câu hướng dẫn hoặc đề nghị bằng những cụm từ như “mẹ bảo này”, “con nghĩ mà xem”… Bằng cách này, lời chỉ dẫn sẽ được nhấn mạnh, khiến trẻ sẽ tập trung nghe và cảm thấy mình cần làm việc mà bố mẹ nói đến. Ví dụ: “Con nghĩ mà xem, con dọn bàn gọn gàng thì có phải con ngồi tập viết sẽ thoải mái hơn không?”.
9. Đáp lại một cách tích cực khi con than phiền
Khi trẻ quen phàn nàn thì tư duy cũng trở nên tiêu cực. Chính vì vậy, mỗi khi trẻ than phiền, bố mẹ hãy hướng trẻ tìm giải pháp với cách suy nghĩ tích cực. Ví dụ, khi trẻ than vãn: “Con nóng quá”, bố mẹ hãy đáp lại: “Con muốn mát hơn đúng không? Con nghĩ là mở cửa sổ hay cởi bớt áo thì con sẽ thấy dễ chịu hơn nào?”.
Bằng cách xoay chuyển lời than phiền của trẻ, bố mẹ sẽ khiến trẻ bớt thói quen phàn nàn, mà rèn luyện cách suy nghĩ tích cực và hướng đến giải pháp.
10. Giúp trẻ ngừng dùng từ “không thể”
Ai cũng có thể trở nên tốt hơn bằng cách học tập, rèn luyện các kỹ năng cần thiết cũng như sức chịu đựng. Trẻ nhỏ lại càng dễ thay đổi và tiến bộ. Vì vậy, việc trẻ không thể làm điều gì đó cũng chỉ là tạm thời mà thôi.
Chính vì thế, mỗi khi trẻ kêu ca rằng mình không thể làm một việc nhất định, bố mẹ hãy nhắc đến những điểm mạnh của trẻ và những việc trẻ có thể làm. Ví dụ, khi trẻ nói “Xô nước này nặng lắm, con không thể xách nó ra sân được”, bố mẹ hãy đáp lại: “Vì trong xô nhiều nước đấy con ạ, con lấy cái ca múc bớt nước ra là con sẽ xách được nhé!”. Khi bố mẹ loại bỏ suy nghĩ “không thể” ra khỏi tâm trí trẻ, trẻ sẽ có thái độ sống tích cực và tự tin hơn.
Xem thêm bài viết:
- Nên cho trẻ uống sữa ít béo hay sữa nguyên kem?
- Giữ cơm trưa an toàn thực phẩm cho trẻ
- Thể dục cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt
Nguồn: verywellfamily