Ở mỗi lứa tuổi, trẻ sẽ phát triển những khả năng khác nhau trong giao tiếp. Bố mẹ có thể căn cứ vào mốc phát triển của con và thực hiện một số cách dưới đây, chắc chắn sẽ thúc đẩy phát triển kỹ năng giao tiếp của con mình.
1. Đáp lại những cử chỉ, hành động và âm thanh từ con
Khi con giơ tay về phía bố mẹ, bố mẹ nên bế con lên và nói một hai câu đơn giản như: “Con muốn bế à?”. Nếu thấy con nhìn, bố mẹ hãy nhìn lại và trò chuyện với con. Chính những phản hồi đó của bố mẹ (từ khi trẻ còn chưa thực sự hiểu ngôn ngữ) sẽ giúp trẻ nhận ra rằng, việc giao tiếp của mình là quan trọng và hiệu quả. Từ đó, trẻ cố gắng tiếp tục phát triển những kỹ năng giao tiếp này.
2. Trò chuyện và lắng nghe con
Khi trò chuyện với con, bố mẹ cần kiên nhẫn, cho con thời gian để phản hồi. Bố mẹ cũng nên ngồi sao cho có thể nhìn ngang tầm mắt với con, để thể hiện rằng mình đang muốn lắng nghe. Những câu hỏi mở như: “Hôm nay trời mưa, con cảm thấy thế nào?”, “Con nghĩ mưa sẽ đi đâu nhỉ?”…, sẽ khiến trẻ suy nghĩ và trả lời. Nhờ vậy, trẻ sẽ thấy mình giao tiếp tốt và có động lực để làm tốt hơn.
3. Giúp con phát triển kỹ năng giao tiếp và ngôn ngữ
Bố mẹ hãy tham gia chơi và hỏi con thật nhiều để con phát triển kỹ năng ngôn ngữ. Ví dụ: “Con giả làm chú sâu đói bụng à? Con kể cho bố/mẹ nghe những món ăn con thích đi!”.
4. Dạy con về cách giao tiếp phi ngôn ngữ
Bố mẹ nên thường xuyên dạy con về những hình thức giao tiếp không bằng lời. Ví dụ: “Con có thấy bạn che mặt không? Vì bạn không thích con ném bóng mạnh thế đấy! Con ném nhẹ hơn để bạn vẫn muốn chơi cùng con nhé”.
5. Tôn trọng cảm xúc của con
Trẻ sẽ chia sẻ nhiều hơn nếu biết rằng mình sẽ không bị phán xét, trêu chọc hay phê bình. Bố mẹ nên tỏ ra đồng cảm với con, dù có thể phản đối hành vi của con. Ví dụ: “Bố/mẹ biết con sợ ngủ một mình, nhưng con cần nằm trên giường con. Hay bố/mẹ bật nhạc cho con nhé?”).
6. Giúp con có nhiều từ vựng về cảm xúc
Bố mẹ nên dạy con những từ ngữ miêu tả đúng về trải nghiệm, ví dụ: “Con buồn vì bố đi công tác rồi nhỉ!”. Khi trẻ biết rõ cảm xúc của mình và cảm thấy mình được tôn trọng, thì trẻ sẽ dễ chịu hơn.
7. Đọc cùng con
Việc bố mẹ dành thời gian đọc sách cùng con là rất quan trọng. Bố mẹ nên khuyến khích con lật trang, chỉ tay vào hình, hỏi con về cảm xúc của nhân vật, cùng con đoán những gì sắp xảy ra trong truyện… Trẻ cũng nên được tự chọn sách để tăng thêm hứng thú. Việc đọc sách không chỉ giúp trẻ phát triển các kỹ năng ngôn ngữ, mà còn cho trẻ thấy rằng bố mẹ coi trọng sở thích và lựa chọn của mình. Từ đó, trẻ sẽ có niềm yêu thích đọc sách một cách tự nhiên.
8. Miêu tả việc mình đang làm
Bố mẹ đang làm gì thì nói luôn với con về việc đó, để giúp con kết nối từ ngữ với đồ vật và hành động. Ví dụ: “Mẹ đang rửa tay đây. Đổ ít xà phòng vào tay nào!”. Khi trẻ biết nói, bố mẹ có thể tạo thói quen là các thành viên trong gia đình đều kể về những việc đã xảy ra trong ngày.
9. Khuyến khích con chơi trò đóng vai
Trẻ thường sẽ thể hiện bản thân thoải mái hơn khi chơi trò đóng vai. Đây là cơ hội để trẻ hóa thân vào nhiều vai khác nhau, giúp phát triển các kỹ năng ngôn ngữ và xã hội.
10. Đưa ra những yêu cầu rõ ràng, phù hợp với lứa tuổi, khả năng của con
Tùy vào lứa tuổi của con mà bố mẹ nên đưa ra các chỉ dẫn gồm một hay hai bước. Trước khi đưa chỉ dẫn, bố mẹ hãy thu hút sự chú ý của con bằng cách gọi tên hoặc chạm nhẹ và nhìn vào mắt con. Với trẻ lớn, bố mẹ nên đề nghị con lặp lại yêu cầu, để đảm bảo rằng con đã nghe và hiểu rõ.
11. Hãy là một tấm gương tốt
Trẻ nhỏ luôn quan sát người lớn. Nên nếu bố mẹ tỏ ra tôn trọng và lịch sự khi trò chuyện với người khác, thì con cũng sẽ làm theo và lấy lối ứng xử đó làm tiêu chuẩn khi lớn lên.
Xem thêm bài viết:
- Nên cho trẻ uống sữa ít béo hay sữa nguyên kem?
- Giữ cơm trưa an toàn thực phẩm cho trẻ
- Thể dục cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt
Nguồn: verywellfamily