Ung thư phổi là căn bệnh trong đó xuất hiện một khối u ác tính được mô tả qua sự tăng sinh tế bào không thể kiểm soát trong các mô phổi. Nếu người bệnh không được điều trị, sự tăng trưởng tế bào này có thể lan ra ngoài phổi đến các mô hoặc bộ phận khác của cơ thể.
Dưới đây là 25 sự thật và 5 lầm tưởng về bệnh ung thư phổi mà Medplus đã tổng hợp: Nguyên nhân, tỷ lệ sống sót, các triệu chứng và hơn thế nữa. Một số sự thật có thể là những điều bạn đã biết, nhưng có những sự thật có thể sẽ khiến bạn ngạc nhiên đấy.
Sự thật về ung thư phổi
1. Ung thư phổi là loại ung thư phổ biến nhất trên thế giới.
Trong năm 2015, có gần 1,7 triệu ca tử vong trên toàn thế giới vì ung thư phổi.
2. Tại Hoa Kỳ, ung thư phổi là loại ung thư phổ biến thứ hai.
Ung thư tuyến tiền liệt phổ biến hơn ở nam giới, trong khi ung thư vú phổ biến hơn ở phụ nữ.
3. Trong năm 2017, ước tính có 222.500 ca mới được chẩn đoán ung thư phổi ở Hoa Kỳ.
4. Tuy nhiên, trong vòng 10 năm qua, tỷ lệ các ca ung thư phổi mới đã giảm xuống mức trung bình 2%/ năm.
5. Ung thư phổi giai đoạn đầu có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào.
Điều này có nghĩa là ung thư phổi thường chỉ được phát hiện ở các giai đoạn sau.
6. Ho mãn tính là triệu chứng phổ biến nhất của ung thư phổi giai đoạn đầu.
Cơn ho này có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn theo thời gian.
7. Các khối u trên đỉnh phổi có thể ảnh hưởng đến dây thần kinh mặt, gây ra các triệu chứng như sụp mí mắt hoặc không đổ mồ hôi ở một bên mặt.
Nhóm các triệu chứng này được gọi là hội chứng Horner.
8. Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi.
Khoảng 80% trường hợp tử vong do ung thư phổi là vì hút thuốc.
9. Ngay cả khi bạn không hút thuốc, tiếp xúc với khói thuốc có thể làm tăng nguy cơ ung thư phổi.
Khói thuốc gây ra khoảng 7.000 ca tử vong do ung thư phổi mỗi năm.
10. Bỏ thuốc lá giúp giảm nguy cơ ung thư phổi, ngay cả khi bạn đã hút thuốc trong một thời gian dài.
11. Nguyên nhân thứ hai gây ra bệnh ung thư phổi là radon – một loại khí có trong tự nhiên.
Hít thở nó sẽ khiến phổi của bạn tiếp xúc với một lượng nhỏ bức xạ. Radon có thể tích tụ trong nhà của bạn, vì vậy việc kiểm tra radon là rất quan trọng.
12. Nguy cơ ung thư phổi tăng lên khi bạn già đi.
Hầu hết các trường hợp được chẩn đoán ở những người trên 60 tuổi.
13. Để chẩn đoán ung thư phổi, bác sĩ sẽ chụp X-quang hoặc chụp CT để xem bạn có khối u trong phổi hay không.
Bác sĩ có thể sẽ làm sinh thiết để xem liệu khối u có phải là ung thư hay không.
14. Các bác sĩ có thể làm các xét nghiệm di truyền trên khối u của bạn, điều này cho họ biết DNA trong khối u của bạn đã bị đột biến hoặc thay đổi bằng cách nào.
Điều này có thể giúp tìm ra một liệu pháp nhắm mục tiêu hơn.
15. Có nhiều phương pháp điều trị ung thư phổi.
Chúng bao gồm hóa trị, phẫu thuật, xạ trị , xạ phẫu và điều trị bằng thuốc nhắm mục tiêu.
16. Có bốn loại phẫu thuật cho bệnh ung thư phổi.
Trong một số trường hợp, chỉ khối u và một phần nhỏ của mô xung quanh nó được loại bỏ. Ở những người khác, một trong năm thùy của phổi bị cắt bỏ. Nếu khối u gần giữa ngực, bạn có thể cần phải cắt bỏ toàn bộ phổi.
17. Liệu pháp miễn dịch có thể được sử dụng để điều trị ung thư phổi không phải tế bào nhỏ.
Liệu pháp miễn dịch là một loại điều trị ngăn chặn các tế bào ung thư làm tắt một phần của hệ thống miễn dịch được gọi là tế bào T. Khi các tế bào T tiếp tục hoạt động, chúng nhận ra các tế bào ung thư là “ngoại lai” với cơ thể bạn và tấn công chúng. Liệu pháp miễn dịch cho các loại ung thư phổi khác hiện đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng.
18. Có ba loại ung thư phổi: Không phải tế bào nhỏ, tế bào nhỏ và khối u carcinoid phổi.
Tế bào không nhỏ là loại phổ biến nhất, chiếm khoảng 85% ung thư phổi.
19. Các khối u carcinoid phổi chiếm ít hơn 5% các ca ung thư phổi.
20. Các giai đoạn ung thư cho bạn biết mức độ di căn của ung thư.
Ung thư phổi không tế bào nhỏ có bốn giai đoạn. Trong giai đoạn đầu, ung thư chỉ ở phổi. Trong giai đoạn thứ tư, ung thư đã lan đến cả hai phổi, dịch xung quanh phổi hoặc đến các cơ quan khác.
21. Ung thư phổi tế bào nhỏ có hai giai đoạn chính.
Đầu tiên là giai đoạn giới hạn, nơi ung thư chỉ ở một phổi, nó cũng lan đến một số hạch bạch huyết gần đó. Thứ hai là giai đoạn rộng, nơi ung thư đã di căn sang phổi khác, dịch xung quanh phổi, và có khả năng đến các cơ quan khác.
22. Ung thư phổi gây tử vong nhiều hơn bất kỳ loại ung thư nào khác ở cả nam và nữ.
Nó gây ra nhiều ca tử vong hơn mỗi năm so với ung thư ruột kết, ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt cộng lại.
23. Tuổi và giới tính đều có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ sống sót.
Nhìn chung, những người trẻ hơn và phụ nữ có tỷ lệ sống sót tốt hơn.
24. Nếu ung thư phổi được phát hiện trước khi nó lan ra ngoài phổi, tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 55%.
25. Nếu ung thư đã di căn đến các bộ phận khác của cơ thể, tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 4%.
Những lầm tưởng về ung thư phổi
1. Bạn không thể bị ung thư phổi nếu bạn không hút thuốc.
Hút thuốc lá gây ra hầu hết các trường hợp ung thư phổi. Tuy nhiên, tiếp xúc với radon, amiăng, các hóa chất độc hại khác và ô nhiễm không khí cũng như khói thuốc lá thụ động cũng có thể gây ung thư phổi. Tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư phổi cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
2. Một khi bạn là người hút thuốc, bạn không thể giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi.
Ngay cả khi bạn đã hút thuốc trong một thời gian dài, bỏ hút thuốc có thể làm giảm nguy cơ ung thư phổi. Phổi của bạn có thể bị một số tổn thương vĩnh viễn, nhưng bỏ thuốc lá sẽ giúp chúng không bị tổn thương nhiều hơn.
Ngay cả khi bạn đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi, bỏ hút thuốc có thể giúp bạn đáp ứng tốt hơn với điều trị. Thêm vào đó, bỏ thuốc lá tốt cho sức khỏe của bạn theo nhiều cách. Nhưng nếu bạn hút thuốc trong một thời gian dài, bạn nên đi kiểm tra, ngay cả khi bạn đã bỏ thuốc lá.
3. Ung thư phổi luôn gây chết người.
Bởi vì ung thư phổi thường được phát hiện ở giai đoạn sau, sau khi đã di căn, tỷ lệ sống sót sau 5 năm rất thấp. Nhưng ung thư ở giai đoạn đầu không chỉ có thể điều trị được mà thậm chí còn có thể chữa khỏi. Và nếu bệnh ung thư của bạn không thể chữa khỏi, điều trị có thể giúp kéo dài tuổi thọ và giảm bớt các triệu chứng của bạn.
Nếu bạn có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào, hãy nói chuyện với bác sĩ về việc khám sàng lọc. Việc này có thể giúp phát hiện ung thư phổi sớm hơn. Bạn cũng nên đến gặp bác sĩ nếu cơn ho không thuyên giảm và trở nên tồi tệ hơn theo thời gian.
4. Để ung thư phổi tiếp xúc với không khí hoặc cắt bỏ nó trong khi phẫu thuật sẽ khiến nó di căn.
Ung thư phổi thường di căn đến các bộ phận khác của phổi, các hạch bạch huyết gần phổi và các cơ quan khác. Tuy nhiên, phẫu thuật không làm cho bất kỳ loại ung thư nào lây lan. Thay vào đó, ung thư lây lan do các tế bào trong khối u phát triển và nhân lên mà cơ thể không bị ngăn chặn.
Phẫu thuật thực sự có thể chữa khỏi ung thư phổi ở giai đoạn đầu, khi nó trú ngụ ở phổi hoặc ở một số các hạch bạch huyết gần đó.
5. Chỉ những người lớn tuổi bị ung thư phổi.
Ung thư phổi phổ biến hơn nhiều ở những người trên 60 tuổi. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là những người dưới 60 tuổi không bao giờ mắc bệnh này. Ví dụ: nếu bạn hiện tại 30 tuổi, bạn có nguy cơ bị ung thư phổi trong 20 năm tới là 0,16%.
Kết luận
Khi bạn được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi, hãy bình tĩnh tìm hiểu về căn bệnh này và chăm sóc bản thân tốt nhất có thể. Bên cạnh đó, bạn hãy trao đổi với bác sĩ của mình. Họ sẽ giúp bạn tìm ra liệu trình điều trị tốt nhất và có thể giáp đáp thắc mắc của bạn về căn bệnh này.
Và nếu bạn là người nghiện thuốc lá nặng hoặc có các yếu tố nguy cơ khác của ung thư phổi, hãy nói chuyện với bác sĩ về việc khám sàng lọc và các biện pháp phòng ngừa khác, bao gồm cả việc bỏ hút thuốc.