Bong gân là chấn thương rất thường gặp ở những người chơi thể thao hoặc lao động chân tay. Tuy không quá nguy hiểm nhưng nếu người bệnh không được áp dụng đúng cách điều trị bong gân thì cũng dẫn đến nhiều hậu quả xấu.
Vậy có những phương pháp điều trị bong gân nào? Có thể tự chữa bong gân tại nhà không? Khi nào cần đến bệnh viện? Bong gân có phải phẫu thuật không? Tất cả thắc mắc sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây, hãy cùng theo dõi ngay nhé!
Yếu tố quyết định cách điều trị bong gân
Đầu tiên, việc điều trị bong gân sẽ phụ thuộc vào mức độ chấn thương của bạn. Bong gân cũng được chia thành nhiều cấp độ, cụ thể như sau:
- Bong gân nhẹ: chỉ có giãn dây chằng
- Bong gân mức trung bình: dây chằng giãn và rách một phần
- Bong gân nghiêm trọng: đứt dây chằng
Ngoài ra, còn có một số yếu tố khác như:
- Tuổi, sức khỏe tổng quát và tiền sử y tế của người bệnh
- Khả năng chịu đựng của bệnh nhân trước các loại thuốc, thủ thuật hoặc liệu pháp cụ thể
- Mong muốn, ý kiến của người bệnh về quá trình điều trị chấn thương
4 cách điều trị bong gân phổ biến hiện nay
Điều trị bong gân tại nhà
R.I.C.E là cách điều trị bong gân tại nhà được áp dụng đối với những trường hợp chấn thương nhẹ. Quy trình thực hiện cụ thể như sau:
Nghỉ ngơi (Rest):
Đây là nguyên tắc quan trọng đầu tiên khi điều trị bong gân cũng như các dạng chấn thương khác. Lúc này, bạn cần hạn chế vận động và dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn để phần dây chằng bị tổn thương lành lại.
Chườm lạnh (Ice):
- Sử dụng một túi chườm lạnh hoặc bọc đá vào trong khăn
- Chườm lên vùng bị thương khoảng 10 phút
- Thực hiện đều đặn từ 4-8 lần/ngày
Lưu ý: Không nên chườm lâu hơn 20 phút để tránh việc bị bỏng lạnh. Khi bắt đầu cảm thấy tê hoặc khó chịu, bạn nên ngừng chườm lạnh.
Băng ép (Compression):
Người bệnh có thể sử dụng băng để quấn quanh vùng bị chấn thương sẽ giúp giảm sưng.
Nếu bị chấn thương ở tay và cánh tay, bạn có thể quấn từ các ngón tay về phía vai. Ngược lại, nếu bong gân ở chân hoặc đầu gối, bạn hãy quấn từ vùng ngón chân đến bẹn để ngăn ngừa sưng tấy lan rộng.
Băng nên được quấn khít nhưng không quá chặt vì nó sẽ gây khó chịu cũng như cắt đứt việc lưu thông của máu.
Đơn giản hơn, bạn có thể thay thế băng quấn bằng vớ nén.
Nâng cao vùng bị bong gân (Elevation):
Đối với bong gân mắt cá chân, bạn nên cao chân ở trên mức của tim sẽ giảm sưng rất hiệu quả. Có thể kê lên ghế, gối, chăn…
Điều trị bong gân bằng thuốc giảm đau
Đây cũng là một cách điều trị bong gân tại nhà song song với liệu pháp R.I.C.E. Thuốc giúp giảm sưng đau với nhiều dạng khác nhau như viên nén, kem hoặc gel để thoa lên da, và thuốc xịt giảm sưng. Trong đó, paracetamol và thuốc chống viêm không steroid NSAID là những loại thuốc giảm đau thường dùng nhất.
Các NSAID (aspirin, ibuprofen, diclofenac, …) có tác dụng giảm đau ngang bằng với paracetamol. Tuy nhiên NSAID và cả paracetamol đều có một tỷ lệ gặp phải tác dụng phụ trên đường tiêu hóa.
Riêng trong nhóm NSAID, diclofenac giảm đau hiệu quả hơn so với piroxicam và ibuprofen ở ngày 1 và ngày 2 trong quá trình vận động ở những bệnh nhân bị bong gân cấp tính từ nhẹ đến nặng và tỷ lệ biến chứng như nhau.
Phẫu thuật để điều trị bong gân
Phần lớn trường hợp bong gân đều có thể điều trị mà không cần đến phẫu thuật. Tuy nhiên, với chấn thương nặng thì cần phải phẫu thuật để khâu lại phần dây chằng bị rách. Trước khi đưa ra quyết định phẫu thuật, các bác sĩ sẽ cân nhắc các yếu tố như:
- Đánh giá mức độ tổn thương
- Khả năng chữa lành khi áp dụng phẫu thuật và không phẫu thuật
- Những yếu tố nguy cơ có thể xảy ra do phẫu thuật
Ngoài ra, bác sĩ cũng dựa trên độ tuổi và cường độ vận động hàng ngày của người bệnh để đưa ra lộ trình hồi phục sau phẫu thuật thích hợp nhất.
Phẫu thuật chủ yếu dành riêng cho những bệnh nhân thường xuyên gặp sự mất vững của dây chằng, do đó dễ dẫn đến chấn thương tái phát và những người không đáp ứng với vật lý trị liệu. Tác dụng lâu dài của điều trị phẫu thuật tương đương với các phương pháp điều trị bảo tồn khác. Phẫu thuật giúp ngăn ngừa bong gân tái phát.
Tuy nhiên, một tỷ lệ lớn bệnh nhân bong gân đáp ứng tốt với các chương trình điều trị không phẫu thuật, tránh can thiệp xâm lấn không cần thiết, tiết kiệm chi phí.
Vật lý trị liệu
Tập vật lý trị liệu cũng là một cách điều trị sau bong gân rất được khuyến khích. Bởi đây là dạng chấn thương cần nhiều thời gian để chữa lành. Chuyên gia vật lý trị liệu sẽ gợi ý bài tập củng cố sức mạnh và giữ thăng bằng (trong trường hợp bị bong gân mắt chân và đầu gối) dựa trên tình trạng thực tế của chấn thương. Bên cạnh đó, họ cũng hướng dẫn thêm các hình thức tập luyện tại nhà.
Vật lý trị liệu sẽ giúp bạn quay trở lại tập thể dục hoặc tham gia các hoạt động thể thao hằng ngày một cách bình thường. Thậm chí là các khớp bị ảnh hưởng còn khoẻ hơn lúc ban đầu. Ngoài ra, liệu pháp này còn làm giảm nguy cơ gặp chấn thương trở lại.
Các chương trình tập vật lý trị liệu chủ yếu bao gồm các bài tập thần kinh cơ và cảm thụ, được bắt đầu sớm sau một đợt chấn thương cấp tính. Phương pháp này có thể làm giảm tỷ lệ chấn thương tái phát, cũng như tỷ lệ mất ổn định chức năng dây chằng. Hơn nữa, tập vật lý trị liệu cho thời gian phục hồi nhanh, cải thiện sức mạnh gân cơ giúp ta trở lại làm việc và luyện tập thể thao trong thời gian sớm hơn.
Khi nào người bị bong gân cần đi khám bác sĩ?
Người bị bong gân cũng cần đến gặp bác sĩ nếu:
- Quá lo lắng về tình trạng của mình
- Bị đau dữ dội, không thể dồn sức lên vùng khớp bị thương
- Khu vực gặp chấn thương bị biến dạng, có cục u và vết sưng. Có sự bất đối xứng giữa khớp bị thương với khớp bình thường
- Không thể cử động khớp bị thương
- Có cảm giác tê ở bất kỳ phần nào thuộc vùng bị thương
- Xuất hiện mẩn đỏ hoặc những vết đỏ đang lan rộng ra từ chỗ bị chấn thương.
- Bị đau, sưng hoặc tấy đỏ trên một phần xương bàn chân.
Điều trị bong gân cần bao lâu để hồi phục?
Bên cạnh phương pháp điều trị bong gân thì thời gian chữa trị cũng là vấn đề rất được nhiều người quan tâm. Trên thực tế, thời gian hồi phục còn phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương.
Nếu chỉ bị bong gân nhẹ, người bệnh có thể hồi phục nhanh chóng sau khoảng hai tuần. Với trường hợp bong gân nghiêm trọng cần đến 12 tuần để bình phục. Phẫu thuật rách dây chằng và việc phục hồi sau phẫu thuật sẽ cần nhiều thời gian nhất.
Nhìn chung, điều trị bong gân và thời gian hồi phục sẽ phụ thuộc vào mức độ chấn thương. Với cấp độ nhẹ thì bạn có thể áp dụng R.I.C.E để tự điều trị tại nhà. Song, nếu chấn thương nặng, lâu hồi phục hoặc có chuyển biến xấu thì bạn cần đến gặp bác sĩ để có biện pháp xử lý kịp thời nhé!
Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.
Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Nguồn: Treatment of sprains
Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất: