Một số trẻ nhạy cảm dễ dàng khóc lóc khi mọi chuyện không diễn ra theo ý mình. Bố mẹ hãy tìm hiểu và kiên nhẫn khi nuôi dạy trẻ nhạy cảm để giúp trẻ kiểm soát cảm xúc của mình nhé!
Thế nào là trẻ nhạy cảm?
Trẻ nhạy cảm thường dễ xúc động và có thể tỏ ra yếu đuối về cảm xúc hơn mức bình thường. Trẻ có thể dễ dàng bật khóc khi mọi chuyện không như mong muốn của mình. Tuy nhiên, mặt tích cực là trẻ nhạy cảm thường có tính cách hiền hòa, biết cảm thông và rất sáng tạo.
Thấu hiểu trái tim mềm yếu của trẻ
Trẻ nhỏ chưa thể hiểu và mô tả cảm xúc của mình một cách rõ ràng, nên trẻ nào cũng có lúc khóc lóc. Nhưng nếu trẻ khóc nhiều hơn mức bình thường, vì cả những chuyện nhỏ nhặt, thì rất có thể tính khí bẩm sinh của trẻ là quá nhạy cảm.
Các nghiên cứu của Đại học Harvard cho thấy, có nhiều trẻ sơ sinh nhạy cảm với âm thanh mới và những người lạ. Trong đó, 10% trẻ mà thể hiện sự nhạy cảm mạnh nhất ở giai đoạn 16 tuần tuổi thì khi lớn lên cũng vẫn giữ nguyên mức độ nhạy cảm về mặt cảm xúc.
Những trẻ có khả năng cảm nhận cảm xúc một cách sâu sắc như vậy đôi khi sẽ khiến bố mẹ phiền lòng. Tuy nhiên, đây lại cũng là đặc điểm rất đáng quý. Bởi trẻ nhạy cảm cũng sẽ rất dễ đồng cảm với người khác và trở thành những người bạn biết cảm thông.
Phản ứng đúng cách với trẻ nhạy cảm
Có những lúc trẻ quá nhạy cảm và ủ rũ, khóc lóc vì chuyện cỏn con, thì bố mẹ đừng nên can thiệp ngay. Bởi hành động trợ giúp lập tức của bố mẹ sẽ khiến trẻ dần mất đi sự tự tin vào khả năng giải quyết vấn đề của mình.
Bố mẹ cũng nên tránh dỗ dành hay bắt trẻ ngừng khóc, vì như thế chỉ khiến trẻ khóc nhiều hơn mà thôi. Trẻ nhạy cảm thường rất giỏi nhận ra cảm xúc của bố mẹ. Nếu bố mẹ căng thẳng, trẻ sẽ cho rằng điều đang khiến mình khó chịu thực sự là điều đáng để căng thẳng. Vì vậy, cảm xúc của trẻ sẽ càng trở nên tiêu cực.
Để giúp trẻ kiểm soát cảm xúc tốt hơn, bố mẹ hãy nói bằng giọng nửa đùa nửa thật: “Đóng băng nào!”, để trẻ ngừng khóc. Sau đó, bố mẹ hãy bảo trẻ hít thở sâu rồi “thổi” những cảm xúc tiêu cực ra, như một con rồng phun lửa vậy. Cách này sẽ giúp phân tán sự tập trung của trẻ, khiến trẻ bình tĩnh lại.
Giúp trẻ quên đi vấn đề tiêu cực
Hướng trẻ sang một hoạt động khác cũng là việc bố mẹ nên làm. Chẳng hạn, bố mẹ hãy bảo trẻ rằng, khi nào thấy mình sắp khóc, hãy đếm thật to từ 1 đến 10. Trẻ 3-4 tuổi vẫn cần một mức độ tập trung nhất định để có thể đếm số, nên khi đếm thì trẻ sẽ quên luôn vấn đề đã khiến mình khó chịu.
Khi trẻ đã bình tĩnh lại, bố mẹ có thể hỏi trẻ xem nguyên nhân nào khiến trẻ buồn bã, để bố mẹ còn giúp trẻ tìm cách giải quyết. Ví dụ, trẻ nói rằng: “Con buồn vì bạn Linh không muốn chơi với con”, thì bố mẹ có thể hỏi: “Vậy con có thể làm gì để khiến mình vui hơn?”. Nếu trẻ không nghĩ ra ý tưởng nào, bố mẹ hãy gợi ý một số hoạt động khiến trẻ vui vẻ như mời bạn khác qua nhà cùng chơi, hoặc đọc sách…
Chỉ cần luyện tập một chút, trẻ sẽ sớm biết tìm ra nhiều giải pháp mà không cần tới sự giúp đỡ của người lớn nữa.
Một số yếu tố khác có thể khiến trẻ trở nên nhạy cảm hơn
Ngay cả những trẻ không hay khóc nhè cũng có thể có những giai đoạn mà trẻ trở nên nhạy cảm hơn. Nhất là khi cuộc sống của trẻ có những thay đổi lớn như chuyển nhà, mẹ sinh thêm em bé…
Trong những trường hợp này, bố mẹ nên nghĩ xem trẻ có bị thiếu ngủ hay có giờ giấc ăn uống lộn xộn không. Những xáo trộn trong nếp sinh hoạt đều có thể khiến trẻ khó chịu, cáu kỉnh.
Bên cạnh đó, bố mẹ cũng có thể cần cho trẻ gặp bác sĩ để xem liệu trẻ có mắc bệnh gì không. Chẳng hạn, bệnh nhiễm trùng tai mãn tính hay bệnh chậm nói cũng có thể khiến trẻ dễ khóc.
Mặc dù bố mẹ có thể không thay đổi được tính cách nhạy cảm của trẻ, nhưng rồi trẻ cũng sẽ dần trưởng thành, mạnh mẽ hơn và kiểm soát cảm xúc tốt hơn. Khi được khoảng 6-7 tuổi, trẻ cũng sẽ tự biết kiềm chế vì thấy rằng bạn bè sẽ thích chơi với mình hơn nếu mình không hay khóc lóc.
Trẻ nhạy cảm khi trưởng thành sẽ còn có thể đặt những cảm xúc sâu sắc của mình vào đúng chỗ. Chẳng hạn, trẻ biết dồn cảm xúc vào những bản nhạc khi tập chơi đàn, hoặc vào những hành động tử tế khi gặp những người bạn kém may mắn. Vì vậy, bố mẹ hãy kiên nhẫn và tìm hiểu cách dạy trẻ nhạy cảm thật phù hợp nhé!
Xem thêm bài viết:
- Nên cho trẻ uống sữa ít béo hay sữa nguyên kem?
- Giữ cơm trưa an toàn thực phẩm cho trẻ
- Thể dục cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt
Nguồn: verywellfamily