Kỹ năng kể chuyện giúp thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển ngôn ngữ của trẻ. Vậy bố mẹ có thể làm gì để giúp trẻ phát triển kỹ năng kể chuyện?
Gợi ý chủ đề cho trẻ
Bố mẹ hãy cắt tranh ảnh từ báo, tạp chí, hộp đựng thức ăn và dán vào cuốn sổ, rồi dựa vào đó để gợi ý chủ đề cho trẻ kể chuyện. Chẳng hạn, từ hình một quả cà chua, bố mẹ có thể gợi ý cho trẻ nói về bác nông dân và khu vườn.
Cùng trẻ chơi trò lấy đồ và kể chuyện
Bố mẹ hãy chuẩn bị một túi đựng nhiều thứ đồ như cúc áo, cái lá, bút… rồi nhặt ra một món đồ bất kỳ và kể một câu chuyện về món đồ đó. Tiếp theo, bố mẹ bảo trẻ nhặt một món đồ bất kỳ khác và kể thêm vào. Bố mẹ và trẻ cứ lần lượt làm như vậy cho đến khi hết đồ trong túi. Câu chuyện kể theo cách này đôi khi không có nhiều ý nghĩa nhưng sẽ đem lại nhiều tiếng cười cho cả bố mẹ và trẻ.
Cho trẻ nối tiếp từng câu
Bố mẹ có thể mở đầu từng câu một để trẻ nói tiếp và hoàn thành câu đó. Bằng cách này, bố mẹ sẽ giúp trẻ biết cách tạo ra một câu chuyện có cấu trúc hợp lý. Ví dụ, bố mẹ bắt đầu: “Ngày xửa ngày xưa…” rồi để trẻ nói nốt câu đó. Rồi bố mẹ tiếp: “Và hằng ngày…”, và lại để trẻ nói tiếp. Cấu trúc đầy đủ cho một câu chuyện có thể như sau:
Ngày xửa ngày xưa…
Và hằng ngày,…
Cho đến một ngày…
Thế rồi…
Cuối cùng…
Kể từ đó…
Tập cho trẻ kể chuyện thực tế
Khi trẻ đã quen với việc sáng tạo ra những câu chuyện, bố mẹ hãy giúp trẻ học cách kể chuyện thực tế. Vào giờ ăn tối hoặc trước khi đi ngủ, bố mẹ hãy nói cho trẻ nghe về những chuyện vui, buồn trong ngày rồi bảo trẻ kể về một ngày vừa qua của mình. Khi trẻ nói, bố mẹ nên đặt các câu hỏi mở như: “Sau đó thế nào nữa?” hay “Tại sao việc đó khiến con thấy vui?”. Đôi khi, bố mẹ có thể đoán những gì xảy ra tiếp theo trong câu chuyện, nhưng đừng cố gắng chỉnh sửa gì khi trẻ kể.
Dùng các kiểu câu chuyện “kinh điển”
Nếu bố mẹ “bí” ý tưởng, hãy dùng một trong ba kiểu câu chuyện “kinh điển” sau:
- Nhân vật chính tìm được món đồ thần kỳ nào đó.
- Kể lại một tác phẩm cổ điển nhưng thay đổi nội dung một chút.
- Kể về một nhân vật gần giống với trẻ và biết vượt qua mọi thử thách.
Bố mẹ cũng đừng ngại kể chuyện về chính mình nhé, vì trẻ sẽ rất thích nghe những trải nghiệm của bố mẹ khi còn nhỏ, rằng bố mẹ mắc những sai lầm gì, vượt qua khó khăn thế nào. Ngoài ra, trẻ cũng thích những câu chuyện liên quan đến động vật. Việc bố mẹ dành nhiều thời gian kể cho trẻ nghe và hỏi chuyện trẻ chính là cách để giúp trẻ phát triển kỹ năng kể chuyện đấy.
Xem thêm bài viết:
- Nên cho trẻ uống sữa ít béo hay sữa nguyên kem?
- Giữ cơm trưa an toàn thực phẩm cho trẻ
- Thể dục cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt
Nguồn: verywellfamily