Trẻ hay giận dỗi, buồn rầu là biểu hiện hoàn toàn bình thường và bố mẹ không nên lo lắng vì điều này. Có một số trẻ với tính khí nhạy cảm thì sẽ buồn nhiều hơn, trong khi đó có những trẻ chỉ thỉnh thoảng mới cảm thấy buồn rầu, ủ rũ. Tuy nhiên, nếu khuôn mặt bé lúc nào cũng thể hiện sự buồn bã và có thái độ giận dỗi gay gắt hơn thì bố mẹ đừng vội nổi nóng với con nhé.
1. Quan tâm đến con nhiều hơn
Trẻ con cũng giống một mầm cây nhỏ, con sẽ phát triển theo cách bố mẹ đầu tư chăm sóc. Vì vậy, nếu bố mẹ muốn con phát triển khỏe mạnh và có tâm lý tốt thì dù có bận rộn đến đâu đi nữa thì bố mẹ vẫn nên dành đủ thời gian để ở bên con. Nếu trẻ được nhận đủ sự quan tâm và luôn được bố mẹ mở rộng vòng tay yêu thương thì trẻ sẽ cảm thấy an toàn hơn. Hãy nhớ rằng, việc chăm sóc và gần gũi con trẻ không phải là trách nhiệm của một người, mà cả bố lẫn mẹ đều phải dành nhiều thời gian cho con để củng cố niềm tin và tạo cho bé sự an tâm.
2. Hãy cho trẻ cơ hội nói lên suy nghĩ của mình
Nhà phải là nơi an toàn nhất mà trẻ có thể tự do thể hiện bản thân mình mà không phải sợ hãi, e dè bất cứ điều gì. Đôi khi trẻ hay giận dỗi và cảm thấy buồn vì bản thân không biết phải xử lý cảm xúc hoặc vấn đề của chính mình như thế nào. Vì thế bố mẹ hãy khích lệ trẻ nói ra những gì mà trẻ đang cảm nhận và vấn đề trẻ đang gặp phải, đồng thời giúp trẻ tìm cách chấp nhận cảm xúc của mình để không cảm thấy băn khoăn lo lắng, cũng như tìm cách tự nâng cao kỹ năng giải quyết vấn đề.
3. Khuyến khích những hành vi tốt đẹp của trẻ
Trẻ nhỏ hay tìm kiếm sự chú ý của bố mẹ, lại chưa biết phân biệt đúng sai vì vậy sẽ luôn có những phép thử để xem giới hạn ở đâu. Chính vì thế, bố mẹ hãy dành sự chú ý của mình cho trẻ mỗi khi trẻ làm được điều tốt hay có những hành vi đúng đắn, đồng thời hãy phớt lờ khi con đang thực hiện những hành vi không phù hợp. Đừng nao núng khi trẻ hay giận dỗi vì hành vi của bản thân không nhận được sự quan tâm của bố mẹ, thay vào đó hãy kiên nhẫn để giúp con hiểu rằng con sẽ không nhận được sự chú ý nếu con có hành động chưa tốt.
Hãy dành cho con những lời khen ngợi khi con làm việc tốt để khích lệ con phát huy những hành động đó, và góp ý nhắc nhở để giúp con thay đổi những hành vi sai.
4. Luôn giữ bình tĩnh với con
Khi trẻ hay giận dỗi, bố mẹ không nên phản ứng tiêu cực thái quá với con, đặc biệt không nên la hét, mắng nhiếc con. Điều này chỉ khiến cho con cảm thấy sợ hãi và càng thêm khép kín, không muốn mở lòng với bố mẹ, hoặc tệ hơn, trẻ có thể bị kích động và hiểu rằng tức giận la hét chính là cách mình nên thể hiện mỗi khi gặp những vấn đề tương tự. Do đó, bản thân bố mẹ phải giữ bình tĩnh rồi dần dần cùng con tìm cách để giúp con cảm thấy thoải mái hơn nhé!
5. Giữ cho không khí trong gia đình không bị căng thẳng
Trẻ nhỏ rất nhạy cảm và có thể nhận biết được cảm xúc thực sự của bố mẹ cho dù bố mẹ giấu giỏi đến đâu. Vì thế, nếu trong gia đình đang có vấn đề thì bố mẹ hãy cố gắng giải quyết và đừng để cảm xúc cá nhân ảnh hưởng đến trẻ. Tuyệt đối không nên cãi vã hay thể hiện những cảm xúc tiêu cực trước mặt con, kể cả khi nguyên nhân khiến bố mẹ tức giận là vì sự ương bướng của trẻ, vì điều này sẽ khiến con vô cùng hoảng sợ và lo lắng, dẫn đến ảnh hưởng tâm lý.
6. Đảm bảo chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ
Tình trạng sức khỏe của trẻ cũng có thể gây ảnh hưởng tới tâm lý. Vì vậy, bố mẹ hãy cố gắng xây dựng một chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất cần thiết cho trẻ nhé! Ví dụ như những thực phẩm chứa nhiều vitamin B và vitamin K có thể giúp cải thiện cảm xúc rất nhiều, axit béo từ cá biển cũng vậy.
7. Dành thời gian để lắng nghe trẻ tâm sự
Bố mẹ hãy dành thời gian để cùng con chia sẻ những vấn đề mà con trải qua trong ngày, đặc biệt là những điều khiến cho con cảm thấy lo lắng và buồn phiền. Nếu con hay than vãn, hãy lắng nghe và sau đó hướng dẫn cho con cách suy nghĩ tích cực hơn về cuộc sống. Bố mẹ có thể hỏi con nhiều hơn về những điều khiến con cảm thấy vui, để con có thể tập trung chia sẻ nhiều hơn về những chuyện đó và có cảm xúc tích cực hơn.
Chăm sóc và nuôi dạy trẻ nhỏ chưa bao giờ là một điều dễ dàng, nhất là với những trẻ hay giận dỗi. Tuy nhiên, trẻ rất cần sự hướng dẫn của bố mẹ để ngày qua ngày trẻ trở thành phiên bản hoàn thiện hơn của chính mình.
Xem thêm bài viết:
- Nên cho trẻ uống sữa ít béo hay sữa nguyên kem?
- Giữ cơm trưa an toàn thực phẩm cho trẻ
- Thể dục cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt
Nguồn: verywellfamily