Viêm bàng quang chủ yếu do nhiễm trùng đường tiết niệu gây ra. Nếu tình trạng viêm kéo dài có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như nhiễm trùng thận. Bên cạnh việc sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh cũng có thể kết hợp các cách chữa viêm bàng quang tại nhà để hỗ trợ quá trình điều trị hiệu quả hơn.
Viêm bàng quang có thể xảy ra với bất cứ ai, đặc biệt là ở phụ nữ. Các triệu chứng thường gặp khi bị viêm bàng quang là tiểu rắt, tiểu ra máu, đau khi quan hệ tình dục, sốt nhẹ,… Nguyên nhân gây viêm bàng quang hầu hết là do nhiễm khuẩn, nhưng một số trường hợp, tình trạng này cũng xảy ra do tác dụng phụ của thuốc hoặc biến chứng của các vấn đề sức khoẻ khác.
Các triệu chứng viêm bàng quang có thể xuất hiện đột ngột và tái lại nhiều lần kèm theo nhiều bất tiện trong cuộc sống, thậm chí gây ra hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Chính vì vậy, việc điều trị bệnh nhanh chóng và kịp thời là vô cùng cần thiết. Ngoài sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, bạn hãy tham khảo ngay 7 cách chữa viêm bàng quang tại nhà dưới đây để giúp rút ngắn thời gian điều trị bệnh.
1. Uống nhiều nước
Đây là biện pháp đơn giản nhất để giúp phòng ngừa và điều trị viêm bàng quang cũng như các bệnh nhiễm trùng đường tiểu. Nước giúp các cơ quan đường tiết niệu loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể một cách hiệu quả trong khi vẫn giữ được các chất dinh dưỡng và chất điện giải quan trọng. Ngoài ra, uống đủ nước sẽ giúp pha loãng nước tiểu và tăng tốc quá trình đào thải nước tiểu, khiến vi khuẩn khó tiếp cận các tế bào của cơ quan tiết niệu, từ đó, giảm thiểu nguy cơ gây nhiễm trùng.
Không có khuyến nghị nào về việc mọi người nên uống bao nhiêu nước mỗi ngày, vì nhu cầu nước của mỗi người là khác nhau. Tuy nhiên, theo trung bình, bạn nên uống tối thiểu 6-8 ly nước (2-3 lít) mỗi ngày và quan sát màu sắc nước tiểu đến khi có màu vàng nhạt để chắc chắn đã uống đủ nước.
2. Đi tiểu khi có nhu cầu
Đi tiểu khi có nhu cầu là cách chữa viêm bàng quang tại nhà hiệu quả, dễ áp dụng. Vi khuẩn sinh sống ở thành bàng quang và trong nước tiểu. Nếu bạn nhịn đi tiểu, số lượng vi khuẩn sẽ có xu hướng phát triển và tăng lên nhiều lần. Việc đi tiểu thường xuyên sẽ giúp bạn loại bỏ một số lượng vi khuẩn ra bên ngoài. Điều này làm giảm các triệu chứng do viêm bàng quang gây ra.
Bạn cũng nên đi tiểu ngay sau khi quan hệ tình dục. Hoạt động tình dục có thể đẩy vi khuẩn vào sâu trong niệu đạo ở cả nam và nữ. Điều này sẽ gây ra các vấn đề nghiêm trọng hơn.
3. Uống nước ép nam việt quất
Nam việt quất được sử dụng như một phương pháp tự nhiên giúp ngăn ngừa viêm bàng quang. Nước ép nam việt quất chứa thành phần chất chống oxy hóa dồi dào, bao gồm polyphenol, có đặc tính kháng khuẩn và chống viêm. Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, loại quả này có khả năng ức chế sự phát triển của vi khuẩn trong bàng quang và niệu quản. Tuy nhiên, bạn cần trao đổi với bác sĩ nếu có ý định sử dụng loại nước ép này để hỗ trợ điều trị viêm bàng quang.
4. Dùng thực phẩm chứa men vi sinh
Vi khuẩn có lợi được gọi là men vi sinh, giúp giữ cho đường tiết niệu khỏe mạnh và hạn chế tối đa sự sinh sôi của vi khuẩn gây hại. Đặc biệt, một nhóm men vi sinh có tên Lactobacilli có thể giúp ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị viêm bàng quang.
Một nghiên cứu cho thấy rằng việc kết hợp sử dụng men vi sinh và kháng sinh có hiệu quả hơn trong quá trình phòng ngừa nhiễm trùng đường tiểu tái phát so với chỉ dùng thuốc kháng sinh. Nguyên nhân là do men vi sinh có thể làm tăng mức độ vi khuẩn có lợi cho đường ruột và giảm tác dụng phụ liên quan đến việc sử dụng kháng sinh.
Cách chữa viêm bàng quang tại nhà bằng men vi sinh thường là tăng cường bổ sung các thực phẩm như:
- Sữa chua
- Nấm kefir
- Dưa cải lên men
- Một số loại phô mai.
5. Bổ sung đủ vitamin C
Sử dụng thực phẩm giàu vitamin C là một trong những cách chữa viêm bàng quang tại nhà tốt nhất. Vitamin C là một chất chống oxy hóa giúp cải thiện chức năng của hệ thống miễn dịch. Loại vitamin này cũng phản ứng với nitrat trong nước tiểu để tạo thành oxit nitơ nhằm tiêu diệt vi khuẩn. Điều này giúp giảm nồng độ pH của nước tiểu, khiến vi khuẩn ít có khả năng sống sót hơn.
Một số thực phẩm giàu vitamin C có thể kể đến như đu đủ, chanh dây, sơ ri, cam, cà chua,…
6. Chườm ấm
Việc sử dụng thuốc thường xuyên có thể gây ra tình trạng lạm dụng thuốc. Thay vì vậy, bạn có thể áp dụng cách làm giảm cơn đau tự nhiên như chườm ấm. Cách chữa viêm bàng quang tại nhà này thường khá hiệu quả trong trường hợp cơn đau không quá nghiêm trọng.
Đặt túi chườm lên vùng bụng dưới khi cơn đau xuất hiện có thể cải thiện cơn đau và các triệu chứng do viêm bàng quang gây ra. Ngoài ra, ngâm mình trong bồn nước ấm trong vòng 15 đến 20 phút cũng giúp giảm đau hoặc cảm giác khó chịu.
7. Duy trì thói quen vệ sinh sạch sẽ
Nhiều trường hợp viêm bàng quang là do vi khuẩn từ trực tràng tiếp cận với niệu đạo. Một khi vi khuẩn xâm nhập được vào trong niệu đạo, chúng có thể đi vào các cơ quan đường tiết niệu khác, từ đó dẫn đến nhiễm trùng và sưng viêm. Do vậy, sau khi đi vệ sinh, bạn hãy dùng giấy để lau khô từ bộ phận sinh dục đến hậu môn cẩn thận.
Đặc biệt, khi quan hệ tình dục, bạn cũng cần lưu ý những điều sau để hạn chế tạo điều kiện cho vi khuẩn từ bên ngoài cơ thể xâm nhập vào trong đường tiết niệu như:
- Đi tiểu trước và ngay sau khi quan hệ
- Sử dụng biện pháp bảo vệ an toàn, chẳng hạn như bao cao su
- Vệ sinh nhẹ nhàng bộ phận sinh dục, đặc biệt là bao quy đầu, trước và sau khi quan hệ
- Vệ sinh nhẹ nhàng bộ phận sinh dục hoặc thay đổi bao cao su nếu chuyển từ quan hệ tình dục từ đường hậu môn sang quan hệ tình dục bằng đường âm đạo.
Tuy có nhiều bằng chứng cho rằng những cách chữa viêm bàng quang tại nhà có thể mang lại những hiệu quả nhất định, nhưng bạn vẫn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng những cách này. Nếu nghi ngờ mắc phải bất kỳ dấu hiệu bị viêm bàng quang nào, giải pháp tốt nhất cho bạn là đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp nhất.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.
Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Nguồn: Treatments of Glomerulonephritis
Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất: