Trẻ em thường tự nhiên đã thích viết và vẽ. Với một vài cách đơn giản, bố mẹ cũng có thể khuyến khích trẻ càng đam mê và phát triển kỹ năng này đấy! Bố mẹ hãy áp dụng một số mẹo giúp phát triển kỹ năng viết và vẽ ở trẻ để tạo cho trẻ những trải nghiệm vui vẻ và thúc đẩy các kỹ năng này nhé!
1. Coi việc viết và vẽ là một phần vui chơi hằng ngày
Bố mẹ cứ đưa cho trẻ những loại bút sáp màu hay bút chì to cho dễ cầm, hoặc bút dạ dễ xóa, cùng với giấy (có thể tận dụng nhiều loại giấy cũ). Với trẻ nhỏ, bố mẹ có thể dán tờ giấy lên mặt bàn để giấy không bị xô lệch khi trẻ vẽ.
Với trẻ lớn hơn, bố mẹ có thể đưa cho trẻ một số loại màu nước dễ xóa, kéo an toàn, hồ dán, đất nặn an toàn… cho trẻ thỏa sức sáng tạo.
2. Bố mẹ đừng chỉ đạo nhiều
Hãy để trẻ tự thử nghiệm và khám phá. Nhờ tính độc lập này, về sau trẻ sẽ trở nên tự tin, thông minh và tiếp thu tốt hơn. Bố mẹ chỉ nên ngồi bên, quan sát và có thể hướng dẫn một chút khi trẻ hỏi.
3. Quan tâm đến cả quá trình chứ không chỉ là kết quả
Trẻ sẽ học được nhiều hơn khi bố mẹ quan tâm tới những gì trẻ nghĩ về tác phẩm của mình, chứ không phải chỉ là bức hình con vẽ. Do vậy, bố mẹ nên xem kỹ tác phẩm, để có thể đưa ra những bình luận cụ thể, như: “Con vẽ nhiều đường kẻ quá nè!”, hoặc: “Bố mẹ thấy con đã vẽ rất chi tiết đó!”. Bố mẹ cũng có thể bảo: “Con có thể nói về bức tranh của con được không?”. Khi đó, trẻ sẽ thích chia sẻ nhiều hơn về tác phẩm của mình.
4. Với trẻ gần 3 tuổi, hãy thử nhiều loại chất liệu hơn
Hãy cho trẻ thử vẽ bằng nhiều loại “dụng cụ”, như bông vo tròn, bông ngoáy tai, bọt biển, dây… Hoặc bố mẹ cũng có thể cho trẻ dùng bút sáp màu vẽ và tô lên các bề mặt khác ngoài giấy, hoặc dùng phấn vẽ xuống sân.
Thậm chí, khi trẻ nghịch nước, bố mẹ hãy thử thêm một vài giọt màu thực phẩm vào nước để trẻ học về việc pha màu trong nước.
5. Bảo trẻ thể hiện những cảm xúc mạnh qua các hoạt động sáng tạo
Nếu trẻ đang cáu kỉnh, bố mẹ hãy thử cho trẻ chơi đất nặn hoặc vẽ. Những hoạt động sáng tạo này đôi khi sẽ giúp trẻ thể hiện và hiểu được những cảm xúc khó diễn tả bằng lời của mình.
6. Khuyến khích trẻ tập viết và vẽ
Nếu trẻ vẽ nguệch ngoạc rồi lại đọc “nội dung” những “chữ” mà trẻ vừa “viết” đó, thì bố mẹ hãy tôn trọng trẻ và tỏ ra nghiêm túc. Cứ để trẻ đọc “đoạn viết” của mình, hoặc giữ lại “bức thư” đó. Đây là cách để trẻ học được về sức mạnh của từ ngữ.
7. Trưng bày tác phẩm của trẻ
Việc này giúp trẻ hiểu rằng tác phẩm của mình là quan trọng và có giá trị.
Xem thêm bài viết:
- Nên cho trẻ uống sữa ít béo hay sữa nguyên kem?
- Giữ cơm trưa an toàn thực phẩm cho trẻ
- Thể dục cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt
Nguồn: verywellfamily