Đọc sách có thể là hoạt động kém vui đối với nhiều trẻ, đặc biệt là ở thời đại của các thiết bị điện tử. Tuy nhiên, bố mẹ hãy thử những cách giúp trẻ thích đọc sách dưới đây, biết đâu có thể giúp trẻ đam mê và tự giác đọc sách mà không cần bố mẹ phải ép buộc đấy!
1. Cho trẻ tiếp xúc với nhiều dạng sách
Việc tiếp xúc với nhiều dạng sách như tạp chí và sách nói sẽ giúp trẻ có trải nghiệm phong phú hơn. Khi đọc tạp chí, trẻ có cơ hội được tiếp xúc với những thông tin mới. Không chỉ vậy, nội dung của tạp chí rất đa dạng, nên trẻ có thể sẽ có những hứng thú mới nữa.
Ngoài ra, sách nói cũng rất thu hút đối với trẻ. Với sách nói, trẻ được nghe giọng đọc trôi chảy, tự tin, biểu cảm. Việc này vừa giúp trẻ dễ tiếp thu nội dung sách, vừa có thể muốn luyện tập để cũng đọc được như vậy.
2. Làm gương cho trẻ
Trẻ rất hay bắt chước người lớn, do vậy, nếu muốn trẻ đọc nhiều sách thì bố mẹ nên thường xuyên đọc sách để trẻ nhìn thấy. Ngoài ra, hãy thường xuyên trò chuyện với trẻ sách truyện và vui vẻ chỉ ra những điều thú vị mà bố mẹ đọc được trong sách. Đây là cách kích thích trẻ đọc sách rất hữu hiệu vì trẻ sẽ thấy rằng sách đem lại nhiều niềm vui.
3. Sắp xếp một góc đọc sách trong nhà cho trẻ
Hãy sắp xếp một góc nhỏ yên tĩnh và ấm cúng trong nhà để dành riêng cho trẻ đọc sách. Bố mẹ có thể dùng tranh ảnh, thảm… để trang trí góc đọc sách theo các chủ đề khác nhau (bờ biển, rừng nhiệt đới, không gian vũ trụ…), tùy sở thích của trẻ nữa nhé.
4. Đưa sách vào các hoạt động hằng ngày của trẻ
Một cách giúp trẻ thích đọc sách nữa là tạo điều kiện cho trẻ tham gia các hoạt động liên quan đến sách. Ví dụ, bố mẹ chuẩn bị sách hướng dẫn nấu ăn và bảo trẻ đọc công thức cho bố mẹ nấu. Hoặc nếu có điều kiện, bố mẹ cũng có thể đưa trẻ đi trải nghiệm thực tế sau khi đọc xong một cuốn sách. Chẳng hạn, sau khi đọc xong cuốn “Chú vịt tốt bụng” thì bố mẹ đưa trẻ đi xem những chú vịt thật và nhắc lại câu chuyện mà trẻ mới đọc.
5. Thường xuyên đưa trẻ tới thư viện
Bố mẹ cũng nên thường xuyên đưa trẻ tới thư viện để trẻ được ở trong một không gian nhiều sách truyện, với nhiều người cùng đọc sách. Nếu trẻ được tham gia vào các hoạt động của thư viện thì càng tốt, bởi như vậy, trẻ sẽ coi thư viện là một nơi rất vui vẻ, dễ chịu.
6. Cho trẻ tham gia vào các nhóm hoặc câu lạc bộ đọc sách
Khi tham gia vào các nhóm hoặc câu lạc bộ đọc sách, trẻ sẽ có cơ hội giao lưu với nhiều bạn có chung sở thích, giúp niềm đam mê đọc sách của trẻ càng tăng lên. Thậm chí, bố mẹ và trẻ có thể tự thành lập một “câu lạc bộ” gồm các thành viên trong gia đình và một vài người bạn của trẻ để cùng nhau chia sẻ về những điều mình đã đọc.
7. Tặng sách để trẻ đọc nhiều hơn
Bố mẹ nên thường xuyên tặng sách cho trẻ vào những dịp như sinh nhật, khi trẻ được điểm tốt… Đồng thời, bố mẹ cũng nên khuyến khích trẻ chia sẻ, trao đổi sách với các bạn. Cách này vừa giúp trẻ có mối quan hệ tốt với bạn bè, lại vừa dạy trẻ thích đọc sách hơn vì trẻ sẽ thấy sách chính là phương tiện để kết nối với mọi người.
8. Lưu ý khi đọc sách cho trẻ
- Đọc to: Việc bố mẹ đọc thành tiếng cho trẻ nghe sẽ giúp trẻ có hứng thú hơn và không bị mệt vì phải tự đọc nhiều sách, nhất là khi trẻ mới biết đọc.
- Đọc đi đọc lại một cuốn sách: Đọc sách giúp thúc đẩy sự phát triển ngôn ngữ của trẻ nhỏ, nhất là khi bố mẹ cùng trẻ đọc các bài thơ có vần điệu. Kể cả khi chưa biết đọc, thì trẻ cũng sẽ chú ý tới tranh ảnh trong sách, rồi học cách lật trang, rồi dần dần sẽ hiểu cốt truyện. Tất cả những điều này đều là nền tảng để phát triển kỹ năng đọc của trẻ.
- Đặt cho trẻ nhiều câu hỏi trong quá trình đọc: Việc này giúp trẻ hiểu tốt hơn và cũng khiến cho việc đọc sách thú vị hơn. Bố mẹ có thể hỏi xem trẻ thích nhân vật nào nhất, chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo hay nếu trong hoàn cảnh đó thì trẻ sẽ làm gì…
- Nếu có câu chuyện nào được chuyển thể thành phim thì bố mẹ nên đọc sách cùng trẻ trước rồi mới xem phim. Khi xem phim, bố mẹ và trẻ có thể cùng nhau bàn luận về bộ phim và so sánh với câu chuyện đã đọc.
Hy vọng bài viết trên đã giúp bố mẹ chọn được các cách giúp trẻ thích đọc sách thật hiệu quả mà không hề gây căng thẳng cho trẻ.
Xem thêm bài viết:
- Nên cho trẻ uống sữa ít béo hay sữa nguyên kem?
- Giữ cơm trưa an toàn thực phẩm cho trẻ
- Thể dục cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt
Nguồn: verywellfamily