Có giai đoạn, bỗng nhiên trẻ hống hách, tỏ ra là mình hiểu biết tất cả mọi thứ và hay ra lệnh cho bố mẹ. Thế nhưng đây là biểu hiện rất bình thường ở trẻ thuộc độ tuổi mẫu giáo đấy!
Hãy kiên nhẫn khi trẻ hống hách
Trẻ hống hách thường là do bắt chước những hành động ở người lớn mà trẻ thấy hằng ngày. Như thế không có nghĩa là bố mẹ cũng hống hách, mà là trẻ thấy bố mẹ thường đưa ra những yêu cầu cho mọi người (nhất là các con), nên trẻ cũng muốn làm như thế.
Trẻ trong giai đoạn này cũng đang học cách thể hiện những gì mình muốn. Dù tính hống hách lúc này không mấy đáng yêu, nhưng khi trẻ lớn lên, nó có thể trở thành sự kiên quyết – một phẩm chất có lợi cho trẻ. Với một chút hướng dẫn và điều chỉnh của bố mẹ, sự hống hách ở trẻ còn có thể biến thành kỹ năng lãnh đạo nữa.
Yêu cầu trẻ thay đổi thái độ
Nếu trẻ ra lệnh cho bố mẹ hoặc người khác, bố mẹ hãy nhắc trẻ nói lễ phép hơn. Hãy giải thích với trẻ rằng bố mẹ sẽ dễ đáp ứng yêu cầu của trẻ (chơi trò chơi, kể chuyện…) nếu trẻ đề nghị nhẹ nhàng thay vì ra lệnh.
Cho trẻ một chút quyền hạn
Thái độ hống hách thường xuất hiện khi trẻ cố gắng kiểm soát một tình huống và cả cuộc sống của mình. Điều này đặc biệt đúng khi trẻ trưởng thành và độc lập hơn. Vì vậy, bố mẹ nên tạo ra những tình huống mà trẻ có thể tự đưa ra quyết định hoặc được hành động như một người “trưởng thành”.
Ví dụ: Tới giờ ăn, bố mẹ hãy đưa ra hai lựa chọn cho trẻ (và đảm bảo rằng lựa chọn nào cũng có thể được bố mẹ chấp nhận) như ăn cơm trước hoặc ăn rau trước. Hoặc bố mẹ có thể nhờ trẻ “giám sát” em nhỏ thay quần áo. Như vậy, trẻ sẽ cảm nhận được quyền làm chủ của mình.
Phối hợp với giáo viên và người trông trẻ
Bố mẹ nên nói chuyện với những người lớn có liên quan đến trẻ (giáo viên, người trông trẻ) để mọi người cùng luôn để ý và can thiệp khi cần.
Xoay chuyển tình huống
Khi trẻ bắt đầu lớn tiếng ra lệnh cho người khác, bố mẹ hãy gọi trẻ ra một góc riêng để nói chuyện. Hãy hỏi xem trẻ sẽ cảm thấy thế nào khi bị bạn bè ra lệnh. Bố mẹ đừng “dọa” rằng rồi trẻ sẽ chẳng có người bạn nào cả. Hãy chỉ nhẹ nhàng giải thích rằng bạn bè có thể sẽ chọn người khác để chơi cùng nếu họ chẳng được làm những gì mình muốn.
Ngoài ra, nếu trẻ hống hách khi đang làm một việc có tính cạnh tranh, như chơi trò chơi với bạn, thì bố mẹ hãy chuyển hướng cho trẻ làm việc khác.
Dạy trẻ cách lịch sự đưa ra yêu cầu
Bố mẹ hãy làm gương cho trẻ về cách hành xử. Ví dụ, thay vì ra lệnh cho trẻ đi tưới cây, bố mẹ nên lịch sự nói: “Con có thể giúp mẹ tưới cây không? Cảm ơn con nhé!”.
Nếu trẻ hống hách ra lệnh cho bố mẹ, hãy lập tức chấn chỉnh cách cho trẻ biết rằng bố mẹ muốn trẻ nói theo cách nào. Tuy nhiên, bố mẹ không nên phê bình trẻ trước mặt người khác, vì trẻ có thể sẽ xấu hổ. Tốt nhất là bố mẹ nên nhắc nhở trẻ ở một góc riêng tư, hoặc sau khi mọi người đã ra chỗ khác.
Giải thích rằng không phải lúc nào mọi chuyện cũng theo ý trẻ được
Trẻ cần học cách chấp nhận việc bị người khác từ chối, bởi người khác cũng có quyền tự đưa ra quyết định của họ. Vì vậy, bố mẹ hãy giải thích cho trẻ hiểu rằng, trẻ có thể đề nghị người khác làm gì đó, nhưng họ cũng có thể từ chối. Và ngược lại, trẻ cũng có quyền từ chối người khác như vậy.
Khen ngợi khi trẻ lịch sự
Khi trẻ hành xử tốt, bố mẹ hãy khen ngợi và nói cụ thể về việc trẻ đã làm đúng. Trẻ sẽ rất vui khi được bố mẹ chú ý và sẽ muốn lặp lại những hành vi hoặc cách nói chuyện đó nhiều lần nữa.
Với những cách đơn giản trên đây, bố mẹ không cần “trừng trị” khi trẻ hống hách, mà vẫn có thể nhẹ nhàng cải thiện hành vi của trẻ đấy!
Xem thêm bài viết:
- Nên cho trẻ uống sữa ít béo hay sữa nguyên kem?
- Giữ cơm trưa an toàn thực phẩm cho trẻ
- Thể dục cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt
Nguồn: verywellfamily