Nguyên liệu của món ăn góp phần tạo nên linh hồn của món ăn cũng như mang đến những giá trị dinh dưỡng cụ thể cho món ăn đó. Trong đó, sả là cây loại cây quen thuộc. Vậy giá trị dinh dưỡng và tác dụng tuyệt vời của cây sả là gì? Nên lưu ý những gì khi sử dụng sả? Hãy cùng MedPlus tìm hiểu thông tin nhé!
Thông tin chung
Sả là một loại gia vị quen thuộc trong ẩm thực Việt Nam. Tên tiếng Anh của sả là lemongrass còn tên khoa học của nó là cymbopogon citratus. Bài viết này sẽ thông tin đến bạn thành phần dinh dưỡng có trong sả cũng nhưng những lợi ích tuyệt vời đối với sức khỏe & sắc đẹp của loài cây này.
Thành phần dinh dưỡng của sả
Trong sả có nhiều loại vitamin như vitamin A, vitamin C, vitamin B1, vitamin B2, vitamin B3, vitamin B5, vitamin B6 và axit folic. Nó cũng chứa nhiều loại khoáng chất quan trọng như kali, canxi, magie, phốt pho, man gan, đồng, kẽm và sắt.
Ngoài ra, trong sả còn chứa các chất chống ô-xy hóa, flavonoid và các hợp chất phenolic như luteolin, glycosides, quercetin, kaempferol, elemicin, catechol, axit chlorogenic, và axit caffeic. Đặc biệt, trong thành phần của sả còn có citral, một hợp chất hóa học có hương chanh và có nhiều công dụng tuyệt vời.

Tác dụng của cây sả với sức khỏe
Làm đẹp da
Sả và tinh dầu sả có tác dụng rất tốt với làn da của bạn. Các chất chống ô-xy hóa, vitamin C có trong sả giúp da mịn màng, làm chậm quá trình lão hóa và xuất hiện nếp nhăn. Nó còn có chứa các chất làm se và chất khử trùng, giúp làm khít lỗ chân lông, tẩy tế bào chết và đánh tan mụn, trứng cá.
Giảm cân
Trong sả có citral, một chất có công dụng tuyệt vời trong việc giảm cân. Nó giúp ngăn ngừa sự tích tụ mỡ bụng, giúp cơ thể đốt cháy hiệu quả các nguồn năng lượng dự trữ và ô xy hóa các axit béo cũng như tăng cường quá trình chuyển hóa bên trong cơ thể. Điều này khiến cho sả là một chiến binh thực thự trong cuộc chiến với mỡ thừa và sự tăng cân.
Giảm lượng cholesterol trong máu
Trong sả có chứa anti-hyperlipidemic và anti-hypercholesterolemic có tác dụng làm cho lượng cholesterol trong cơ thể ở mức lành mạnh. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc ăn sả thường xuyên sẽ có tác dụng đáng kể trong việc loại bỏ LDL cholesterol (loại cholesterol xấu) và cân bằng lượng chất béo trung tính. Điều đó sẽ ngăn chặn sự tích tụ chất béo trong mạch máu, giảm nguy cơ mắc chứng xơ vữa động mạch, giúp máu lưu thông tốt.
Thanh lọc cơ thể
Cây sả có tính lợi tiểu. Nó cũng giúp bài trừ nhiều chất độc tồn dư trong cơ thể người, làm giảm nồng độ của axit uric và bảo vệ gan, thận.
Ngăn ngừa ung thư
Trong sả có nhiều chất chống ô-xy hóa, có tác dụng làm chậm sự phát triển của các gốc tự do trong cơ thể, mầm mống của ung thư.
Trị chứng mất ngủ
Cây sả có tác dụng làm thư giãn các tế bào cơ bắp và các thế bào thần kinh, giảm căng thẳng và phiền muộn, giúp con người có được giấc ngủ sâu và chất lượng.
Trị các bệnh đường hô hấp
Sả từ lâu đã được khuyến khích sử dụng trong chế độ ăn Ayurvedic nổi tiếng, nhằm điều trị ho, cảm lạnh, ngạt mũi, đờm. Ngoài ra, vitamin C trong sả cũng góp phần tăng sức đề kháng của cơ thể.
Giảm đau
Cây sả có tác dụng làm giảm đau đớn và khó chịu của chứng đau đầu và đau nửa đầu. Nhờ có phytonutrients, nó cũng giúp tăng tuần hoàn máu, ngăn ngừa chuột chút, co thắt, bong gân, đau lưng.
Thần kinh
Cây sả được cho là một loại thuốc bổ tuyệt vời đối với hệ thần kinh của con người. Nó có tác dụng làm giảm chóng mặt, đau đầu, ngăn ngừa một số hội chứng như Alzheimer’s và Parkinson’s.
Tiểu đường loại 2
Cây sả được chứng minh có những lợi ích nhất định với bệnh tiểu đường loại 2. Chất citral có trong sả giúp tối ưu nồng độ insulin trong máu và tăng sức chịu đựng của cơ thể với glucose.
Đuổi muỗi, rắn, rết
Trồng một bụi sả nhỏ trong vườn, trước hiên nhà hoặc trên sân thượng sẽ giúp cho bạn có một bầu không khí trong lành, thơm mát và đặc biệt là xua đuổi được các sinh vật gây hại như muỗi, rắn độc, rết…
Các bài thuốc với cây sả
-
Bài thuốc chữa đau bụng, rối loạn tiêu hóa:
Đun sôi 30 – 50g sả tươi với nước. Hòa thêm một ít đường vừa đủ ngọt. Uống thuốc khi còn ấm nóng. Uống từ 2 – 3 lần/ngày. Bài thuốc này giúp ấm bụng trị được các chứng nôn ọe, ngộ độc rượu, đau bụng đi tả, bội thực.
-
Bài thuốc chữa đau bụng tiêu chảy:
Sắc thang thuốc với các nguyên liệu sau: 12g củ sả, 12g vỏ quýt phơi khô, 20g củ gấu, 12g búp ổi, 3 lát gừng. Sắc thuốc với 2 bát nước, đun còn 1 bát. Uống thuốc khi còn nóng. Trẻ nhỏ nên chia thang thuốc uống từ 2 – 3 lần trong ngày.
-
Bài thuốc giải cảm:
Đun sôi lá sả với kinh giới, lá ổi, lá tre, ngải cứu, chanh, bạc hà, tía tô. Dùng nồi nước sôi để xông hơi, giải cảm.
-
Bài thuốc trị mụn nhọt:
Nấu nước sả để tắm hàng ngày.
-
Bài thuốc chữa cảm cúm trúng hàn:
Lấy 15 – 30g củ sả hoặc lá sả tươi. Nấu nước củ sả hoặc lá sả, xông hơi để chữa cảm cúm.
-
Trà chanh sả giải khát, giải nhiệt:
Giã nát củ sả tươi, nửa củ gừng, sau đó cho vào nồi nước sôi. Cho thêm vào nước sôi những nguyên liệu như đinh hương, 2 hạt bạch đậu khấu, miếng quế nhỏ. Nấu các nguyên liệu với lửa nhỏ. Sau khi đã sôi, người dùng lọc lấy nước, bỏ cái. Cho vào nước nóng một ít nước cốt chanh, một thìa mật ong. Trà chanh sả không chỉ giải nhiệt mà còn giúp lọc gan thận, phòng chống ung thư, đẹp da, kiểm soát cholesterol, giảm đau đầu, giảm đau khớp, giúp hệ tiêu hóa làm việc tốt hơn, ngủ ngon, an thần,…
Lưu ý khi sử dụng
- Trước khi sử dụng, người dùng cần rửa sả sạch sẽ, có thể sử dụng thuốc tím để loại bỏ mầm mống sâu bệnh, vi trùng, thuốc trừ sâu,…
- Trước khi áp dụng các bài thuốc từ sả, người bệnh nên tham khảo ý kiến, xin lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa. Công hiệu của bài thuốc còn tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người. Nếu cơ địa người bệnh không hợp với bài thuốc, người bệnh có thể sẽ gặp phải những tác dụng không mong muốn, thậm chí phản tác dụng.
- Cây sả có tính ấm, giúp người bệnh tiết mồ hôi, nên thích hợp cho việc chữa các bệnh do hàn (lạnh) gây ra. Vì vậy, những trường hợp như cảm lạnh, rét run, không ra mồ hôi, ho, hắt hơi,… có thể áp dụng các bài thuốc từ cây sả.
- Người bị cảm nhiệt, cảm nắng không nên dùng các bài thuốc từ sả để xông hoặc uống. Người bệnh có thể sẽ bị hao khí và tân dịch.
https://tuoitre.vn/vi-thuoc-tu-cay-sa-114615.htm