Theo tài liệu cổ: Núc nác trị vị đắng, tính mát. Quy kinh: Tỳ và Bàng quang. Có công năng: Hạt có tác dụng thanh phế nhiệt, lợi hầu họng, chống ho, giảm đau, vỏ thân có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp. Cùng MedPlus tìm hiểu kỹ về công dụng và bài thuốc hay nhé !
Thông tin cơ bản
1. Thông tin khoa học:
- Tên Tiếng Việt: Vỏ Núc nác, Nam hoàng bá, Mộc hồ điệp, Ngúc nác, …
- Tên khoa học: Oroxylum indicum (L.) Kurz
- Họ: Chùm ớt (Bignoniaceae).
2. Mô tả Cây
- Dược liệu: Vỏ cuộn lại thành hình ống hay hình cung, dày 0,6 – 1,3 cm, dài ngắn không nhất định. Mặt ngoài màu vàng nâu nhạt, nhăn nheo, có nhiều đường vân dọc, ngang. Mặt trong nhẵn, màu vàng xám hay vàng lục. Mặt bẻ ngang có lớp bần mỏng. Mô mềm vỏ lổn nhổn như có nhiều sạn, trong cùng có lớp sợi dễ tách theo chiều dọc.
3. Phân bố, thu hái và chế biến
Phân bố
- Trên thế giới, núc nác phân bố rộng rãi ở vùng nhiệt đới châu Á, bao gồm Srilanaca, Ấn Độ, Mianma, Trung Quốc, Lào, Việt Nam, Thái Lan, Philippin, đảo Selip và Timor của Indonesia.
- Ở Việt Nam, núc nác cũng là cây phổ biến từ vùng núi có độ cao khoảng 1300m (ở xã Lũng Hồ, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang) đến các tỉnh trung du và đồng bằng ven biển.
- Cây còn được dùng làm giá thể cho trầu không và hồ tiêu leo (Vùng Quảng Bình đến Quảng Nam).
Thu hoạch
- Thu hái quả nang chín màu nâu vào mùa thu và đông, phơi khô ngoài nắng cho vỏ nứt hạt, tách lấy hạt và phơi tiếp cho đến khô. Vỏ cây thu hái quanh năm; khi cần thiết, đẽo vỏ trên cây, thái phiến dài 2-5 cm, phơi hay sấy khô.
Bộ phận dùng
- Vị thuốc là vỏ thân (Cortex Oroxyli) đã phơi hay sấy khô của cây Núc nác.
Chế biến
- Loại bỏ tạp chất, cạo bỏ lớp bần, rửa sạch, thái phiến chiều dài 2- 5 cm, bề dày 1-3 mm, phơi khô, hoặc sao nhỏ lửa cho đến khi bề mặt dược liệu có màu vàng.
Công dụng và tác dụng chính
A. Thành phần hoá học
- Vỏ thân Núc nác chứa một ít alcaloid, tanin và một số dẫn xuất flavonoid ở dạng tự do hay heterosid.
B. Tác dụng dược lý
1. Hoạt tính chống độc ở gan
Trong y học Ấn Độ, lá Oroxylum indicum được sử dụng rộng rãi như cách phòng các rối loạn gan. Các dịch trích khác nhau của Oroxylum indicum đều có hoạt tính chống độc gan. Các dịch trích petroleum ether, chloroform, ethanol và dung dịch nước được tiêm vào chuột nhiễm bệnh với liều 300 mg/kg trọng lượng cơ thể. Thử nghiệm cho thấy chuột được điều trị và dịch trích ethanol có hiệu quả đáng kể nhất.
2. Hoạt tính tẩy giun sán
Năm 2000, Downing JE đánh giá hoạt tính tẩy giun sán của Oroxylum indicum chống trứng giun lươn của ngựa trong ống nghiệm và so sánh nó với Ivermectin – một trong những thuốc tẩy giun hiệu quả. Sử dụng Oroxylum indicum với nồng độ 2×10-5 g/mL hoặc lớn hơn ngăn chặn được quá trình nở trứng của giun lươn. Với nồng độ Oroxylum indicum 2×10-1 g/mL thì quá trình nở đạt 0%. Tại nồng độ 2×10-4 g/mL hoặc lớn hơn thì khả năng sống của trứng và ấu trùng giun lươn là 0%. Kết quả của nghiên cứu cho rằng Oroxylum indicum có thể là một chất tẩy giun thích hợp chống lại giun lươn của ngựa.
3. Hoạt tính chống ung thư
Năm 1992, Tepsuwan A cùng các cộng sự công bố hoạt tính gây độc gen và hoạt tính phát triển tế bào niêm mạc dạ dày của chuột đực F344 bằng phương pháp ngắn hạn trong cơ thể sau khi uống một phần nhỏ nitroso hóa của Oroxylum indicum Vent. Kết quả cho thấy nitroso hóa của Oroxylum indicum có tính gây độc gen và phát triển tế bào ở niêm mạc dạ dày trong cơ thể chuột.
4. Hoạt tính bảo vệ dạ dày
Năm 2007, Zaveri M cùng các cộng sự báo cáo hoạt tính bảo vệ dạ dày của chiết xuất cồn 50% từ vỏ, rễ cây Oroxylum indicum và các phân đoạn khác: petroleum ether, chloroform, ethyl acetate và n-butanol. Trong đó, phân đoạn n- butanol cho sự ức chế hiệu quả tối đa đối với tổn thương dạ dày.
5. Hoạt tính kháng khuẩn
Năm 1998, Ali R. M. cùng các cộng sự đã nghiên cứu tác dụng của chiết xuất dichloromethane Oroxylum indicum chống lại các các loại nấm da và nấm thối gỗ và báo cáo hoạt tính động kháng nấm mạnh mẽ trong chiết xuất dichloromethane Oroxylum indicum.
6. Ức chế tăng sinh tế bào
Dịch ethanol của vỏ thân núc nác cho hoạt tính ức chế tăng sinh với một số tế bào như erythleukemic K 562 (IC50 = 30,77 ± 0,32 mg mL-1), lympho B Raji (IC50 = 23,20 ± 9,6 mg mL-1), lympho T Jurkat (IC50 = 4,11 ± 0,10 mg mL-1). tràng cô lập chuột lang.
C. Công dụng, tính vị và liều dùng
Tính vị
- Vị đắng, tính mát
- Quy kinh: Tỳ và Bàng quang.
Công năng
- Hạt có tác dụng thanh phế nhiệt, lợi hầu họng, chống ho, giảm đau, vỏ thân có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp. Các flavonoid trong vỏ cây và hạt có tác dụng đối với bệnh mày đay và mẩn ngứa và còn có tính kháng trùng.
Công Dụng
- Lá hoa và quả khi còn non đều ăn được sau khi đun nấu. Người ta thường lùi quả non vào trong tro than rồi đem bóc bỏ vỏ ngoài, lấy phần trong của quả xào ăn. Hạt, vỏ thân thường được dùng làm thuốc.
- Hạt dùng trị: 1. Viêm họng cấp và mạn tính, khan cổ; 2. Viêm phế quản cấp và ho gà; 3. Đau vùng thượng vị, đau sườn.
- Vỏ thân được dùng trị: viêm gan vàng da, viêm bàng quang, viêm họng, khô họng, ho khan tiếng, đau dạ dày, dị ứng trẻ em ban trái, sởi. Cũng dùng chữa dị ứng sơn, trị bệnh vẩy nến, hen phế quản trẻ em. Trong dân gian dùng thay Hoàng bá.
Lưu Ý
- Người hư hàn gây đau bụng, đầy bụng tiêu chảy không dùng.
- Ngoài ra bệnh nhân cảm lạnh gây ho, nóng sốt, chảy nước mũi hạn chế dùng.
Liều dùng
- Ngày 8 – 16g, dạng thuốc sắc, hoàn tán.
- 1,5-3g hạt, 8-16g vỏ thân, dạng thuốc sắc. Có thể nấu thành cao hay chế dạng bột. Dùng ngoài nấu nước rửa hoặc dùng cao bôi.
- Ở nước ta Viện Dược liệu đã sản xuất nunaxin viên 0,25g từ hỗn hợp các flavonoid để chữa mày đay và mẩn ngứa, dùng vỏ Núc nác làm viên Habanin kháng trùng và một loại viên kết hợp 2 dạng thuốc trên.
Bài thuốc sử dụng
1. Ngoài da lở ngứa, bệnh tổ đĩa ngứa giữa lòng bàn tay, bệnh giang mai lở loét:
- Vỏ Núc nác, Khúc khắc, mỗi vị 30g, sắc uống hàng ngày.
2. Chữa đau dạ dày:
- Dùng vỏ núc nác, sấy khô tán thành bột mịn. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 2-3g (Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam).
3. Chữa kiết lỵ, đau dạ dày ợ hơi, ợ chua:
- Dùng hạt núc nác phơi khô, tán thành bột mịn, hoặc sắc uống mỗi ngày 8-10g (Trồng hái và dùng cây thuốc).
4. Chữa viêm phế quản, ho lâu ngày:
- Mộc hồ điệp 10g, đường phèn hay kẹo mạch nha 30g, nước 300ml sắc còn 200ml. Chia 3 lần uống trong ngày (Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam).
5. Viêm đường tiết niệu, đái buốt ra máu:
- Vỏ núc nác, rễ Cỏ tranh, Mã đề mỗi thứ một nắm, sắc nước uống.
6. Ho lâu ngày:
- 5-10g hạt, sắc nước hoặc tán bột uống.
7. Lở do dị ứng sơn:
- Vỏ Núc nác nấu cao, dùng uống và bôi vào chỗ lở.
8. Chữa viêm khí quản cấp tính, ho gà:
- Dùng mộc hồ điệp 4g, an nam tử 12g, cát cánh 6g, cam thảo 4g, tang bạch bì (vỏ trắng rễ cây dâu tằm) 12g, khoản đông hoa 12g. Sắc lấy nước, thêm 60g đường phèn vào hòa tan, chia uống nhiều lần trong ngày (Hiện đại thực dụng trung dược). “An nam tử” là tên dùng trong đơn thuốc của vị “bạng đại hải”, tức là hạt “lười ươi” (Sterculia lychnophora Hance.), có mọc ở Biên Hòa, Bà Rịa, Bình Ðịnh, Bình Thuận, Phú Yên, Quảng Trị…
9. Chữa sỏi thận, sỏi bàng quang:
- Dùng vỏ núc nác 16g, chi tử (quả dành dành) 20g, mã đề thảo (lá và bông mã đề) 20g, xương bồ 8g, mộc thông 12g, tỳ giải 30g, quế chi 4g, cam thảo đất 20g; Sắc nước, chia 2 lần uống trong ngày vào lúc đói bụng (Thuốc Nam và Châm cứu).
10. Chữa viêm đường tiết niệu, tiểu buốt ra máu:
- Núc nác, Mã đề, rễ Cỏ tranh, mỗi vị một nắm tay, sắc thành thuốc uống mỗi ngày.
Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về một số tác dụng hay về loại dược liệu này!
Lưu ý
- Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo
- Người bệnh không tự ý áp dụng
- Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng
Nguồn: tracuuduoclieu.vn tham khảo Sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam