Theo tài liệu cổ: Cẩu tích chữa có Vị ngọt, đắng, cay, tính ôn. Cây có tác dụng bổ can thận, mạnh gân xương, trừ phong thấp. Cùng MedPlus tìm hiểu kỹ về công dụng và bài thuốc hay nhé !
Thông tin cơ bản
1. Thông tin khoa học:
- Tên Tiếng Việt: Cẩu tích chữa, Kim Mao Cẩu Tích, Cu Ly, Nhung Nô, Xích Tiết, Lông cu ly, Cù liền, Lông khỉ, Kim mao
- Tên khoa học: Cibotium barometz (L.) J.Sm.
- Họ: họ Kim mao (Dicksoniaceae).
2. Mô tả cây
- Dược liệu:
- Đoạn thân rễ đã loại bỏ lớp lông màu vàng nâu bên ngoài, mặt ngoài rất gồ ghề, khúc khuỷu, có những chỗ lồi lên thành mấu, màu nâu hoặc nâu hơi hồng, đường kính 2 – 5 cm, dài 4 – 10 cm, rất cứng, khó cắt, khó bẻ gẫy; đôi khi còn sót lại ít lông màu vàng nâu. Dược liệu khi dùng thường đã thái thành phiến mỏng hình dạng thay đổi, mặt cắt ngang nhẵn, màu nâu hồng hay nâu nhạt, có vân.
3. Phân bố, thu hái và chế biến
Phân bố
- Thân rễ quanh năm, tốt nhất vào mùa thu-đông, cắt bỏ rễ con và cuống lá, cạo hết lông vàng để riêng. Rễ củ đã cạo hết lông, rửa sạch, thái phiến hay cắt từng đoạn dài 4-10mm, phơi hay sấy khô. Cần bảo quản nơi khô ráo. Khi dùng tẩm dược liệu với rượu để một đêm rồi sao vàng.
Thu hoạch
- dùng hoa, thân và rễ thu hái gần như quanh năm.
Bộ phận dùng
- Thân rễ đã (Rhizoma Cibotii) cạo sạch lông, phơi hay sấy khô
Chế biến
- Rang cát nóng, cho dược liệu đã thái phiến vào, tiếp tục rang cho cháy hết lông còn sót lại. Lấy ra để nguội, rửa sạch, ngâm nước 12 giờ, đồ kỹ cho mềm, tẩm rượu 12 giờ rồi sao vàng, có thể chích muối ăn để tăng bổ thận.
Công dụng và tác dụng chính
A. Thành phần hoá học
- Thân rễ cẩu tích chứa tinh bột (30%) và aspidinol, lông vàng ỏ thân rễ có tanin và sắc tố.
- Thân rễ cẩu tích có các hợp chất: methyl dodecnoate, beta-sitosterol, beta-sitosterol-O-glucopyranoside and 2,3,4,5,6-pentahydroxy cyclohexane carboxylic acid.
- Thân rễ có các thành phần: acid béo (acid oleic, palmitic và octadecanoic), flavonoid (kaempferol, onychin).
B. Tác dụng dược lý
- Dịch chiết methanol thân rễ có tác dụng chống oxy hoá, tác dụng hạ đường huyết.
C. Công dụng, tính vị và liều dùng
Tính vị
- Vị ngọt, đắng, cay, tính ôn.
Qui Kinh
- Can và Thận.
Công năng
- Bổ can thận, mạnh gân xương, trừ phong thấp.
Công Dụng
- Chữa đau khớp, đau lưng, phong thấp, tay chân nhức mỏi, đau dây thần kinh toạ, người già thận yếu đi tiểu nhiều.
- Lông vàng quanh thân rễ dùng đắp ngoài chữa các vết thương chảy máu. Người ta thường để nguyên thân rễ với 4 gốc cuống lá tạo hình con vật 4 chân có lông vàng (Kim mao Cẩu tích) rồi phun rượu vào tạo ẩm cho lông mọc nhiều để lấy lông dùng cầm máu. Hoặc lấy đoạn thân rễ có lông đem treo lên, thỉnh thoảng lại phun rượu để lông mọc tiếp.
Lưu Ý
- Thận hư nhiệt, nước tiểu vàng không nên dùng.
Liều dùng
- 10-18g mỗi ngày, dạng thuốc sắc, ngâm rượu.
Bài thuốc sử dụng
1. Chữa đau lưng, gân mạch khớp chân khó cử động:
– Cẩu tích, đỗ trọng, khương hoạt, nhục quế mỗi thứ 30 g; tỳ giải, chế phụ tử, ngưu tất mỗi thứ 50 g; tang ký sinh 40 g. Rượu trắng 1.500 ml ngâm một tuần, lọc phần trong để uống. Hoặc ngâm 3 lần nhập lại để uống thì kinh tế hơn.
– Cẩu tích, khương hoạt, đỗ trọng, quế tâm, tang ký sinh, phụ tử chế mỗi thứ 30 g; tỳ giải, ngưu tất mỗi thứ 45 g. Rượu trắng 2.500 ml ngâm như trên (hai bài trên cùng công dụng, cùng thành phần, khác liều lượng).
2. Chữa can thận hư suy, phong thấp lưng chân đau:
Cẩu tích, đan sâm, hoàng kỳ mỗi thứ 30 g, đương quy 25 g, phòng phong 15 g; rượu trắng 1.000 ml.
3. Chữa lưng đau, gối mỏi thuộc thận âm hư:
Cẩu tích, thỏ ty tử, đương quy, phục linh, lượng bằng nhau. Nghiền thành bột, luyện mật ong thành viên 9 g. Ngày uống 3 lần. Mỗi lần 1-2 viên uống với nước sôi.
4. Chữa can thận bất túc, đau mỏi thắt lưng tiểu tiện luôn, phụ nữ đới hạ.
Cẩu tích 16 g, ngưu tất, thỏ ty tử, sơn thù du, lộc giao (chưng), đỗ trọng mỗi thứ 12 g, thục địa 16 g. Sắc uống.
5. Chữa lưng gối mỏi do thận can hư:
Cẩu tích 10 g, sa uyển tử 12-15 g, đỗ trọng 10-12 g. Sắc uống ngày một thang.
6. Chữa viêm cột sống tăng sinh có gai do can thận bất túc:
Cẩu tích, bạch thược, thục địa, nhục thung dung, ngưu tất, cốt toái bổ mỗi thứ 15 g; sơn thù du, câu kỷ tử, nữ trinh tử, đương quy mỗi thứ 10 g; kê huyết đằng 30 g; mộc hương 6 g. Sắc uống ngày một thang.
7. Chữa đau nhức tất cả các khớp to nhỏ (riêng từng khớp hoặc cùng lúc nhiều khớp vào buổi sáng ngủ dậy hoặc về chiều tối nhiều hơn):
Cẩu tích 30 g; cốt toái, huyết giác, độc hoạt, ngưu tất mỗi thứ 20 g; sinh địa, mạch môn, mộc qua, đan bì, cốt khí củ mỗi thứ 15 g.
8. Chữa các khớp tê buốt, sưng phát cước, sợ nước, sợ lạnh ăn kém tiêu, đại tiện lỏng:
Cẩu tích, bạch chỉ, cốt toái, thiên niên kiện, độc hoạt, thương truật đều 15 g; bạch truật 20 g; xuyên khung, tô mộc, tùng hương hay nhũ hương, quế chi đều 10 g; phụ tử chế, cam thảo đều 8 g. Sắc uống hai ngày một thang.
9. Chữa chứng bạch đới, di tinh, tiểu nhiều lần, thận hư yếu, đau lưng gối mỏi:
Kim anh tử và dây tơ hồng mỗi vị 8g, đỗ trọng 10g, thục địa 12g và cẩu tích 15g. Đem các vị sắc uống trong ngày.
10. Chữa bại liệt co quắp, chân tay yếu mỏi, đau nhức khớp xương do phong thấp:
Bạch chỉ 4g, xuyên khung 4g, đương quy 10g, bổ cốt toái, tục đoạn mỗi vị 12g, cẩu tích 15g. Các vị sắc uống hằng ngày, mỗi ngày dùng 1 thang.
Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về một số tác dụng hay về loại dược liệu này!
Lưu ý
- Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo
- Người bệnh không tự ý áp dụng
- Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng
Nguồn: tracuuduoclieu.vn tham khảo Sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam