Thiên Trúc Hoàng luôn được xem là dược liệu quý trong Y học với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ về đặc điểm của dược liệu này. Hôm nay medplus xin giới thiệu đến bạn đọc các công dụng cũng như bài thuốc tiêu biểu từ loại dược liệu này nhé!
Thông Tin Dược Liệu
Tên tiếng Việt: Trúc hoàng phấn, Phấn nứa, Trúc cao, Thiên trúc hoàng
Tên khoa học: Concretin silicea Bambusa
Họ: Poaceae (Lúa)
1. Đặc điểm dược liệu
Những cây nứa này bị một loại bệnh làm cho chất nước trong cây ngưng đọng lại. Tên những cây nứa ở nước ta chưa được xác định chắc chắn, vì ít khi thấy có hoa hoặc quả. Có tác giả xác định là Arundinaria racemosa Munro hoặc Bambusa arundinacea Retz (A. Pételot, 1954).
Theo các tác giả Trung Quốc (Dược tài học, 1960) các loài nứa có thiên trúc hoàng lại là các loài Phvliotachys reticulaa c. Koch hoặc Phyilostachys nigra Munro var henonis Makino thuộc cùng họ Lúa Poaceae (Gramineae). Do đó tên những cây nứa cho thiên trúc hoàng cần được nghiên cứu thêm. Chỉ biết hiện nay ta vẫn khai thác vị thiên trúc hoàng để dùng trong nước và xuất sang Trung Quốc.
2. Phân bố
Tại những vùng rừng núi ở nuớc ta đều có. Việt Nam là một trong các nước có thiên trúc hoàng bán sang Trung Quốc. Ngoài ra, theo Dược tài học, Trung Quốc còn mua của Ấn Độ, Inđônêxya.
3. Chế biến
Bốn mùa đều có thể có thiên trúc hoàng, nhưng thường hay có vào thu đông, vì nước trong các đốt tre, nứa dần dần ngưng đọng lại mà có. Thường khi đốt nương làm rẫy, người ta thu thập ở nhưng đốt cây nứa bị đốt cháy. Lấy ra phơi khô là được.
Nhưng nếu đốt quá nóng, màu sắc chuyển màu xanh xám hay đen xám là kém, nếu lẫn đất cát phẩm chất còn kém hơn. Những cục trắng được coi là loại tốt. Kích thước to nhỏ không nhất định: to có thể đạt tới 1-1,5cm, nhỏ chỉ đo đuợc 1-2mm. Chất nhẹ, dễ vỡ vụn, nếm thì thấy dính vào lưỡi, không có mùi vị gì đặc biệt.
Công dụng và Liều dùng
1. Tính vị
Vị ngọt, tính hàn.
2. Thành phần hoá học
Thành phần chủ yếu gồm có kali hydroxyl (1,1%), silic (90,5%), Al2O3 (0,9%), Fe203 (0,9%). Ngoài ra còn có ít canxi cacbonat.
3. Công dụng
Thanh nhiệt trừ đàm, định tâm, an thần, đuổi phong nhiệt.
4. Chủ trị
Chữa sốt cao, hôn mê, vật vã, mê sảng.
Chữa viêm phế quản, viêm phổi khó thở, đờm khò khè.
Chữa trẻ em sốt cao, hôn mê, co giật.
Dùng chữa người lớn trúng phong cấm khẩu, bệnh nhiệt hôn mê, trẻ con bị kinh giật.
5. Liều dùng
Ngày dùng 3 – 6g dạng thuốc sắc; 1 – 3g dạng thuốc bột.
Các bài thuốc tiêu biểu từ Dược Liệu
1. Chữa kinh giật, sốt mê man, trúng phong cấm khẩu
Thiên trúc hoàng là một vị thuốc dùng trong nhân dân, chủ yếu để chữa trẻ con bị kinh giật (an thần, định kinh giản) dùng cho người lớn chữa các trường hợp sốt mê man, bị cảm, không nói được. Ngoài ra còn có tác dụng chữa ho, trừ đờm.
2. Chữa các bệnh về não, lên kinh (đơn thuốc của Diệp Quyết Tuyển):
Thiên trúc hoàng 2g, ngưu hoàng 1g, chu sa 0,30g. Tất cả tán nhỏ. Trộn đều. Ngày uống 3g. Chia làm 3 lần mỗi lần uống 1g. Trẻ con dùng nửa liều hay ít hơn, tuỳ theo tuổi.
3. Thanh tâm, trấn kinh
Chữa sốt nóng, mê man, nói mê, trẻ em trúng phong (cảm gió), co giật.
Bài 1
Bột thiên trúc hoàng: cương tằm, thiên trúc hoàng, uất kim, chi tử, thuyền thoái, cam thảo. Các vị có liều lượng như nhau, nghiền chung thành bột mịn. Mỗi lần uống 4g với nước đun sôi hoặc sắc uống. Chữa trẻ em trúng phong, khóc đêm.
Bài 2
thiên trúc hoàng 2g, ngưu hoàng 1g, chu sa 0,3g. Các vị tán bột trộn đều. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 1g. Trẻ em dùng nửa liều hay ít hơn tùy theo tuổi. Chữa các bệnh về não, kinh quyết.
Bài 3
Tiểu nhi hồi xuân đan: thiên trúc hoàng, mộc hương, trần bì, bạch đậu khấu, bán hạ, toàn yết, bối mẫu, chỉ xác, trầm hương, cương tằm, đàn hương, thiên ma mỗi loại 40g; đơm nam tinh 60g, đại hoàng 60g, cam thảo 28g, câu đằng 24g; xạ hương, ngưu hoàng, chu sa (tán bột để riêng) mỗi loại 12g. Các vị tán bột mịn, làm viên nặng 0,09g, lấy bột chu sa bao áo. Dưới 1 tuổi dùng mỗi lần 1 hoàn, 1 – 2 tuổi dùng 2 hoàn, ngày uống 2 – 3 lần. Tác dụng khai khiếu định kinh, thanh nhiệt hóa đàm. Trị trẻ em kinh cấp, sốt cao phiền táo mê man, kinh sợ co quắp, nôn, dạ đề nôn trớ, ho hen đàm suyễn, đau bụng đi tướt.
Lưu Ý khi sử dụng Dược Liệu để trị bệnh
Kiêng kỵ
Những người không có thực nhiệt không nên dùng.
Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về Dược Liệu cũng như một số bài thuốc hay về vị thuốc này nhé !
Lưu ý
- Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo
- Người bệnh không tự ý áp dụng
- Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng
Nguồn: tracuuduoclieu.vn , tham khảo
Sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam