Cùng Medplus tìm hiểu về cách điều trị và triệu chứng của bệnh viêm sụn vành tai qua bài viết dưới đây bạn nhé!
1. Viêm sụn vành tai là gì?
Trước tiên để hiểu được bệnh viêm sụn vành tai là gì thì chúng ta cần xác định được chính xác vị trí vành tai. Chắc nhiều bạn cũng biết, phần vành tai hay còn gọi là loa tai là một phần của tai ngoài.
Chức năng của vành tai là giúp chúng ta thu nhận âm thanh từ mọi phía mà không cần phải cử động tai hay phải xoay đầu. Có cấu trúc bao gồm phần sụn, cơ và dây chằng nên sụn vành tai thường có độ dẻo, dai và độ đàn hồi nhất định. Đây cũng chính là bộ phận thường xuyên tiếp xúc với môi trường bên ngoài, chính vì vậy, bộ phận này có nguy cơ nhiễm khuẩn tương đối cao.
Bệnh viêm sụn vành tai chính là tình trạng nhiễm trùng mô bao quanh và nuôi dưỡng sụn ở vành tai. Biểu hiện của người mắc bệnh này đó chính là: Vùng vành tai bị đỏ, sưng, đau, có mủ hoặc chảy dịch. Một số trường hợp bệnh nhân nặng có thể bị sốt hoặc biến dạng cấu trúc tai.
2. Nguyên nhân gây viêm sụn vành tai là gì?
Nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm sụn vành tai là do vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa. Ngoài ra, các nguyên nhân khác cũng gây ra tình trạng này như:
- Phẫu thuật tai
- Xỏ lỗ tai
- Các môn thể thao có tính đối kháng
- Chấn thương một bên đầu
Viêm sụn vành tai có thể dẫn đến viêm sụn, gây tổn thương nghiêm trọng đến cấu trúc tai.
3. Triệu chứng viêm sụn vành tai
Biểu hiện của bệnh tùy thuộc vào khoảng thời gian kể từ khi bệnh nhân tiếp xúc với nguyên nhân gây bệnh. Tùy từng giai đoạn, người bệnh viêm sụn vành tai sẽ gặp phải các triệu chứng sau:
- Ban đầu có dấu hiệu ngứa rát, hơi đau ở vị trí tổn thương. Sau đó bị nóng, sưng, đỏ vành tai.
- Khi bị viêm tấy thành mủ, bệnh nhân bị đau sụn tai rõ hơn, sưng nhiều hơn, vành tai bị sưng nhiều, làm mất các nếp bình thường.
- Nếu không điều trị, bệnh có thể dẫn đến viêm sụn hoại tử với các triệu chứng đau dữ dội, sưng tấy và căng mọng vành tai, mất các nếp vành tai.
- Trường hợp không xử trí tốt, sụn vành tai bị hoại tử, dẫn tới sưng tấy hóa mủ và vỡ mủ, làm vành tai bị co rúm, gây ảnh hưởng tới thẩm mỹ.
- Triệu chứng khác: Sốt, mệt mỏi,…
Bệnh viêm sụn vành tai do xỏ lỗ tai thường trải qua 4 giai đoạn bệnh: Viêm tai thanh dịch – xung huyết – viêm tấy – hóa mủ và hoại tử sụn. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng này có thể để lại các di chứng ảnh hưởng tới thẩm mỹ (mất sụn tai, da tai nhăn nheo, biến dạng tai), chức năng của vành tai (nguy cơ viêm tai, suy giảm thính lực hoặc mất thính lực). Thậm chí, vi khuẩn từ màng sụn tai có thể đi vào máu, gây nhiễm trùng, dẫn tới tốn kém chi phí, quá trình điều trị kéo dài, thậm chí có nguy cơ tử vong.
4. Điều trị viêm sụn vành tai
Khi nhận thấy có những triệu chứng cảnh báo viêm sụn vành tai, bệnh nhân nên đi khám để được chẩn đoán, điều trị phù hợp. Điều này giúp người bệnh tránh khỏi nguy cơ gặp những biến chứng ảnh hưởng tới thẩm mỹ và chức năng của vành tai.
Thông thường, bác sĩ có thể chẩn đoán viêm sụn vành tai thông qua hỏi bệnh sử, thăm khám lâm sàng, xem xét các triệu chứng trên tai. Trường hợp vành tai có dịch hoặc mủ, bác sĩ sẽ nuôi cấy vi khuẩn để lựa chọn phương pháp xử trí và loại kháng sinh điều trị phù hợp nhất.
Dựa vào kết quả kiểm tra tai, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp. Nếu nghi ngờ có mủ, bác sĩ sẽ yêu cầu phẫu thuật để dẫn lưu dịch.
Phương pháp điều trị phổ biến cho viêm sụn vành tai là kháng sinh, cụ thể là levofloxacin. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định một loại kháng sinh khác để đảm bảo tình trạng viêm sẽ nhanh khỏi. Tùy vào tình trạng sức khỏe, bạn có thể dùng kháng sinh dạng uống hoặc tiêm tĩnh mạch.
Đối với viêm sụn tự miễn, bác sĩ sẽ chỉ định các thuốc steroid như prednisone để ức chế phản ứng miễn dịch và ngăn chặn nó tấn công đến sụn tai và các bộ phận khác của cơ thể.
Nếu viêm sụn vành tai nghiêm trọng tới mức gây ra tai súp lơ, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật thẩm mỹ loại bỏ phần tai tổn thương.
Tìm hiểu từ nguồn:Verywell Health
Như vậy, Medplus đã cung cấp cho bạn đọc đầy đủ thông tin hữu ích về các bệnh viêm sụn vành tai, hy vọng bài đọc sẽ cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin bổ ích, giúp bạn nâng cao tầm hiểu biết mà hạnh phúc hơn.
Bên cạnh đó, Medplus cũng cung cấp một số thông tin liên quan :
- NÃO ÚNG THỦY: NGUYÊN NHÂN VÀ ĐIỀU TRỊ
- 4 ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ CHẤN THƯƠNG SỌ NÃO LÀ GÌ?
- CHẤN ĐỘNG NÃO: NGUYÊN NHÂN VÀ ĐIỀU TRỊ
- BỆNH ÁP XE NÃO LÀ GÌ? ĐIỀU TRỊ NHƯ THẾ NÀO