Việc trẻ ăn quá chậm có thể làm ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và hành vi của trẻ. Khi tốn quá nhiều thời gian cho những bữa ăn như vậy, trẻ có thể bỏ mứa thức ăn hoặc cảm thấy no tới tận bữa sau, rồi lại tiếp tục phải dành nhiều thời gian cho bữa tiếp theo. Vậy bố mẹ cần phải làm gì khi trẻ ăn chậm?
Trẻ ăn chậm là như thế nào?
Khi trẻ ăn chậm, bố mẹ có thể dễ dàng nhận thấy những dấu hiệu điển hình như:
- Mất từ 45 phút đến 1 tiếng trở lên để ăn một bữa cơm.
- Thích nghịch thức ăn thay vì nhai và nuốt, đặc biết rất hay ngậm.
- Phải có người nhắc nhở, trẻ mới chịu nhai và nuốt.
Có rất nhiều lý do dẫn đến tình trạng trẻ ăn quá chậm, trong đó bao gồm:
- Trẻ thích khám phá trước khi nhai và nuốt thức ăn.
- Khả năng tập trung của trẻ chưa tốt.
- Trẻ ăn quá nhiều bữa xế trong ngày nên cảm thấy no và ăn chậm hơn vào bữa chính.
- Trẻ muốn thể hiện tính độc lập, tự chủ trong ăn uống.
- Trẻ bị chậm phát triển thể chất.
Bố mẹ nên làm gì khi trẻ ăn chậm?
Quát mắng hay đánh trẻ để ép con ăn không phải là cách đem lại kết quả khả quan. Dưới đây là một vài cách giúp bố mẹ cải thiện tình trạng trẻ ăn chậm:
Điều chỉnh thời gian ăn cho trẻ một cách hợp lý
Đối với trẻ nhỏ, thông thường một bữa ăn kéo dài khoảng 30-45 phút. Vì vậy, bố mẹ không nên ép trẻ phải ăn xong trong khoảng thời gian quá ngắn, ví dụ như 15 phút. Dù ăn quá chậm hay quá nhanh đều không tốt cho dạ dày của trẻ.
Giảm bớt số bữa ăn vặt của trẻ
Trẻ nhỏ thường rất thích ăn vặt. Nếu bố mẹ cho con ăn liên tục trong ngày, khi đến bữa chính, trẻ sẽ cảm thấy no và không muốn ăn nữa. Vì vậy, mỗi ngày bố mẹ nên điều chỉnh thời gian biểu phù hợp cho trẻ, mỗi ngày chỉ có 1-2 bữa ăn phụ và mỗi bữa chính cách nhau 3-4 tiếng. Ngoài ra, bố mẹ cũng cần lưu ý khi cho trẻ ăn vặt, hãy chọn các loại thực phẩm lành mạnh như trái cây, sữa chua để con không bị quá no.
Loại bỏ các yếu tố khiến trẻ dễ xao nhãng, mất tập trung
Một sai lầm mà không ít các bậc bố mẹ ngày nay thường mắc phải là cho trẻ xem tivi, sử dụng điện thoại hay máy tính bảng trong khi ăn. Vì trẻ nhỏ rất dễ mất tập trung, nên việc bố mẹ cho trẻ sử dụng các thiết bị điện tử trong khi ăn sẽ khiến con hình thành thói quen ăn chậm.
Khích lệ và động viên trẻ
Khen ngợi và động viên trẻ cũng là một cách giúp cải thiện tình trạng ăn chậm ở trẻ hơn. Vào mỗi lần trẻ ăn xong bữa trong khoảng thời gian quy định, hoặc chỉ đơn giản là trẻ ăn nhanh hơn bữa ăn trước đó, bố mẹ hãy khen ngợi và khích lệ con. Từ đó, trẻ sẽ có động lực ăn với tốc độ phù hợp hơn vào những bữa ăn sau.
Chú ý tới lượng thức ăn mỗi bữa
Nhiều bố mẹ chuẩn bị rất nhiều thức ăn cho trẻ với mong muốn con sẽ ăn được nhiều hơn và tăng cân nhanh chóng. Tuy nhiên, việc này dễ khiến trẻ cảm thấy chán hơn. Ngoài ra, nếu phải tiêu thụ quá nhiều, trẻ cũng có nguy cơ bị thừa cân, béo phì. Do đó, bố mẹ hãy chú ý tới thực đơn hằng ngày của trẻ để đảm bảo chế độ dinh dưỡng phù hợp với lứa tuổi và cân nặng của con.
Sáng tạo hơn trong quá trình chế biến thức ăn cho trẻ
Bố mẹ có thể sáng tạo hơn trong việc chế biến thức ăn cho trẻ để khiến các bữa ăn của con trở nên hấp dẫn và thú vị hơn. Bố mẹ có thể:
- Cắt rau củ thành nhiều hình thù khác nhau (như ngôi sao, trái tim…).
- Sử dụng các loại bát, đĩa có in hình nhân vật hoạt hình yêu thích của trẻ để chứa thức ăn.
- Đặt tên vui nhộn cho các loại rau củ, ví dụ như “bé đậu đỏ dễ thương” hay “anh súp lơ to khỏe”.
- Cho trẻ tham gia vào quá trình chuẩn bị và chế biến bữa ăn.
Hy vọng qua bài viết trên, bố mẹ đã biết cách làm gì khi con ăn chậm, từ đó cải thiện chất lượng những giờ ăn của trẻ, giúp con hấp thụ đầy đủ các chất dinh dưỡng một cách hợp lý.
Xem thêm bài viết:
- Nên cho trẻ uống sữa ít béo hay sữa nguyên kem?
- Giữ cơm trưa an toàn thực phẩm cho trẻ
- Thể dục cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt
Nguồn: verywellfamily