Việc dạy bé học chữ cái từ sớm sẽ giúp con hình thành nền tảng vững chắc hơn, phục vụ cho việc học tập sau này. Tuy nhiên, đây là quá trình đòi hỏi bố mẹ cần phải thật kiên nhẫn và không phải bố mẹ nào cũng biết cách dạy bảng chữ cái cho con hiệu quả.
Thời điểm tốt nhất để dạy bé học chữ cái
Theo các chuyên gia về Ngôn ngữ và Trị liệu ngôn ngữ cho trẻ em, bố mẹ không nên quá lo lắng về vấn đề dạy chữ cái cho bé ở độ tuổi mầm non. Đừng nên ép bé phải học bảng chữ cái từ quá sớm nếu con tỏ vẻ không quan tâm.
Khi bé ở giai đoạn 2-5 tuổi, bố mẹ có thể tạo điều kiện cho bé tiếp cận và làm quen dần với bảng chữ cái một cách nhẹ nhàng. Hãy để cho bé vừa chơi vừa học một cách thoải mái. Nếu không, việc dạy bé học chữ cái không những không hiệu quả mà còn tạo áp lực lên con và lên chính bố mẹ.
Như vậy, không quan trọng là bố mẹ dạy bé học bảng chữ cái vào thời điểm nào, mà là dạy con học như thế nào.
Mẹo dạy bé học chữ cái hiệu quả
Dưới đây là những “bí kíp” mà bố mẹ có thể áp dụng để dạy dạy bé học chữ cái tiếng Việt hiệu quả, giúp con học với tâm thế sẵn sàng, tâm trạng vui vẻ và bố mẹ không phải quá lo lắng khi con không chịu hợp tác.
1. Không dạy quá dồn dập
Bố mẹ có thể cho bé dần làm quen với các chữ cái khi con được khoảng 3 tuổi. Tuy nhiên, hãy cho con học từng chút một, không quá dồn dập. Hãy bắt đầu bằng một chữ cái mỗi ngày, sau đó tăng lên 2 rồi dần dần tăng số chữ cái lên theo thời gian, khi con đã có vẻ ghi nhớ tốt những chữ ái mà mình đã học.
Đến khi bé được 5 tuổi, bố mẹ có thể dạy bé bảng chữ cái hoàn chỉnh, bao gồm cả chữ thường và chữ in hoa. Thông thường, bé ở giai đoạn 5-6 tuổi có khả năng ghi nhớ chữ cái rất tốt.
2. Quan tâm đến không gian học tập của bé
Bố mẹ hãy chuẩn bị cho bé một góc học tập nho nhỏ, trong đó có các dụng cụ học tập như sách vở, giấy, bút… với hình trang trí dễ thương để tạo cho bé cảm giác hứng thú hơn khi học. Thời gian học mỗi ngày của bé không nên kéo dài quá 30 phút để con không bị chán nản, mệt mỏi và tiếp thu hiệu quả.
Ngoài ra, trong lúc dạy bé học chữ cái, bố mẹ cũng nên tắt hết các thiết bị điện tử gây xao nhãng như tivi, điện thoại, máy tính bảng…
3. Hướng dẫn bé tự tập viết các chữ cái
Bé sẽ ghi nhớ tốt hơn nếu có thể tự mình viết các chữ cái. Với bé trên 5 tuổi, khi con mới bắt đầu tập viết, bố mẹ có thể cho con viết tự do trên giấy bằng cách sử dụng các loại bút to, dễ cầm như bút sáp màu. Dần dần, khi bé đã quen với cách cầm bút, bố mẹ mới bắt đầu yêu cầu con viết chậm lại, nắt nót và chính xác hơn.
4. Thường xuyên đọc sách cùng bé
Việc đọc sách cùng bé có thể đem lại rất nhiều lợi ích đối với sự phát triển con, đặc biệt là giúp bé có cơ hội làm quen với chữ cái. Bố mẹ nên cho trẻ tiếp xúc với sách truyện càng sớm càng tốt. Hãy đọc sách cùng con trước khi đi ngủ hoặc khi bố mẹ rảnh rỗi vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày.
Bố mẹ hãy lựa chọn những cuốn sách có in chữ to, rõ ràng với hình minh họa hấp dẫn, đồng thời sử dụng nhiều giọng nói khác nhau trong khi kể chuyện để vừa tạo hứng thú cho bé, vừa kích thích trí tưởng tượng của con.
5. Cho bé vừa học vừa chơi
Bé sẽ có thể tiếp thu kiến thức rất hiệu quả nếu vừa học vừa chơi. Bố mẹ có thể cùng bé tham gia vào các trò chơi giúp ích cho việc học chữ của con, ví dụ như lắp chữ cái vào bảng, hát những bài về bảng chữ cái, tìm chữ cái theo yêu cầu… Bố mẹ có thể mua hoặc tự làm thẻ chữ để phục vụ cho những trò chơi này của bé.
6. Dán các chữ cái ở những nơi bé dễ thấy trong nhà
Bé hẳn sẽ cảm thấy rất thích thú khi thường xuyên được nhìn thấy nhiều chữ cái với những hình dáng và màu sắc khác nhau xuất hiện ở khắp mọi nơi trong nhà. Bố mẹ có thể viết hoặc tô chữ cái lên các tờ giấy và dán chúng ở nhiều nơi, đặc biệt là những vị trí bé dễ nhìn thấy và hay đi tới nhất.
Đôi khi, bố mẹ có thể yêu cầu bé đi tìm chữ cái theo chỉ dẫn, hoặc mỗi khi bắt gặp chữ cái nào đó, bố mẹ hãy hỏi con đó là chữ gì. Đây là cách dạy bé học chữ cái vừa đơn giản vừa thú vị và hiệu quả được nhiều bố mẹ áp dụng.
7. Liên hệ chữ cái với môi trường xung quanh bé
Mỗi khi cùng bé ra khỏi nhà và thấy những biển báo, biển quảng cáo… trên đường có in chữ to, rõ ràng, bố mẹ hãy tận dụng để hỏi con về những chữ cái xuất hiện trên đó. Qua đó, bé sẽ có thể ghi nhớ nhanh hơn và hiểu được chữ cái là một phần quan trọng, xuất hiện ở mọi nơi trong cuộc sống xung quanh mình.
Xem thêm bài viết:
- Nên cho trẻ uống sữa ít béo hay sữa nguyên kem?
- Giữ cơm trưa an toàn thực phẩm cho trẻ
- Thể dục cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt
Nguồn: verywellfamily