Đọc sách là hoạt động vừa vui, vừa đem lại nhiều lợi ích tinh thần cho trẻ nhỏ. Đặc biệt, nhiều kỹ năng, khả năng của trẻ học được qua việc nghe đọc sách, kể chuyện. Qua những lần nghe bố mẹ đọc sách và kể chuyện, trẻ không chỉ cảm thấy vui vẻ, gần gũi hơn với bố mẹ, mà những khả năng, kỹ năng sau của trẻ cũng phát triển mạnh mẽ:
1. Sử dụng linh hoạt nhiều từ ngữ
Trẻ 2 tuổi bắt đầu mở rộng vốn từ vựng một cách nhanh chóng, nên bố mẹ cần đọc sách cho trẻ thường xuyên để giúp trẻ học nhiều từ mới hơn. Khi đọc, bố mẹ nên di ngón tay theo từng từ, thỉnh thoảng dừng lại và hỏi trẻ tên của những đồ vật trong tranh. Ngoài ra, bố mẹ hãy cùng trẻ bàn luận về mối quan hệ giữa câu chuyện và tranh minh họa nhé!
2. Kết nối với bố mẹ
Trong khoảng thời gian đọc sách, sự tương tác giữa bố mẹ và trẻ sẽ được tăng cường. Trẻ tập trung nghe giọng của bố mẹ, bố mẹ đặt ra câu hỏi và trẻ trả lời… Tất cả những điều này đều khiến trẻ cảm thấy gần gũi với bố mẹ hơn, dễ dàng chia sẻ với bố mẹ nhiều điều hơn.
3. Sử dụng ngôn ngữ nói
Những trẻ thường xuyên tiếp xúc với sách sẽ lắng nghe và trò chuyện rất nhiều. Khi nghe bố mẹ đọc, trẻ sẽ học nhận diện âm thanh của từ ngữ, từ đó sẽ bắt chước cách đọc và tông giọng kể chuyện của bố mẹ.
4. Nhận thức về âm tiết
Việc nghe đọc sách giúp trẻ phát triển nhận thức về cấu trúc của từ ngữ, và cách các từ tạo thành câu. Sau này, trẻ sẽ phân biệt được các âm tiết riêng rẽ khi nghe bố mẹ đọc. Những trẻ này về sau cũng học đọc dễ dàng hơn.
5. Tập trung và chú ý
Trẻ nhỏ có thể không thích ngồi yên một chỗ quá lâu. Vậy nên bố mẹ đừng ép trẻ phải tập trung, mà hãy cố gắng tăng tương tác trong lúc đọc và làm cho câu chuyện trở nên thật hấp dẫn. Như vậy, khả năng tập trung chú ý của trẻ cũng dần tăng lên.
Bố mẹ có thể tham khảo một vài “mẹo” giúp trẻ tập trung khi đọc sách như:
- Đọc trước giờ đi ngủ, vì đây là lúc trẻ ít hiếu động nhất.
- Đọc những cuốn sách phù hợp với trẻ.
- Kết hợp nhiều cử chỉ trong quá trình đọc, như lắc lư theo giai điệu trong câu chuyện.
6. Suy nghĩ tích cực, hành động hợp lý
Trẻ 2-3 tuổi bắt đầu hiểu hơn về cách cư xử và biết trì hoãn, kiềm chế những mong muốn của mình. Do đó, bố mẹ nên đọc cho trẻ nghe những cuốn sách lồng ghép các bài học về đạo đức, để giúp trẻ học hỏi và củng cố các kỹ năng xã hội nhé.
7. Tin tưởng bố mẹ
Khi bố mẹ nhận ra sở thích của trẻ, thì việc đọc sách cũng trở nên thú vị và vui vẻ hơn. Khoảng thời gian thư giãn, cùng đọc sách và trò chuyện hằng ngày sẽ khiến trẻ hiểu rằng, bố mẹ thích tham gia các hoạt động cùng với trẻ. Dần dần, trẻ sẽ học được cách cảm thấy an toàn và tin tưởng bố mẹ. Việc này khiến trẻ tự tin hơn trong học tập, tìm hiểu kiến thức, cũng như chia sẻ cảm xúc với bố mẹ mình.
Xem thêm bài viết:
- Nên cho trẻ uống sữa ít béo hay sữa nguyên kem?
- Giữ cơm trưa an toàn thực phẩm cho trẻ
- Thể dục cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt
Nguồn: verywellfamily