Để tìm được một phương pháp dạy con chăm chỉ học hành thực sự là một bài toán không dễ đối với rất nhiều bậc cha mẹ. Tuy nhiên, với những phương pháp dạy con chăm học hành dưới đây, bố mẹ có thể giúp trẻ có thêm rất nhiều động lực và hứng thú với việc học.
1. Học dựa trên các trò chơi
Việc cho trẻ học dựa trên các trò chơi là một trong những phương pháp dạy con học ở nhà có rất nhiều lợi ích. Bằng cách này, trẻ sẽ có cơ hội tìm hiểu sâu sắc hơn về các sự việc, đồng thời còn phát triển các kỹ năng phi nhận thức, từ đó có thêm động lực học tập. Khi tham gia vào các trò chơi, dù là trò chơi điện tử hay vận động, thì trẻ đều sẽ thấy việc học thực sự rất thoải mái.
Ở trường, phương pháp này cũng rất hiệu quả để giúp trẻ tập hoạt động theo nhóm. Thông qua các trò chơi, trẻ có thể nỗ lực nhiều hơn, biết cạnh tranh vì đội của mình. Nhờ thế, bản thân trẻ cũng cố gắng tiếp thu được nhiều kiến thức hơn. Tóm lại, khi áp dụng phương pháp dạy học dựa trên các trò chơi, bố mẹ sẽ giúp trẻ tiếp thu các ý tưởng, khái niệm mới một cách dễ dàng và vui vẻ hơn nhiều. Vì với trẻ, việc học chỉ như một trò chơi hoặc thử thách thú vị mà trẻ cần vượt qua mà thôi.
2. Tập trung vào những gì trẻ học được thay vì kết quả
Một lưu ý trong phương pháp dạy con học ở nhà là quan tâm đến những gì trẻ học được thay vì kết quả được thể hiện qua điểm số. Chẳng hạn, thay vì thường xuyên hỏi con được mấy điểm, bố mẹ hãy bảo trẻ kể lại, hoặc dạy lại cho bố mẹ những điều mà trẻ đã học được ở trường.
Mặc dù kết quả học tập cũng quan trọng, nhưng nếu bố mẹ tập trung vào quá trình học của trẻ, trẻ sẽ hiểu được rằng điểm số không phải là điều quan trọng nhất để đánh giá mọi thứ. Ngoài ra, trẻ cũng cảm thấy bố mẹ đang quan tâm đến mình hơn là đến kết quả học tập. Khi kể lại những gì được học trên lớp, trẻ sẽ có cơ hội luyện tập và củng cố kiến thức của mình.
3. Giúp trẻ sắp xếp góc học tập, sách vở…
Việc bố mẹ giúp trẻ sắp xếp góc học tập cho gọn gàng cũng giúp trẻ ham học hơn. Trẻ nhỏ thường khá bừa bộn và sự bừa bộn lại khiến trẻ cảm thấy bị quá tải. Bố mẹ hãy kiên nhẫn giúp trẻ hoặc dạy trẻ cách sắp xếp lại sách vở và dụng cụ học tập mỗi ngày nhé! Điều này sẽ giúp tạo nên không gian học tập gọn gàng, thoải mái và đồng thời cũng giúp trẻ hình thành thói quen sử dụng và sắp xếp đồ đạc một cách ngăn nắp, khoa học. Đây cũng là một động lực để giúp trẻ bắt đầu buổi học với một tinh thần dễ chịu và yêu thích việc học hơn.
4. Ghi nhận những thành tựu của trẻ
Dù trẻ đạt được thành công nhỏ, bố mẹ cũng nên ghi nhận và chúc mừng trẻ. Điều này đặc biệt cần thiết khi trẻ bắt đầu học tiểu học, bởi lúc này, trẻ cần được động viên thường xuyên thì mới có động lực học tập và nỗ lực hơn. Tất nhiên, bố mẹ không cần khen ngợi cả những điều quá đỗi bình thường. Nhưng những việc như trẻ làm tốt bài tập toán, hay vẽ xong một bức tranh khó… thì đều xứng đáng để bố mẹ khen và có thể thưởng cho trẻ một cốc kem chẳng hạn.
5. Tập trung vào thế mạnh của trẻ
Việc tập trung vào những điểm mạnh là rất quan trọng đối với cả sức khỏe tinh thần cũng như sự phát triển khả năng học tập của trẻ. Đây cũng là một cách ghi nhận, giúp trẻ cố gắng học hơn. Chẳng hạn, nếu trẻ bị điểm thấp trong môn toán, thì ngoài việc giúp trẻ cải thiện các kỹ năng toán học, bố mẹ vẫn nên khen ngợi vì trẻ học tiếng Anh rất tốt.
6. Khích lệ và tặng phần thưởng cho trẻ đúng cách
Bố mẹ hãy biến việc học thành thói quen hằng ngày của trẻ. Đây là một phương pháp dạy con tự học rất tuyệt vời, nếu bố mẹ áp dụng đúng cách. Bố mẹ không cần bắt trẻ ngồi ở bàn học suốt ngày mà nên khuyến khích trẻ khám phá thế giới xung quanh, tự đặt ra câu hỏi, tìm cách suy luận… Bố mẹ có thể đóng vai trò hỗ trợ trẻ tìm hiểu, phân tích những gì trẻ nhìn thấy và trải nghiệm. Việc này sẽ giúp trẻ luôn có hứng thú học hỏi mọi lúc mọi nơi.
Trẻ nhỏ cũng rất cần nhận được những sự ghi nhận và khen ngợi từ bố mẹ. Chính vì thế, khi trẻ làm được một việc gì đó dù là rất nhỏ, bố mẹ hãy khen trẻ và có thể tặng “phần thưởng” cho trẻ để trẻ phát huy nhé! Tuy nhiên, khen ngợi cũng là một nghệ thuật, nếu không sử dụng đúng cách sẽ có thể mang lại những hậu quả tiêu cực.
Bố mẹ hãy khen ngợi trẻ trong các trường hợp như khi trẻ hoàn thành những việc vừa sức, khi trẻ hoàn thành tốt bài tập về nhà, khen ngợi cả những thay đổi và thành công nhỏ nhất của trẻ, khen những điểm mạnh của trẻ, thay vì bắt trẻ phải theo một khuôn mẫu nhất định.
Học tập là cả một quá trình đối với trẻ nhỏ nên rất cần sự hỗ trợ của bố mẹ. Với những thông tin cung cấp thêm này, mong rằng bố mẹ đã biết các phương pháp dạy con chăm chỉ học hành và có thể khơi dậy, củng cố được niềm đam mê học tập của trẻ.
Xem thêm bài viết:
- Nên cho trẻ uống sữa ít béo hay sữa nguyên kem?
- Giữ cơm trưa an toàn thực phẩm cho trẻ
- Thể dục cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt
Nguồn: verywellfamily