Trẻ nhỏ, đặc biệt là trong giai đoạn 3-4 tuổi, thường rất hay nói trống không. Lúc này, cách “uốn nắn” của bố mẹ rất quan trọng và có thể ảnh hưởng tới cách cư xử của trẻ với người khác khi con lớn lên. Vì vậy, vấn đê nên làm gì khi trẻ nói trống không cũng được không ít các bố mẹ quan tâm.
1. Chú ý tới phản ứng của bố mẹ
Mặc dù đôi khi trẻ có thể gọi bố mẹ bằng những cái tên có vẻ rất buồn cười, nhưng bố mẹ cũng nên chú ý tới phản ứng của mình. Nếu trong những tình huống như vậy, bố mẹ cười lớn sẽ khiến trẻ cảm thấy đó là việc thú vị và mình có thể tái diễn hành động đó về sau. Ngược lại, bố mẹ cũng không nên tỏ vẻ giận dữ quá mức.
Lúc này, cách tốt nhất mà bố mẹ nên làm là không phản ứng thái quá với việc trẻ nói trống không. Hãy can thiệp bằng cách nhẹ nhàng nói với trẻ rằng con không nên chỉ gọi tên người lớn như cách con gọi bạn bè. Sau đó, bố mẹ có thể bước đi và tập trung làm các việc khác. Việc này sẽ giúp trẻ hiểu rằng đó là hành vi không phù hợp và sẽ không thu hút được sự chú ý của người lớn.
2. Dạy trẻ kiểm soát cơn giận
Nếu trẻ nói trống không với bố mẹ vì con đang bực tức vì điều gì đó, bố mẹ hãy dạy cho con kỹ năng mới: kiểm soát cơn giận. Trẻ cần hiểu rằng nói trống không với người lớn là điều không nên làm và có thể làm tổn thương người đối diện.
Hãy giúp trẻ hiểu rằng con có thể tức giận, nhưng không được làm tổn thương người khác. Mỗi khi bực tức điều gì, thay vì nói những điều không nên, con có thể nói ra cảm xúc của mình, chẳng hạn như: “Con đang rất tức giận”.
3. Phạt trẻ khi cần thiết
Nếu trẻ nói trống không quá nhiều lần, bố mẹ có thể xem xét đưa ra các hình phạt phù hợp, chẳng hạn như bữa ăn hôm đó con không được ăn món hoặc xem chương trình ưa thích của mình.
4. Đặt ra những quy định về việc tôn trọng người khác
Bố mẹ có thể đặt ra những quy định về việc đối xử tốt với những người xung quanh. Hãy thường xuyên nhắc nhở trẻ về quy định này mỗi khi con nói trống không, để con luôn nhớ rằng nói trống không với người lớn là bất lịch sự và là việc con không nên làm.
5. Khuyến khích trẻ nói “lời hay ý đẹp”
Bố mẹ có thể khuyến khích trẻ trò chuyện lịch sự và lễ phép bằng cách thường xuyên khen ngợi con, ví dụ như: “Cảm ơn con vì đã nói rằng con thích chiếc bánh mì bố mẹ làm cho con”.
Sau mỗi lần được khen ngợi như vậy, đặc biệt là khi xưng hô đúng mực, trẻ sẽ được khích lệ và tiếp tục phát huy những hành vi tốt.
6. Bố mẹ làm gương cho trẻ
Trẻ nhỏ thường hay thích bắt chước người lớn, nhất là những người thân thiết xung quanh mình. Do đó, nếu bố mẹ thường xuyên nói trống không hay xưng hô không phù hợp với người khác trong giao tiếp hằng ngày, trẻ cũng sẽ bắt chước theo.
Đó là lý do tại sao bố mẹ làm gương cho trẻ lại là việc rất quan trọng. Bố mẹ hãy đối xử lịch sự với người khác để từ đó trẻ học hỏi theo và không nói trống không với người khác.
Xem thêm bài viết:
- Nên cho trẻ uống sữa ít béo hay sữa nguyên kem?
- Giữ cơm trưa an toàn thực phẩm cho trẻ
- Thể dục cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt
Nguồn: verywellfamily