Sử dụng nút bịt tai khi ngủ là cách chống ồn hiệu quả cho những người khó ngủ hoặc phải ngủ ở những nơi quá ồn ào. Thế nhưng, việc sử dụng nút bịt tai thường xuyên liệu có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của tai không?
Cùng tìm hiểu lợi ích và rủi ro của việc sử dụng nút bịt tai chống ồn khi ngủ trong bài viết sau.
Lợi ích khi đeo nút bịt tai chống ồn khi ngủ
Đeo nút bịt tai khi ngủ có thể cải thiện đáng kể chất lượng giấc ngủ của bạn. Đối với nhiều người, nút bịt tai là cách duy nhất giúp họ không bị những âm thanh như tiếng xe trên đường cao tốc hay tiếng ngáy của người khác làm phiền.
Một âm thanh lớn có thể đánh thức bạn ra khỏi một giấc ngủ sâu. Sau khi bị đánh thức, bạn cần một khoảng thời gian để trở lại giai đoạn ngủ sâu như trước đó.
Chất lượng giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng. Theo một báo cáo năm 2006, giấc ngủ chất lượng thấp trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ:
- Cao huyết áp
- Đột quỵ
- Bệnh tiểu đường
- Đau tim
- Béo phì
- Phiền muộn.
Một báo cáo khác từ năm 2012 cũng cho rằng, giấc ngủ chất lượng kém làm tăng nguy cơ viêm nhiễm và giảm chức năng miễn dịch của cơ thể.
Tác dụng phụ khi đeo nút bịt tai đi ngủ
Đeo nút bịt tai thường xuyên có thể dẫn đến một số tác dụng phụ tiềm ẩn.
Theo thời gian, nút bịt tai có thể gây nên tình trạng tích tụ ráy tai. Tình trạng này có thể dẫn đến một số vấn đề như mất thính giác tạm thời và ù tai. Để loại bỏ ráy tai tích tụ, bạn cần sử dụng thuốc nhỏ tai để làm mềm ráy tai hoặc nhờ các dịch vụ lấy ráy tai chuyên nghiệp.
Nút bịt tai cũng có thể gây nhiễm trùng tai do vi khuẩn bám và sinh sôi trên nút. Nhiễm trùng tai thường gây đau tai và có thể dẫn đến mất thính giác nếu không được điều trị đúng cách.
Các loại nút bịt tai chống ồn phù hợp để đeo đi ngủ
Nút bịt tai thường được chia thành các loại có lỗ thông hơi và không có lỗ thông hơi. Nút bịt tai thông hơi có một lỗ nhỏ, giúp cân bằng áp suất trong tai. Do đó, chúng rất hữu ích khi bạn đi máy bay hoặc lặn biển.
Theo Healthline, nút bịt tai thông hơi bao gồm nhiều loại với các chất liệu khác nhau, chẳng hạn như:
- Nút bịt tai bằng sáp: Loại nút bịt tai này dễ dàng uốn nắn theo kích cỡ tai của bạn. Đây là một lựa chọn tốt để đeo khi đi ngủ và đi bơi vì chúng không thấm nước.
- Nút bịt tai bằng silicon: Nút bịt bằng silicon cứng có thể tái sử dụng, nhưng chúng thường không thoải mái khi ngủ, đặc biệt là nếu bạn có thói quen nằm một bên. Nút bịt tai bằng silicon mềm tương tự loại bằng sáp và mang lại cảm giác thoải mái hơn. Tuy nhiên, một số người thấy rằng chúng không có hiệu quả chống ồn tốt như các loại khác.
- Nút bịt tai bọt biển: Nút tai bọt là lựa chọn rẻ tiền nhất. Chúng rất mềm mại nên thường được dùng để đeo lúc ngủ. Tuy nhiên, vật liệu xốp khiến chúng trở thành môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển. Do đó bạn cần thay thế chúng thường xuyên.
Ngoài ra, bạn cũng có thể trao đổi với bác sĩ để sử dụng nút bịt tai tùy chỉnh. Nút bịt tai tùy chỉnh được làm dựa trên khuôn tai của bạn và có thể tái sử dụng. Loại nút này thường khá đắt tiền, nhưng công dụng ngăn tiếng ồn của nó rất tốt. Thậm chí, nó có thể ngăn cả tiếng đồng hồ báo thức lẫn cảnh báo khẩn cấp. Do đó, bạn cần thận trọng khi sử dụng nó.
Cách sử dụng nút bịt tai chống ồn
Sử dụng nút tai đúng cách giúp bạn giảm nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ. Cách sử dụng nút bịt tai an toàn như sau:
- Dùng tay xoa tròn nút bịt tai cho đến khi nó gọn vừa đủ để cho vào trong tai
- Kéo vành tai hướng lên trên và ra phía sau
- Chèn nút bịt tai vào sâu vừa đủ để ngăn âm thanh. Không cố gắng đẩy nó vào quá sâu bên trong tai, vì có thể nó sẽ gây kích thích màng nhĩ.
Nếu bạn sử dụng nút bịt tai dùng một lần, đặc biệt là loại bọt biển, bạn cần thay nút vài ngày một lần để tránh nhiễm trùng. Ngoài ra, để kéo dài tuổi thọ của nút bịt tai chống ồn, bạn có thể rửa sạch chúng mỗi ngày bằng nước ấm và xà phòng nhẹ. Tuy nhiên, hãy chắc rằng nút bịt tai đã hoàn toàn khô ráo trước khi được cho vào tai.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.
Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Nguồn: Sleeping with earplugs
Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất: