Từ khi tròn 1 tuổi, bé có thể thay đổi nhiều trong việc ăn uống. 8 lưu ý về dinh dưỡng cho bé 1 tuổi dưới đây sẽ giúp cả bố mẹ và bé đều bớt căng thẳng nhé
Lượng calo hàng ngày
Bé 1 tuổi cần khoảng 1000 calo/ngày, chia thành 3 bữa chính và 2 bữa phụ. Nhưng bố mẹ cũng không nên kỳ vọng rằng bé sẽ luôn ăn uống đều đặn. Thực tế, các thói quen ăn uống của bé 1 tuổi còn rất thất thường. Ví dụ, bé có thể ăn mọi thứ trong bữa sáng và hầu như không ăn gì nữa trong suốt cả ngày; ăn cùng một loại thức ăn suốt 3 ngày liền rồi lại không chịu ăn món đó nữa; nạp đến 1.000 calo trong một ngày nhưng trong ngày tiếp theo lại ăn ít hẳn đi.
Khuyến khích thì hơn là đòi hỏi
Khuyến khích bé, nhưng đừng tạo áp lực hay bắt bé ăn vào một giờ nhất định. Và dù hơi khó tin, nhưng việc ăn uống của bé sẽ tự cân bằng sau vài ngày nếu trong nhà luôn có nhiều loại thức ăn lành mạnh.
Các nhóm thực phẩm
Bé 1 tuổi cần những nhóm thực phẩm như người lớn cần. Bố mẹ nên cho bé chọn thức ăn trong các nhóm thực phẩm cơ bản và để bé khám phá nhiều hương vị, màu sắc… Từ đó, bé sẽ có một chế độ ăn cân bằng với nhiều vitamin.
Chất béo cũng rất quan trọng
Bố mẹ đừng loại bỏ hoàn toàn chất béo ra khỏi khẩu phần ăn của bé 1 tuổi. Một nửa số calo trong khẩu phần ăn của bé ở tuổi này nên là từ chất béo. Cholesterol và các chất béo khác cũng rất quan trọng đối với sự phát triển của bé. Khi bé lên 2, bố mẹ có thể giảm dần lượng chất béo trong các món mà bé ăn.
Để ý nhiệt độ thức ăn
Bố mẹ cần kiểm tra nhiệt độ thức ăn để đảm bảo bé không bị bỏng.
Mùi vị tự nhiên của thức ăn là tuyệt nhất
Bố mẹ đừng cho bé ăn thức ăn có quá nhiều gia vị, nhiều muối, nhiều bơ hoặc đường. Bởi những thức ăn như thế khiến bé không nếm được mùi vị tự nhiên của thực phẩm, và cũng không tốt cho sức khỏe lâu dài của bé.
Bé rất dễ bị nghẹn, hóc
Bố mẹ hãy đảm bảo rằng thức ăn của bé phải được nghiền hoặc cắt thành những miếng nhỏ, dễ nhai. Ví dụ, không đưa cho bé lạc (đậu phộng), nho nguyên quả, cà chua bi (trừ khi đã cắt làm 4), cà rốt nguyên củ, các loại hạt (hạt bí đỏ, hạt hướng dương), xúc xích nguyên chiếc hoặc miếng lớn, thịt xiên, kẹo cứng, kẹo dẻo, hay cục bơ lạc to (nếu phết mỏng lên bánh quy hoặc bánh mì thì được). Đặc biệt, xúc xích và cà rốt nên được bổ làm 4 theo chiều dọc rồi thái thành những lát nhỏ.
Không để bé ăn mà không có người lớn bên cạnh
Khi ăn, bé cần được ngồi ngay ngắn và có người lớn trông chừng để tránh nguy cơ hóc, nghẹn. Bố mẹ nên dạy bé càng sớm càng tốt rằng khi có thức ăn trong miệng thì không nói chuyện.
Xem thêm bài viết:
- Nên cho trẻ uống sữa ít béo hay sữa nguyên kem?
- Giữ cơm trưa an toàn thực phẩm cho trẻ
- Thể dục cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt
Nguồn: verywellfamily