Trẻ bắt nạt bạn là việc rất xấu và trẻ có thể phải chịu hậu quả do chính hành động bắt nạt người khác. Do đó, bố mẹ cần can thiệp sớm để giúp thay đổi hành vi và nhận thức của trẻ.
Những dấu hiệu cho thấy trẻ đang bắt nạt bạn
Nếu trẻ bắt nạt bạn bè thì chắc chắn giáo viên, phụ huynh khác, hoặc anh chị em hay bạn bè của trẻ sẽ sớm thông báo cho bố mẹ biết. Tuy nhiên, bố mẹ cũng nên chú ý nếu trẻ có những biểu hiện sau:
- Nhắc đến bạn với thái độ hung hăng hoặc nói những điều không hay về bạn.
- Có tiền, đồ chơi hoặc những đồ vật khác không thuộc sở hữu của trẻ.
Hai biểu hiện này không phải là bằng chứng cho thấy trẻ đang bắt nạt bạn khác. Nhưng khả năng lớn là trẻ cũng đang gặp vấn đề nào đó ở trường. Vì vậy, bố mẹ nên nói chuyện với giáo viên để kịp thời nắm bắt tình hình của con.
Bố mẹ nên làm gì khi biết trẻ bắt nạt bạn?
Can thiệp tại nhà
Bố mẹ cần cho trẻ biết rằng, hành vi bắt nạt của trẻ là tuyệt đối không tốt. Bố mẹ hãy cố gắng giữ thái độ bình tĩnh, nhưng cũng cần đủ nghiêm túc để trẻ hiểu rằng cần chấm dứt hành vi đó. Bố mẹ có thể bắt đầu theo những cách này:
- Giải thích cho trẻ hiểu “bắt nạt” nghĩa là gì.
- Nói chuyện về những hành động của trẻ. Lắng nghe trẻ để tìm hiểu lý do và cố gắng không kết tội.
- Nhiều trẻ không nhận thức được rằng hành vi của mình ảnh hưởng tới người khác như thế nào. Vì vậy, bố mẹ nên giúp trẻ hiểu bằng cách đặt những câu hỏi đơn giản. Ví dụ như “Con có muốn người khác đối xử với mình như vậy không?” hay “Con nghĩ xem hành động của mình sẽ khiến bạn cảm thấy thế nào?”…
Can thiệp tại trường học
Bố mẹ cũng nên trao đổi với nhà trường (hoặc tổ chức, câu lạc bộ…, nơi xảy ra sự việc) về nội quy và hình phạt cho hành động bắt nạt của con.
Nếu bố mẹ đồng ý với quyết định của nhà trường, thì điều này sẽ khiến trẻ hiểu rằng, hành vi bắt nạt của mình là không được chấp nhận. Bố mẹ cũng nên tham khảo ý kiến của trường để có những biện pháp can thiệp tại nhà. Đồng thời, thường xuyên liên lạc với nhà trường để theo dõi tình hình của trẻ.
Xem xét lý do khiến trẻ bắt nạt bạn
Bố mẹ nên tìm hiểu lý do để tìm ra cách giải quyết tận gốc vấn đề. Trẻ bắt nạt bạn có thể vì một số nguyên nhân sau đây:
- Bản thân trẻ đã và đang bị bắt nạt. Vì vậy, bố mẹ hãy lắng nghe trẻ và quan sát những dấu hiệu cho thấy trẻ có thể đang bị bắt nạt.
- Trẻ tham gia vào nhóm bắt nạt chỉ để tránh trở thành nạn nhân. Bố mẹ nên trao đổi với nhà trường để giải quyết tình trạng này.
- Trẻ bị ảnh hưởng do thấy cảnh bắt nạt ở nhà hoặc trên các phương tiện truyền thông như tivi, YouTube…
- Trẻ kém tự tin, nên bắt nạt người khác để cảm thấy mình quan trọng hoặc có quyền lực hơn.
- Trẻ hiểu lầm khái niệm “bắt nạt” là “tự bảo vệ bản thân” do người lớn vô tình khen ngợi, khuyến khích hành vi bạo lực, hung hăng của trẻ.
Bố mẹ nên làm gì khi trẻ tiếp tục bắt nạt bạn?
Lập cam kết về hành vi của trẻ
Bố mẹ nên lập một bản cam kết giữa nhà trường, phụ huynh và bản thân trẻ. Trong cam kết cần nêu rõ hậu quả mà trẻ sẽ phải chịu nếu tiếp tục bắt nạt bạn, hoặc trẻ sẽ được gì nếu ngừng hành vi đó. Bố mẹ có thể liệt kê rõ ràng những việc trẻ có thể làm thay vì đi bắt nạt người khác.
Bên cạnh đó, bố mẹ có thể yêu cầu trẻ viết thư xin lỗi người bạn bị bắt nạt.
Cho trẻ được tư vấn tâm lý
Trẻ có thể sẽ cần được tư vấn tâm lý (từ bác sĩ hoặc thầy/cô tư vấn của nhà trường) thì mới ngừng hành động bắt nạt, rồi có những cách tích cực hơn để kết nối với bạn bè. Việc tư vấn tâm lý cũng giúp trẻ tự tin hơn, biết đối phó với những cơn giận dữ và biết kiểm soát cảm xúc của mình.
Bố mẹ nên làm gì để ngăn chặn hành vi bắt nạt của trẻ?
Để ngăn chặn hành vi bắt nạt trong tương lai, bố mẹ cần dạy cho trẻ cách cải thiện các mối quan hệ thông qua việc thể hiện sự đồng cảm, tôn trọng và quan tâm tới bạn bè. Ngoài ra thì bố mẹ có thể thực hiện những cách cụ thể hơn, như:
Trở thành tấm gương cho trẻ
Hãy cho trẻ thấy rằng bố mẹ luôn đối xử với người khác bằng sự chân thành và tôn trọng.
Giúp trẻ tự tin hơn
Bố mẹ nên cho trẻ thử nghiệm nhiều hoạt động khác nhau, khuyến khích và tạo điều kiện cho trẻ làm những việc trẻ thích, như ca hát, vẽ, chơi cờ…
Ngoài ra, bố mẹ cũng nên dành cho trẻ thật nhiều sự quan tâm, chăm sóc tích cực. Những trẻ được bố mẹ quan tâm thường sẽ không đối xử tệ với người khác. Còn những trẻ ít được yêu thương hoặc phải chịu cảnh bạo lực trong gia đình thì dễ đi bắt nạt bạn bè.
Kỷ luật lành mạnh
Bố mẹ nên đặt ra những giới hạn và cho trẻ biết những hậu quả sẽ xảy ra nếu trẻ vi phạm các giới hạn đó. Đồng thời, hãy khen ngợi và động viên khi con có hành vi tốt.
Bên cạnh đó, nếu bố mẹ muốn trẻ học được cách giải quyết xung đột mà không sử dụng bạo lực, thì bản thân bố mẹ cũng phải để trẻ thấy rằng mình luôn giải quyết xung đột một cách lịch sự, hòa nhã.
Xem thêm bài viết:
- Nên cho trẻ uống sữa ít béo hay sữa nguyên kem?
- Giữ cơm trưa an toàn thực phẩm cho trẻ
- Thể dục cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt
Nguồn: verywellfamily