Đặt ống thông khí màng nhĩ (hay còn gọi là đặt ống thông tai) là thủ thuật thường được chỉ định phổ biến ở trẻ em gặp các vấn đề bất thường về nghe, nói. Tuy nhiên, chưa nhiều người hiểu rõ về thủ thuật này và cách để theo dõi con trẻ sau khi đặt ống.
Hãy cùng tìm hiểu với MedPlus trong bài viết sau đây nhé!
Tìm hiểu chung
Đặt ống thông khí màng nhĩ là gì?
Ống thông khí màng nhĩ là những ống hình trụ nhỏ, rỗng làm bằng nhựa hoặc kim loại. Đặt ống thông khí màng nhĩ là thủ thuật đặt những ống nhỏ này vào phía sau màng nhĩ để tạo thành lỗ thông giúp thoát dịch từ tai giữa ra ngoài; cho phép không khí lưu thông vào tai giữa và ngăn chặn sự tích tụ dịch lỏng ở phía sau màng nhĩ.
Khi nào cần đặt ống thông khí màng nhĩ?
Ống thông khí màng nhĩ là một lựa chọn điều trị thích hợp cho trẻ em mắc phải các vấn đề ở tai giữa sau đây:
- Viêm tai giữa cấp tính do vi khuẩn hoặc virus gây ra. Nếu trẻ em có quá 3 đợt nhiễm trùng tai trong 6 tháng hoặc hơn 4 đợt nhiễm trùng tai trong 1 năm, bác sĩ có thể chỉ định đặt ống thông khí màng nhĩ, để tránh nhiễm trùng tái lại.
- Viêm tai giữa có tràn dịch là sự tích tụ của dịch lỏng mà không có dấu hiệu hoặc triệu chứng của nhiễm trùng. Điều này có thể là do dịch lỏng ứ đọng lại sau các đợt nhiễm trùng, dịch lỏng này có thể gây mất thính giác và ảnh hưởng đến vấn đề giữ thăng bằng của trẻ. Phẫu thuật đặt ống thông tai sẽ có lợi trong các trường hợp các vấn đề về thính giác dẫn đến chậm phát triển về ngôn ngữ, học kém hoặc các vấn đề về hành vi.
- Viêm tai giữa mãn tính là một bệnh nhiễm trùng gây ra bởi vi khuẩn không đáp ứng điều trị với kháng sinh. Đặt ống thông khí màng nhĩ để dẫn lưu tai và nhỏ thuốc kháng sinh trực tiếp vào tai giữa.
- Viêm tai giữa mủ mãn tính là tình trạng viêm tai giữa liên tục gây thủng màng nhĩ và chảy mủ liên tục. Ống thông tai được đặt nhằm dẫn lưu và điều trị trực tiếp sau khi đã phẫu thuật vá màng nhĩ.
Đặt ống thông khí màng nhĩ là một phẫu thuật phổ biến ở trẻ em nhưng nó không được xem là chỉ định đầu tay đối với bệnh nhân nhiễm trùng tai.
Quy trình
Quy trình đặt ống thông khí màng nhĩ
Trong phẫu thuật đặt ống thông khí màng nhĩ, trẻ em thường được gây mê toàn thân. Do đó, bệnh nhân sẽ không cảm nhận được gì trong quá trình phẫu thuật. Còn người lớn thường dùng thuốc gây tê cục bộ, họ vẫn tỉnh táo khi phẫu thuật diễn ra.
Phẫu thuật này thường chỉ mất khoảng 15 phút, bác sĩ sẽ tiến hành theo các bước:
- Rạch một vết nhỏ trên màng nhĩ bằng dao mổ nhỏ hoặc tia laser.
- Dẫn lưu hoặc hút dịch lỏng tắc nghẽn ở tai giữa ra ngoài.
- Đặt ống thông khí màng nhĩ vào theo đường vết rạch.
Điều gì xảy ra sau khi đặt ống thông khí màng nhĩ?
Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được chuyển về phòng hồi sức cấp cứu để theo dõi các biến chứng sau phẫu thuật và gây mê. Nếu không xảy ra biến chứng bất thường, bệnh nhân có thể xuất viện trong vòng vài giờ.
Trẻ em có thể buồn ngủ, cáu kỉnh và buồn nôn sau phẫu thuật do thuốc mê. Trong hầu hết trường hợp, trẻ có thể sinh hoạt và vận động bình thường trở lại trong vòng 24 giờ sau phẫu thuật.
Bác sĩ có thể kê đơn thuốc nhỏ kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng sau phẫu thuật.
Các ống thông này thường sẽ rụng trong vòng 9 – 18 tháng. Nếu chúng không tự rơi ra sau 2 năm, bác sĩ cần phải can thiệp để loại bỏ chúng.
Thận trọng
Cách chăm sóc bệnh nhân sau đặt ống thông khí màng nhĩ
Bác sĩ sẽ hướng dẫn cho bệnh nhân và người nhà cách chăm sóc và theo dõi tại nhà sau khi đặt ống thông tai. Nếu không có biến chứng xảy ra, các lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân gồm có:
- Tái khám trong vòng 2-4 tuần kể từ khi làm phẫu thuật. Khi đó, bác sĩ cần kiểm tra xem vị trí và chức năng các ống thông tai đã đặt có phù hợp hay chưa. Và sau đó, bệnh nhân vẫn cần tái khám 4-6 tháng một lần theo lịch hẹn của bác sĩ.
- Nhỏ thuốc kháng sinh trực tiếp vào tai để ngăn ngừa nhiễm trùng sau phẫu thuật. Lưu ý bạn cần nhỏ thuốc ngay cả khi không có dịch tiết hay dấu hiệu của nhiễm trùng.
- Nếu bệnh nhân bị mất thính lực trước khi làm phẫu thuật, bác sĩ cũng sẽ yêu cầu kiểm tra thính lực đồ để đánh giá khả năng nghe sau đặt ống thông khí màng nhĩ.
- Bác sĩ có thể đề nghị trẻ đeo nút tai khi đi bơi hoặc khi tắm.
Những rủi ro và biến chứng
Mặc dù đặt ống thông khí màng nhĩ là một thủ thuật an toàn, ít rủi ro và biến chứng nhưng bạn cũng cần lưu ý một số rủi ro có thể xảy ra như:
- Chảy máu và nhiễm trùng.
- Chảy dịch tai liên tục.
- Các ống thông tai bị tắc nghẽn do máu, chất nhầy hoặc các dịch tiết khác.
- Sẹo màng nhĩ do nhiễm trùng tai nhiều hoặc do chính phẫu thuật để lại.
- Ống thông tai bị rụng quá sớm hoặc duy trì quá lâu sau phẫu thuật.
- Màng nhĩ không đóng lại sau khi ống thông khí màng nhĩ tự rụng hoặc được rút ra.
Ngoài ra, gây mê toàn thân dù được xem là an toàn với trẻ em khỏe mạnh nhưng đôi lúc cũng có thể xảy ra các rủi ro như: buồn nôn, nôn, khó thở, dị ứng hoặc rối loạn nhịp tim.
Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Ngoài lịch tái khám định kỳ, bạn cần đưa bệnh nhân đến khám bác sĩ tai mũi họng ngay khi phát hiện các triệu chứng sau:
- Chảy dịch tai màu vàng, nâu hoặc chảy máu liên tục hơn 1 tuần sau đặt ống thông khí màng nhĩ.
- Ống tai rơi ra trong vài tuần đầu.
- Thuốc nhỏ tai được kê đơn gây khó chịu.
- Bị sốt, nôn mửa.
- Đau tai dai dẳng, gặp các vấn đề bất thường về thính giác hoặc khó để giữ thăng bằng.
- Đau tai dữ dội hoặc chảy máu trong tai.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.
Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Nguồn: Ear Tubes: Treatment, Risks, Benefits, Outlook
Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất: