Trong độ tuổi từ 1-2, bé sẽ có nhiều thay đổi về mặt giao tiếp và ngôn ngữ. Bố mẹ cùng tìm hiểu phát triển kỹ năng giao tiếp cho trẻ 1-2 tuổi để hỗ trợ bé cho phù hợp nhé.
Phát triển kỹ năng giao tiếp cho trẻ 1-2 tuổi
Khi 1 tuổi, bé sẽ thích lắng nghe mọi điều bố mẹ nói và ghi nhớ rất nhanh. Vì vậy, bố mẹ nên nói chậm, rõ ràng, đơn giản và sử dụng từ ngữ thông thường thay vì tự bịa ra những từ “yêu yêu” theo kiểu trẻ con.
Ngoài ra, bé cũng biết sử dụng cử chỉ để giao tiếp, ví dụ chỉ vào những bức tranh hay món đồ bé muốn. Vì vậy, bố mẹ nên tạo sự kết nối giữa cử chỉ và ngôn ngữ, ví dụ như hỏi: “Con muốn uống gì à?” khi bé chỉ vào tủ lạnh, rồi đợi bé đáp lại. Điều này sẽ khuyến khích bé trả lời và tham gia vào các cuộc hội thoại. Bố mẹ cũng nên dạy bé chơi một số trò có kết hợp cử chỉ như “Chi chi chành chành” hay “Nu na nu nống”.
Thông thường, vốn từ vựng của bé sẽ phát triển nhanh nhưng bé phát âm chưa chuẩn. Vậy bố mẹ nên cố gắng nhấn mạnh cách phát âm đúng khi trò chuyện với bé nhé!
Một số mốc phát triển ngôn ngữ của bé 1-2 tuổi
Hầu hết các bé ở độ tuổi này có thể làm được những việc sau:
- Nói được vài từ khi 15-18 tháng.
- Biết chỉ người, sự vật và một số bộ phận cơ thể quen thuộc khi được 18 tháng.
- Nói được trên 50 từ khi 2 tuổi.
- Biết ghép hai từ để tạo thành câu (khi 2 tuổi).
- Biết làm theo yêu cầu gồm hai bước (khi 2 tuổi).
Đôi khi, bố mẹ có thể lo rằng bé bị tự kỷ khi thấy bé chậm nói. Tuy nhiên, hội chứng tự kỷ còn bao gồm nhiều dấu hiệu khác. Nếu bố mẹ băn khoăn về khả năng ngôn ngữ của con mình thì nên gặp bác sĩ để con được đánh giá chính xác nhé!
Xem thêm bài viết:
- Nên cho trẻ uống sữa ít béo hay sữa nguyên kem?
- Giữ cơm trưa an toàn thực phẩm cho trẻ
- Thể dục cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt
Nguồn: verywellfamily